Tản mạn về ngôi nhà có ống khói lò sưởi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là tôi đang muốn nói đến ngôi nhà có ống khói lò sưởi của ông Nguyễn Công Thang (1931-1997) trong trang trại Hoa Vàng, số 580/22 Trường Chinh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Ngày 3-12-1929, người Pháp thành lập thị tứ Pleiku với trung tâm là xã Hội Thương-Hội Phú. Khi quy hoạch nơi đây, họ vạch thẳng một trục đường chính theo hướng Đông-Tây từ cửa ngõ vào Pleiku, lúc đó, người dân gọi là ngã ba Bốt Công-trôn (poste de contrôle, ngã ba trước Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai trước khi thêm nhánh đường Nguyễn Tất Thành hiện nay), lên đến ngọn đồi gần núi Đá với con dốc chính là dốc võng Hội Phú trùng với quốc lộ 14 hiện nay.

Đây là trục đường phát triển kinh doanh buôn bán với các tiệm vải của người Chà Và và những tiệm ăn uống, tạp hóa của người gốc Hoa, trước 1975 mang tên đường Hoàng Diệu (nay là đường Hùng Vương).

Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Pleiku vẫn được xem là nơi “rừng thiêng, nước độc” vì dân cư dễ mắc bệnh sốt rét ngã nước, một thị xã gồm những người công chức và quân nhân bị điều chuyển đến đây làm việc một thời gian ngắn vài ba năm, cũng là nơi hội tụ của một số cư dân gốc từ Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi lên lập nghiệp.

Người dân thường nói “Pleiku nắng bụi-mưa bùn”, một thị tứ với màu xanh của những con đường rợp mát do được quy hoạch trồng cây hai bên đường ngay từ khi thành lập hòa lẫn với màu của đất đỏ bazan.

Ngôi nhà có ống khói lò sưởi trong trang trại Hoa Vàng do ông Nguyễn Công Thang thiết kế (ảnh nhân vật cung cấp).

Mùa mưa và cái lạnh của Pleiku xưa được nhà thơ Kim Tuấn phác họa rất tài tình: “Hoa vông rừng tuyết trắng/Mưa giữa mùa tháng năm/Tay ôm sầu kỷ niệm/Gió rét về lạnh căm/Từng bước chân âm thầm”. Còn với nhà thơ Vũ Hữu Định thì: “Phố núi cao, phố núi đầy sương/Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”. Qua đó đủ thấy thuở sơ khai, Pleiku quả thật là nơi “đất rộng, người thưa”. Vì thế, cùng với cái lạnh vốn có của rừng núi, cộng thêm việc xây dựng nhà cửa nơi dân cư thưa thớt; vả lại, cái lạnh của thị xã là lạnh buốt rất khó chịu.

Phải chăng đó là nguyên nhân chính mà nhà ở của một số cư dân khá giả, có điều kiện kinh tế, không chỉ riêng những chủ nhà là người Pháp, đều làm lò sưởi đốt củi để sưởi ấm trong nhà. Và cũng vì thế mà những nhà này có thêm ống khói lò sưởi nhô ra khỏi mái nhà; có nhà ngoài lò sưởi nơi phòng khách chủ nhà làm thêm lò sưởi ở buồng ngủ và vì đun nấu bằng củi nên có thể thêm cả ống khói của nhà bếp do vậy mà có thể có đến 2 hoặc 3 ống khói vươn cao.

Ngoài những ngôi nhà trong nội thị có ống khói lò sưởi đặc biệt mang dấu ấn khó phai trong ký ức một số cư dân Pleiku còn nặng lòng với hoài niệm tuổi thơ như: nhà Biệt điện (tức nhà công sứ Pleiku thời Pháp thuộc, tại sân của ngôi biệt thự này đã diễn ra Đại hội dân tộc thiểu số miền Nam ngày 19-4-1946. Ngôi nhà này tồn tại đến năm 1994, khi xây dựng trụ sở Tỉnh ủy hiện nay).

Ông Nguyễn Công Thang (ngoài cùng bên phải) và các cán bộ UBND thị xã Pleiku bên tua bin Nhà máy điện xã Gào (ảnh chụp năm 1978; ảnh tư liệu).

Tuy vậy, khá gần trung tâm Pleiku hiện còn 2 ngôi nhà với ống khói lò sưởi đáng được quan tâm là ngôi nhà của ông chủ Đờ (de Guenyveau, Giám đốc người Pháp cuối cùng của Sở Trà Biển Hồ xưa) nằm ở cuối hàng thông gần trăm tuổi trước khi rẽ vào khu phế tích của nhà máy chế biến chè xưa (nay chỉ còn những ụ bê tông chân đế lắp vì kèo nhà máy chế biến). Gọi là cuối vì ngôi nhà nằm gần cây thông được đánh số lớn nhất, ở thôn 2 (tức thôn Cỏ May xưa), xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh.

Và ngôi nhà xây năm 1994, gần cuối thế kỷ XX, trong trại Hoa Vàng số 580/22 đường Trường Chinh, chủ nhân đời đầu là ông Nguyễn Công Thang, bút danh Hàn Tử Sinh.

Ông Nguyễn Công Thang, thường gọi là ông Bảy Thang, quê An Nhơn, Bình Định lên Pleiku lập nghiệp từ năm 1957. Thuở ban đầu, ông làm việc trong đồn điền chè Bàu Cạn. Ông là người siêng năng, cần cù trong công việc, chịu khó mày mò học hỏi và có năng khiếu thi-họa.

Theo các con ông thuật lại, ông từng để lại tập di cảo gồm những bài thơ đăng trên các báo đối lập như: Điện Tín, Con Ong… phát hành trước 1975 nhằm châm biếm, giễu cợt những viên chức xưa tham nhũng, sách nhiễu dân lành.

Về hội họa, ông Bảy Thang cũng từng được bà vợ người Việt của ông chủ Tây Portier ngồi làm mẫu để ông vẽ chân dung và khi chủ đồn điền tổ chức thi vẽ mẫu cho hộp trà Catecka bằng thiếc dùng để xuất khẩu thì hình mẫu một người đàn ông người dân tộc thiểu số, đóng khố, đeo gùi miệng ngậm tẩu thuốc lá đang hái lá chè của ông Bảy được chọn.

Về việc này, gần đây, tham khảo tư liệu trong thư viện Đông Dương của Pháp, tôi thấy hình ảnh tương tự như vậy: một phụ nữ người dân tộc thiểu số lưng vừa đeo gùi vừa địu con nhỏ, miệng ngậm tẩu thuốc đang hái trà đã được đăng trên áp phích và tạp chí ảnh tại Pháp để quảng cáo chè “Cao nguyên Mọi” Catecka năm 1937.

Có thể, ông Bảy Thang đã thể hiện lại ý tưởng chính của áp phích nêu trên nhưng kế thừa một cách sáng tạo, bằng cách đổi người phụ nữ địu con thành người đàn ông và thêm nhà máy chế biến chè trong bức tranh dự thi vẽ mẫu hộp trà của ông; và cũng không loại trừ ý tưởng sáng tạo trong hội họa trùng nhau.

Áp phích và tranh quảng cáo trên tạp chí Pháp tháng 11-1937 (ảnh tư liệu).

Mẫu hộp trà Catecka xuất khẩu (hiện vật gia đình ông Nguyễn Công Thang lưu giữ; ảnh tư liệu)

Trong thời gian làm việc tại đồn điền Bàu Cạn, ông Bảy Thang là người phụ trách điện của toàn đồn điền và chịu trách nhiệm vận hành trạm biến áp chính sát nhà máy chế biến chè, cũng là nguồn cấp điện 15 kV đưa điện về bán cho chính quyền Pleiku từ năm 1951 trở đi.

Sau 10 năm làm việc trong Catecka, khoảng năm 1966-1967, ông Bảy Thang và gia đình chuyển về ở trong nội thị Pleiku. Đến năm 1971, ông Bảy lập xưởng cơ khí-gara Trường Sơn tại số 24 Phan Thanh Giản-Đinh Tiên Hoàng (góc đường Lê Hồng Phong-Đinh Tiên Hoàng ngày nay), chuyên sửa chữa và độ chế khung xe Bò Vàng (loại xe có thể tời, cẩu và vận chuyển gỗ). Một cơ xưởng đông khách hàng và có uy tín lúc bấy giờ.

Sau 1975, ông Bảy Thang là Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí 17/3. Xí nghiệp Cơ khí 17/3 cùng với xưởng cưa thị xã của ông Tám Lương và xưởng nước đá ông Tầm là những xí nghiệp quan trọng của thị xã Pleiku.

Thời bao cấp, điện đóm phập phù đêm có đêm không, với đam mê nghề nghiệp, ông Bảy cùng các đồng nghiệp cơ-điện lắp đặt tua bin thủy điện cho Nhà máy điện xã Gào (nhà máy hoạt động được một thời gian, sau đó vì nhiều lý do đã hư hỏng, không hoạt động).

Do người thân khi mất an nghỉ nơi nghĩa trang Trà Bá, từ năm 1990, ông Bảy Thang đã xin 1 lô đất rộng khoảng gần 2 ha để làm nơi dưỡng già và tiện thăm viếng mộ những người thân. Căn nhà có kiểu dáng nhà sàn cách điệu với ống khói của lò sưởi đốt củi, được tự tay ông thiết kế và điều hành xây dựng năm 1994.

Hiện nay, con trai thứ ba của ông là ông Tân Trường Sơn đã mua thêm đất lân cận để mở rộng và phát triển trang trại với khu tâm linh, đài thiên văn, thư quán, bể bơi, vườn tượng, nơi đốt lửa trại với cảnh quan đẹp bắt mắt, nếu quảng bá và kết nối rộng rãi thì có thể là một điểm đến du lịch lý tưởng.

Có thể bạn quan tâm