Thời sự - Bình luận

'Trục xương sống' quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cả nước hiện có 1.822 km đường bộ cao tốc, dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành thêm khoảng 70 km, nâng tổng số đường cao tốc quốc gia lên 1.892 km. Mục tiêu là đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000 km.

Đây là mục tiêu tạo nhiều kỳ vọng nhưng cũng đối diện lắm thách thức, đòi hỏi không chỉ ngành GTVT nỗ lực mà còn rất cần sự chỉ đạo thống nhất, sát sao của Chính phủ. Quốc hội đã có quyết sách cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, vấn đề còn lại là triển khai thực hiện hiệu quả. Bộ GTVT cũng đã phát động "Chiến dịch 90 ngày đêm" trên các công trường thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các đơn vị đang dốc toàn lực để đẩy nhanh tiến độ.

Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, là yếu tố tạo ra không gian thông suốt để thực thi liên kết vùng. Các tuyến cao tốc đã, đang và sẽ hoàn thành chính là "trục xương sống" của quốc gia: Cao tốc Bắc - Nam gồm 2 tuyến chính với tổng chiều dài 3.262 km, bên cạnh 22 tuyến cao tốc ở 3 miền. Các tuyến cao tốc đang nối dài từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, cùng các đường hành lang, vành đai tạo ra bức tranh giao thông với nhiều gam màu sáng.

Đặc biệt, các tuyến liên vùng đi qua Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ như Lào Cai - Hà Nội, Buôn Ma Thuột - Nha Trang, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng… đã và sẽ "giải cơn khát" đường cao tốc, đường giao thông ở những khu vực này, tạo ra không gian phát triển mới, kết nối liên vùng, xâu chuỗi các cụm đô thị. Từ đó, giúp các vùng và địa phương cùng tăng tốc phát triển.

Nhìn tổng thể, hạ tầng giao thông và đường cao tốc hiện tại vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Vẫn đang tồn tại các nút thắt lớn là thiếu vốn, thiếu vật liệu đắp nền đường, thi công chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ theo kiểu "ngắt khúc", khiến mạch máu GTVT của vùng chưa thông suốt.

Trong điều kiện vốn ngân sách trung ương chỉ đáp ứng một phần và mang tính khơi nguồn, hàng loạt dự án cao tốc thời kỳ 2021-2030 được đầu tư mới sẽ phải huy động nhiều nguồn vốn khác, đi kèm các cơ chế, chính sách mới có thể hoàn thành mục tiêu số km đề ra. Với yêu cầu đó, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GTVT với các bộ, ngành liên quan và những địa phương có đường cao tốc đi qua. Việc bố trí nguồn vốn cần xác định vốn ngân sách trung ương và địa phương rõ ràng, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn ngoài ngân sách.

Kỳ vọng về một diện mạo mới của giao thông nhưng cần nhận diện và vượt qua các thách thức, vừa giải quyết dứt điểm những điểm nghẽn vừa có cách tiếp cận mới. Việc phát triển đường cao tốc, đường giao thông phải gắn liền với yêu cầu phát triển hạ tầng logistics, kết nối với những công trình đầu tư phát triển khác của các vùng và địa phương.

Ngoài ra, cần xây dựng bộ máy quản lý, thi công công trình cũng như vận hành, khai thác chuyên nghiệp và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại mới phát huy tối đa được hiệu quả của "trục xương sống" quốc gia.

Có thể bạn quan tâm