Vườn thảo mộc giữa lòng phố núi Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với vốn kiến thức tích lũy được từ khi mở công ty tại TP. Hồ Chí Minh về mảng thi công vườn rau sạch cho nhà phố, năm 2022, anh Hồ Thanh Thuận (34 tuổi) quyết định trở về Pleiku cải tạo khu vườn rộng gần 700 m2 của gia đình ở số 110/8 Lê Thị Riêng (phường Hội Phú) thành vườn thảo mộc độc đáo giữa lòng phố nhỏ.

Dành tình yêu đặc biệt cho cây cối

Là con trai út trong một gia đình thuần nông ở Pleiku, cha lại là thầy thuốc Nam nên anh Thuận dành tình yêu đặc biệt cho cây cối và cảm mến với những cây hương thơm tự nhiên, có tinh dầu tốt để làm gia vị và làm thuốc chữa bệnh. Sau khi tốt nghiệp ngành Lâm nghiệp của Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai, chàng kỹ sư trẻ được nhận vào làm việc 5 năm tại Lào cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Năm 2017, anh Thuận thôi việc, khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh mở văn phòng chuyên thi công vườn rau sạch.

Khoảng thời gian này, anh Thuận có cơ duyên tiếp xúc và làm quen với nhiều người nước ngoài và những người Việt thích văn hóa ẩm thực châu Âu. Họ sử dụng gia vị khác với gia vị của Việt Nam. Sau một thời gian quan sát, tìm hiểu, anh Thuận bắt đầu say mê những loại cây này. Ngoài những loài thảo mộc gốc Âu, anh còn mở rộng biên độ, khám phá thêm nhiều loại thảo mộc khác đến từ châu Mỹ, châu Á… Và, niềm đam mê cứ lớn dần, lớn dần, đủ thôi thúc anh quyết định trở về quê hương thực hiện ý tưởng xây dựng khu vườn của riêng mình.

Đến thời điểm hiện tại, anh Thuận đã sưu tầm được 60 loại thảo mộc ở các vùng miền trên cả nước và nước ngoài. Anh tâm sự: “Thực ra, trồng thảo mộc tại Gia Lai không khó. Trước tiên, mình phải dành thời gian tiếp xúc, tìm hiểu, thử nghiệm và chấp nhận rủi ro, thất bại. Nhưng khi đã hiểu được đặc tính sinh trưởng của cây thì mọi việc trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Đơn cử như các loại thảo mộc gốc Âu thường rất nhạy cảm với nước, phải để ra ngoài ánh sáng ít nhất 3 giờ/ngày, tưới đủ nước 1 lần/ngày trong mùa nắng. Vào mùa mưa, phải đảm bảo cây không bị ngập úng và để cây ở nơi cao ráo, ít nhất 40 cm so với mặt đất. Nhìn chung, không cần chăm bẵm quá nhiều, chỉ tạo điều kiện phù hợp cho từng loài thì cây sẽ phát triển xanh tốt”.

Anh Hồ Thanh Thuận chăm sóc cây khuynh diệp, loại cây có hàm lượng tinh dầu cao. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm

Cũng theo anh Thuận, nhân giống cây cũng khá dễ, chỉ một vài loại đặc trưng kiểu khí hậu riêng biệt thì khó hơn. Như cây hương thảo, ở TP. Pleiku có nhiều người trồng nhưng tỷ lệ sống lâu năm thì ít, oải hương cũng vậy, đòi hỏi người trồng có sự am hiểu nhất định và kỹ thuật riêng. Bản thân anh Thuận cũng đã “trả học phí thời gian” khá lâu mới nhân giống và phát triển số lượng cây vừa đủ cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Các loài thảo mộc trong vườn của anh có hương thơm dễ chịu, tính ứng dụng cao. Chúng thường được dùng để làm cây cảnh, chế biến tinh dầu, đuổi côn trùng có hại, trang trí điểm tô cho ngôi nhà xanh mát và liệu pháp chữa lành, giúp an thần, xua tan mệt mỏi, căng thẳng của bộn bề cuộc sống hay áp lực công việc trong nhịp sống hiện đại.

Lan tỏa xu hướng trồng thảo mộc

Những năm gần đây, ngoài sử dụng làm gia vị, thảo mộc còn được xem là một loại cây chữa bệnh hữu hiệu, đặc biệt là có tác dụng an thần, giảm stress. Về gia vị, mỗi loại cây phù hợp với những cách chế biến nhất định, như hương thảo (rosemary) hợp với món bò nướng, lá xạ hương (thyme) hầm xương sẽ cho nước dùng thơm ngon đậm đà, kinh giới cay rắc lên pizza hoặc làm xúc xích, lá xô thơm (sage) đem ướp các món như thịt vịt sẽ mang lại hương vị thơm ngon cho món ăn. Còn nếu như dành thời gian thưởng thức mùi thơm hương thảo, đưa mắt nhìn cây xô thơm trổ nhánh hay ngắm vạt lavender bung sắc hoa tím đến nao lòng... chắc chắn mỗi người sẽ có được sự thích thú, vui vẻ, thấy cuộc đời tươi đẹp hơn.

Cũng vì nhu cầu ngày một tăng của khách nên anh Thuận đã dùng khu đất nhỏ còn lại của gia đình để ươm cây con, chủ yếu bán qua internet. Fanpage “Cộng đồng yêu cây thảo mộc tại Còi Garden” có khoảng 1,2 ngàn người theo dõi. “Gần đây, mọi người tìm đến mua cây con về trồng rồi lấy lá dùng làm gia vị, làm thuốc ngày một nhiều. Ngoài làm gia vị, những loại cây này còn được nhiều người mua trồng làm cảnh vì nhìn lạ và có mùi thơm, bổ sung nhiều tinh dầu giúp đuổi muỗi và giảm stress, có người còn mua về để ngâm làm đồ dưỡng da”-anh Thuận chia sẻ.

Chị Lê Thị Thanh Thủy (tổ 3, phường Ia Kring, TP. Pleiku) vừa mua 2 chậu cây phong lữ hoa hồng với giá 90 ngàn đồng. Chị cho hay: “Khu vườn thảo mộc giữa phố là điểm đến hữu ích đối với gia đình tôi. Tôi thích trồng những cây gia vị như hương thảo, khuynh diệp, bạc hà mèo... Khi biết ở đây có bán cây con, tôi liền tìm mua và được chủ vườn hướng dẫn tỉ mỉ cách trồng, chăm sóc”.

Quán cà phê thảo mộc-hướng đi tiềm năng

Nhận thấy mô hình quán cà phê gắn với thảo mộc ở Pleiku chưa nhiều, sẵn địa thế sân vườn, anh Thuận chuyển hướng, quyết định xây dựng quán cà phê thảo mộc. Anh thi công khu vườn thành nơi có cảnh quan bắt mắt để mọi người có thể thảnh thơi tận hưởng không gian thơm mát, trong lành.

Anh Hồ Thanh Thuận dự kiến sẽ tổ chức thêm nhiều buổi workshop để giúp các em thiếu nhi hiểu hơn về các loài thảo mộc. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm

Quán cà phê Gagaco của anh Thuận chia làm 4 khu vực. Khu vực ngoài trời dành riêng cho các loại thảo mộc hạ thổ, dùng làm cây bóng mát như bạch đàn chanh. Khu vực trên lối đi, dọc biên phân cách bởi các khoảnh nhỏ trồng xen nhiều loại thảo mộc có tán bụi như cây xô thơm, khuynh diệp... Khu vực 3 là những chòi lớn nằm bên suối nhân tạo đặt nhiều loài thảo mộc trồng trong chậu, trong ban công và là nơi khách có thể ngồi nghỉ mát, thưởng trà, nhâm nhi hương vị ngọt đắng của cà phê và vuốt tay nhè nhẹ nhành phong lữ hoa hồng, hương nồng nàn, ngất ngây. Khu vực 4 được anh mở không gian dành cho các em nhỏ trải nghiệm cách trồng cây, cách chăm sóc và thu hoạch quả như thù lù Nam Mỹ…

Số dược liệu thu hoạch từ vườn sẽ được chế biến thành các loại trà. Thức uống đặc biệt của quán là trà thảo mộc Gagaco, được làm từ lá thảo mộc phơi khô của vườn. Tuy nhiên, loại trà này số lượng có hạn, mỗi ngày chỉ phục vụ đủ 10 tách cho khách nào muốn thử hương vị trà độc đáo này.

Ngoài việc mở quán cà phê vườn thảo mộc, anh Thuận còn kết hợp với bạn bè ở Nha Trang mở shop cây nhỏ cũng chuyên về dòng thảo mộc. Đầu tiên chỉ phục vụ cho những “tệp khách hàng riêng” sau phổ biến đại trà và dần dần yêu thích gắn bó với dòng cây này. Anh Thuận dự định sẽ triển khai cửa hàng cây 0 đồng. Cùng với đó, tổ chức workshop với sự tham gia của thanh thiếu nhi giúp các em hiểu thêm về sự trưởng thành của cây, học cách xác định tên cây, công dụng, thu hoạch và bảo quản… từ đó giúp các em biết bảo vệ môi trường và yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên. Về lâu dài, anh cũng dự định sẽ mở công ty làm dịch vụ cây thảo mộc gia đình. Công việc sẽ nhiều và cực hơn nhưng cũng hào hứng không kém như việc trồng, bán và mở quán cà phê vườn thảo mộc.

*

Trồng cây giúp con người trở nên hữu ích và sống tích cực hơn, gần hơn với thiên nhiên. Anh Thuận rất thích triết lý của Masanobu Fukuoka: “Mục đích tối thượng của việc làm nông không phải là trồng cây, mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người”. Từ những công dân trẻ của Phố núi như anh Hồ Thanh Thuận, từ những việc làm nhỏ nhưng tràn đầy ý nghĩa ấy đang từng ngày, từng giờ góp phần kiến tạo nên một Pleiku-thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Có thể bạn quan tâm