(GLO)- Sau đại thắng mùa xuân 1975, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nhanh chóng bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Tại Gia Lai, chiến dịch “100 ngày 23 ngàn ha ruộng đất” đã tạo nên làn sóng khai hoang, phục hóa sôi nổi lúc bấy giờ.
100 ngày 23 ngàn ha ruộng đất
Đến giờ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành vẫn nhớ như in những tháng ngày gian khổ mà đầy ắp tự hào sau khi tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng. Trước muôn vàn khó khăn phải đối mặt, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum đầu tiên sau hợp nhất (tháng 11-1975) đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cho năm 1976. Trong đó, tập trung định canh, định cư cho 6 vạn dân; tiếp nhận thêm 7 vạn lao động kinh tế mới; khai hoang 23 ngàn ha đất để nâng diện tích gieo trồng lên 10 vạn ha... Từ mục tiêu này, tỉnh mở chiến dịch “100 ngày 23 ngàn ha ruộng đất”, động viên toàn dân ra đồng sản xuất. Mỗi xã chọn 1 đội thanh niên xung kích khoảng 30-50 người làm nòng cốt tham gia khai hoang.
Dù tuổi đã cao nhưng nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành vẫn nhớ như in không khí những ngày khai hoang, phục hóa sau giải phóng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mộc Trà |
“Tỉnh đã lựa chọn xây dựng 3 công trình điểm gồm: Đê Bar thuộc xã Nam, huyện An Khê (nay là xã Tơ Tung, huyện Kbang); Bờ Ngoong, huyện Mang Yang (nay thuộc huyện Chư Sê) và Ia Lu, thị xã Pleiku (nay là xã Hòa Phú, huyện Chư Păh). Các huyện đã xây dựng một số công trường với diện tích 50-60 héc ta, thậm chí có nơi lên tới hàng trăm ha. Khí thế hăng say lao động lan tỏa khắp nơi trong tỉnh”-ông Ngô Thành nhắc nhớ.
Hưởng ứng chiến dịch, Pleiku đề ra mục tiêu chuyển 25 ngàn dân nội thị ra vùng ven sản xuất nông nghiệp, hình thành những điểm dân cư mới; đồng thời, khai hoang trên 2 ngàn ha đất ruộng, nâng diện tích canh tác lên 6 ngàn ha. Ông Thạch Chương (tổ 5, phường Ia Kring) kể: “Cuối năm 1975, Tiểu đoàn Thanh niên xung phong (TNXP) 20-12 được thành lập với 360 người. Tôi được phân công làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3 (Trung đội 2, Đại đội 2). Sau lễ phát động, cả Tiểu đoàn thẳng tiến vào xã Gào khai hoang đất sản xuất, làm đường giao thông, thủy lợi; giúp đồng bào sản xuất, định canh, định cư. Trong 6 tháng, Tiểu đoàn đã khai hoang được hơn 10 ha đất đồi để trồng mì tại làng B và gần 100 ha đất ruộng, hình thành nên cánh đồng Taylo thuộc làng C, D”.
Ngoài tham gia tại chỗ, nhiều người dân Pleiku còn đến khai hoang và định cư tại các điểm kinh tế mới trong tỉnh. Gia đình ông Đinh Ngọc Sang (thôn 2, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) là một trong số đó. “Cuối năm 1975, cả nhà gồm 7 thành viên rời Pleiku xuống Hà Tam theo diện kinh tế tự lập. Năm 1977, tôi tham gia đội sản xuất số 1 của thôn 2 với vai trò thư ký, trực tiếp cùng người dân biến một số vùng đất hoang thành cánh đồng như: Đá Chẻ, Suối Cát, Hway... Diện tích không lớn nhưng khá vất vả. Bởi lẽ, tất cả đều dựa vào sức người và các vật dụng thô sơ như cuốc, rìu, rựa”-ông Sang kể.
An Khê cũng là địa phương điển hình trong phong trào khai hoang, phục hóa với nhiều công trường được hình thành như: Đê Bar, Ka Nak, Núi Đất, Yang Bắc, Yang Trung... Từ năm 1976 đến 1978, toàn huyện khai hoang, phục hóa được gần 2,4 ngàn ha, nâng diện tích đất định canh lên hơn 11,9 ngàn ha, cơ bản đảm bảo lương thực cho người dân.
Đầy ắp cảm xúc
Người dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) thu hoạch lúa vụ mùa trên cánh đồng Đê Bar. Ảnh: Hồng Thương |
Theo những người tham gia khai hoang, đắp đập thuở ấy, họ phải đối diện với nhiều hiểm nguy, nhất là tai nạn do bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Ông Sang hồi tưởng: “Lúc làm nhiệm vụ tại cánh đồng Sậy, vì vô tình cuốc phải đạn M79, trong đội có 2 người bị thương nặng. Ai nấy đều hốt hoảng, nhanh chóng tìm cách đưa họ đi bệnh viện. Nhờ được cứu chữa kịp thời nên cả 2 đã qua khỏi”.
Không chỉ có thế, bệnh sốt rét cũng là nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Đến tận bây giờ, ông Thạch Chương vẫn không thể nào quên được thời điểm tháng 6-1976. Khi đó, ông đang cùng đồng đội lên mật khu ở Đak Uy (tỉnh Kon Tum ngày nay) để chặt hom mì giống về trồng tại xã Gào. “Cơn sốt rét ập đến khiến tôi chìm vào mê man. Đồng đội đặt tôi lên võng, khiêng về nơi tập kết. Lúc qua cầu khỉ, người khiêng không may bị trượt chân khiến cả 3 rớt nhào xuống suối. Mọi người đưa tôi lên bờ rồi nhanh chóng chuyển đến bệnh viện. May mắn bình phục sau đó nhưng tôi rất buồn khi biết 3 người bạn bị bệnh cùng lúc với mình đã chẳng qua khỏi”-ông Chương ngậm ngùi.
Hiểm nguy là thế nhưng tình đồng chí, anh em gắn kết trong những năm tháng thanh xuân vẫn luôn là kỷ niệm đẹp trong lòng nhiều cựu TNXP. Bà Nguyễn Thị Cơ (thôn Chí Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ) bộc bạch: “Chúng tôi cùng lao động, sẻ chia, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Sau mỗi bữa cơm tối, chúng tôi thường quây quần bên nhau sinh hoạt văn nghệ, làm thơ, ca hát. Nhiều cặp đôi đã nên duyên chồng vợ từ những ngày khó khổ ấy, trong đó có tôi”.
Màu xanh no ấm
Vùng đất hoang hóa năm xưa giờ đây đã biến thành những cánh đồng lúa xanh mướt. Ảnh: Mộc Trà |
Nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, chỉ vài năm sau giải phóng, những cánh rừng, triền đất hoang hóa đã trở thành ruộng nương với bạt ngàn mầm xanh trỗi dậy. Đến đầu năm 1977, toàn tỉnh có 117 công trường khai hoang, phục hóa; đạt chỉ tiêu 23 ngàn ha, diện tích đất canh tác là 101 ngàn ha (40 ngàn ha định canh). “Vì nguồn nước tưới chưa đảm bảo nên thời gian đầu, toàn tỉnh chỉ có 630 ha trồng lúa 2 vụ, số còn lại trồng hoa màu, mì, cà phê, cây ăn quả... Người dân cũng chưa có kinh nghiệm chăm sóc, chọn giống, thiếu phân bón nên năng suất thấp. Những vụ sau, tỉnh cử cán bộ xuống tận nơi cầm tay chỉ việc nên năng suất và sản lượng tăng gấp đôi. Kết quả của việc khai hoang, phục hóa và làm thủy lợi đã giải quyết được vấn đề lương thực, cơ bản ổn định đời sống cho người dân”-ông Ngô Thành khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Đồng (làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang) phấn khởi bên ruộng lúa tươi tốt. Ảnh: Mộc Trà |
Ngày dòng nước mát từ thượng nguồn suối Ktung theo kênh mương thủy lợi chảy về khắp cánh đồng Đê Bar, lực lượng TNXP cùng dân làng đã không giấu được niềm vui. “Ai cũng có mặt từ sớm để đón nước về. Tiếng vỗ tay, hò reo rộn vang một vùng. Sau đó, chúng tôi tiếp tục ở lại để sản xuất và hướng dẫn bà con làm lúa nước, tăng vụ. Mạ non cấy xuống chẳng bao lâu đã bén rễ phủ xanh khắp cánh đồng”-ông Nguyễn Văn Đồng (làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang) hồi tưởng.
Chúng tôi về thăm Đê Bar đúng vào thời điểm người dân địa phương đang thu hoạch lúa vụ mùa. Hương rơm rạ quyện mùi lúa mới lan tỏa một khoảng trời đông. Chủ tịch UBND xã Tơ Tung Trần Xuân Nam phấn khởi thông tin: “Từ 70 ha ban đầu sau giải phóng, người dân tiếp tục khai hoang, mở rộng diện tích. Đến nay, cánh đồng Đê Bar đã rộng hơn 90 ha, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha”. Vùng đất Hà Tam hôm nay cũng đang từng ngày khởi sắc. Nhìn những cánh đồng lúa trĩu hạt vàng ươm hay những nương bắp, rẫy mì nối dài xanh tốt, chúng tôi cảm nhận được sự ấm no đang hiện hữu với bà con nơi đây. “Tôi có 4,5 sào ruộng, canh tác đã mấy chục năm rồi. Nhờ cây lúa mà đời sống gia đình đỡ vất vả hơn, thậm chí còn dư để bán lo cho con cái học hành”-chị Hoàng Thị Huyên (thôn 2) chia sẻ.
Từ ngày chuyển cây lúa xuống ruộng nước, gia đình bà Đinh Thị En (làng Đak Pơ Kao, xã Tơ Tung, huyện Kbang) không còn lo cảnh đói ăn như trước. Ảnh: Mộc Trà |
Thành quả khai hoang, phục hóa sau giải phóng chính là tiền đề giúp tỉnh phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh chính trị. Nơi ấy, còn in hằn dấu chân kiến thiết quê hương của bao TNXP và người dân tỉnh nhà, như câu hát bà Cơ đã ngân vang cho chúng tôi nghe trong lần gặp gỡ: “Suốt năm qua, sau giải phóng quê hương, anh em ta đã xung kích lên đường. Ta đi xây dựng kinh tế trong hòa bình... Ơi đây núi rừng Đê Bar dựng nên công trình thủy lợi. Và rồi, Gia Lai-Kon Tum miền núi cao xa, đồng bằng đã trở thành ruộng nương màu mỡ. Ơi lúa tốt, ngô xanh ngập đồng mà ta đã đắp xây...”.
HỒNG THƯƠNG - MỘC TRÀ