Dư địa chí

Chợ Đồn xưa và nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xuôi theo quốc lộ 19 về Quy Nhơn, bước vào địa phận thị xã An Khê là bắt gặp Chợ Đồn nằm ngay phía bên trái đường. Khu chợ này đã có tên tuổi từ đầu thế kỷ XX, đến nay vẫn tồn tại và phát triển. Nhưng rất ít người biết nó đã hình thành và hoạt động như thế nào sau những biến đổi của thời gian.

Vào cuối thế kỷ XIX, chính quyền thuộc địa Pháp bắt đầu tổ chức cai trị ở vùng Cao nguyên trung phần. Đầu thế kỷ XX Pháp mở quốc lộ 19, khai khẩn đất hoang để lập đồn điền. Đồn lính Pháp theo đó cũng được xây dựng ở nơi này, do Trưởng đồn Renard chỉ huy. Từ đó, người dân lân cận tụ tập thành nhóm dưới chân đồn lính để buôn bán và trao đổi các mặt hàng nhu yếu phẩm. Và cái tên Chợ Đồn cũng từ đó ra đời.

 

Chợ Đồn ngày nay. Ảnh: A.S
Chợ Đồn ngày nay. Ảnh: A.S

Lúc đầu, chợ nhóm họp bằng cách ngồi xổm trên bãi đất trống, sau dần xuất hiện thêm những lều quán bằng tre, tranh. Nhà người Kinh rất thưa thớt, đa phần là do dân miền xuôi đến dựng lên dọc theo quốc lộ 19. Các làng Bahnar ở ẩn trong những khu rừng cách đó vài km trở lên. Tiếp theo lớp người Kinh đầu tiên này, một lớp người từ đồng bằng ven biển miền Trung bắt đầu lên mua bán, khai phá đất đai và lập nghiệp ngày càng đông. Những nhà cửa, thôn xóm mọc lên dọc quốc lộ 19 quanh chợ càng nhiều. Người ta thường gọi chung khu này là khu Chợ Đồn. Gần đó cũng có một nhà thờ mang tên Chợ Đồn. Nhà thờ được xây dựng khoảng năm 1956 do cha Lãng (Landrade) người Pháp làm cha xứ.

Thời đó, những mặt hàng mà người Kinh mang lên mua bán, trao đổi với người dân tộc bản địa chủ yếu là vải vóc, cá khô, muối… được vận chuyển bằng ngựa thồ từ ngả Vĩnh Thạnh và Cửu An lên (khi đó đèo An Khê chưa hình thành). Họ thường đổi lấy những mặt hàng lâm-thổ sản như mật ong, măng le khô, sừng nai, thổ cẩm của đồng bào bản địa… Các mặt hàng rau, thịt heo, bò tươi sống của địa phương sản xuất cũng được bày bán và trao đổi. Chợ nhóm họp đông nhất vào khoảng 8 giờ sáng và tan khoảng vài giờ sau đó.

Vào thập niên 40-60 của thế kỷ trước, khu vực này được đổi tên thành thôn An Cư, xã An Cư, quận An Túc (nay là phường An Bình, thị xã An Khê), song Chợ Đồn vẫn giữ nguyên tên cũ. Những năm 1967-1972 là thời kỳ thịnh nhất của khu Chợ Đồn này. Đó là ngày quân đội Mỹ đóng quân tại núi Hòn Cong mở thêm một con đường mới từ khu căn cứ quân sự ra chợ, giáp với quốc lộ 19, gọi là đường Kem. Lính Mỹ thường ra khu này vào ngày chủ nhật để giải trí và mua hàng lưu niệm.

Những ngôi nhà được mọc lên san sát xung quanh chợ. Ngoài các mặt hàng từ miền xuôi lên rất đa dạng và phong phú như: cá tươi, muối, vải vóc, quần áo..., chợ còn bán các mặt hàng thổ cẩm dệt tay của đồng bào Bahnar bản địa. Đặc biệt nhất là mặt hàng nỏ (ná) và ổng tẩu thuốc (ống điếu). Ná càng lớn thì giá tiền càng cao, có chiếc ná to và dài đến một sải rưỡi tay người lớn, và những mũi tên nằm trong ống lồ ô thì to như ngón tay, đầu bịt bằng đồng của vỏ đạn. Tẩu thuốc cũng vậy, được làm bằng gốc tre già, có chiếc to bằng thân mình người lớn, cán tẩu dài đến 3 m, phải 2 người mới khiêng nổi. Mặt hàng này chủ yếu bán cho lính Mỹ mua làm lưu niệm. Sau năm 1973, khu Chợ Đồn này không còn nhộn nhịp như trước nữa.

Đến thời kỳ sau 1975, địa danh hành chính nơi đây được đổi tên là thôn Tân Bình, xã Cư An, huyện An Khê. Chợ Đồn được dời xuống cách đó khoảng 200 m trước ngôi đình Tân An, nhường chỗ cho Hợp tác xã Ong mật hoạt động. Chợ chỉ còn nhóm họp vào buổi chiều và người dân thường gọi là Chợ Chiều. Chợ chủ yếu bán các mặt hàng thực phẩm như rau trứng, cá thịt và một số loại nhu yếu phẩm… Sau 1985, Hợp tác xã Ong mật dời đi nơi khác, Chợ Đồn trở lại vị trí ban đầu và cũng chỉ hoạt động chủ yếu vào buổi chiều.

Đến ngày 24-12-2003, thị xã An Khê được thành lập. Chợ thuộc địa phận tổ dân phố 1, phường An Bình, thị xã An Khê cho đến nay, được xây dựng khang trang, có khu nhà lồng rộng trên 200 m2 được xây kiên cố, bên trong là những dãy sạp ngăn nắp. Chợ bắt đầu nhóm họp cả ngày. Những dãy nhà 2 bên chợ trở thành những sạp tạp hóa đầy ắp các mặt hàng từ các nơi đổ về.

Và hôm nay Chợ Đồn đã trở thành một khu thương mại có nhiều mặt hàng đa dạng và phong phú đứng thứ 2 so với Trung tâm Thương mại của thị xã An Khê.

An Sinh

Có thể bạn quan tâm