Dư địa chí

Địa danh Đak Đoa và nguồn cội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong các địa danh quen thuộc ở Gia Lai, có lẽ không địa danh nào được sử dụng cho nhiều không gian khác nhau, ở những thời điểm lịch sử khác nhau như Đak Đoa. Điều này, làm cho những người ở Gia Lai (hay tỉnh Pleiku thời kỳ trước giải phóng) sẽ hình dung ra những vùng đất riêng khi nhắc đến Đak Đoa.
 

Một góc trung tâm thị trấn Đak Đoa.
Một góc trung tâm thị trấn Đak Đoa.

Đak Đoa là biến âm từ tên một dòng suối mà người Bahnar gọi là đak Doa (đọc là Toa), chảy qua làng Bahnar cùng tên (đe Doa). Ngôi làng và dòng suối này hiện thuộc xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa. Những người Bahnar ở xã Đak Sơ Mei và Đak Krong hiện nay vẫn phát âm tên làng là Doa, nhưng trong các văn bản, tên của làng đã được viết là Đe Đoa. Những người ở địa phương giải thích, Doa có thể là tên của người lập làng.

Cái tên Đak Đoa được biết đến trên phạm vi rộng hơn vào đầu những năm 20 của thế kỷ XX, khi công ty P.I.T. (Plantation Indóchinoise des Thés) của Pháp xin khai khẩn vùng đất Bắc Biển Hồ lập đồn điền Biển Hồ và đồn điền Đak Đoa để trồng chè. Vị trí của đồn điền Đak Đoa nằm ở trung điểm đường 19 bis từ Kon Dơng đi Trà Huỳnh, sau là đường tỉnh 670 và nay là quốc lộ 19D, tại km 25, đoạn từ UBND xã Đak Sơ Mei đến đe Adroch (thuộc thôn 18, xã Đak Sơ Mei). Đến ngày 4-3-1924, đồn điền Đak Đoa có diện tích 500 ha.

Năm 1960, người Pháp bán lại Sở Trà cho một công ty kinh doanh của Hoa kiều do ông Trần Văn Thăng làm chủ. Năm 1965, chủ Sở đã bỏ đồn điền Đak Đoa do tình hình an ninh.

Về địa danh hành chính, sau Cách mạng Tháng Tám (1945), chính quyền cách mạng thành lập xã Đak Đoa. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, về phía cách mạng, từ xã Đak Đoa ban đầu đã chia tách thành 2 xã: Nam Đak Đoa và xã Bắc Đak Đoa, thuộc khu Plei-Kon (trong kháng chiến chống Pháp) và khu 3 (trong kháng chiến chống Mỹ).  

Về phía chính quyền Việt Nam Cộng hòa (Sài Gòn), trước năm 1958, Đak Đoa là một tổng thuộc quận Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Theo Nghị định số 340-BNV/HC/NĐ của Bộ trưởng Nội vụ-VNCH, ngày 25-6-1958 và Sắc lệnh số 369-NV, ngày 11-7-1958, tổng Đak Đoa thuộc tỉnh Kon Tum được chuyển giao về quận Lệ Trung, tỉnh Pleiku. Sau 1975, xã Đak Đoa là một vùng rộng lớn ở phía Tây huyện Mang Yang.

Theo Nghị định số 37/2000/NĐ-CP, ngày 21-8-2000 của Chính phủ, huyện Đak Đoa được thành lập trên cơ sở chia tách diện tích và dân số phía Tây của huyện Mang Yang cũ. Cũng theo nghị định này, thị trấn Mang Yang cũ được đổi tên thành thị trấn Đak Đoa, đồng thời xã Đak Đoa cũ cũng được đổi tên thành xã Đak Sơ Mei.

Ngoài ra, còn có một địa danh khác cũng rất nổi tiếng, đó là Nông trường Đak Đoa được thành lập năm 1977 (trồng chè), đứng chân trên địa bàn xã Đak Đoa (cùng thời điểm, lúc đó thuộc huyện Mang Yang). Vị trí của nông trường bộ nằm ở phía Tây của đồn điền Đak Đoa cũ. Đây là một nông trường khai hoang, trồng mới hoàn toàn chứ không kế thừa thành quả của đồn điền Đak Đoa cũ. Những công nhân đầu tiên của nông trường chủ yếu là nông dân từ huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Hưng vào. Từ năm 1999, do kinh doanh cây chè không hiệu quả, nông trường đổi thành Công ty Cà phê-Chè Đak Đoa. Nhưng ngày nay, cây chè đã hoàn toàn vắng bóng trên toàn bộ diện tích trồng trọt của Công ty. Trụ sở của Công ty nay nằm trên địa bàn xã Đak Krong, huyện Đak Đoa.

Như vậy, những địa danh ban đầu có tên Đak Đoa đều nằm trên vùng đất nay thuộc xã Đak Sơ Mei. Còn những những vùng đất mang tên Đak Đoa ngày nay như thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa lại là một không gian rộng lớn hơn, khác biệt hơn so với vùng đất gốc.

Kim Vân

Có thể bạn quan tâm