Dư địa chí

Kỳ bí khu rừng tâm linh Buswa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gần khu rừng tâm linh trên một hòn đảo nhỏ nằm giữa Hồ Victoria – Uganda, hiện diện những vệ binh cuối cùng của linh hồn có hình dạng là một con trăn.

Truyền thuyết kể lại rằng hàng trăm năm trước, quần đảo Ssese – Uganda là nơi sinh sống của bộ tộc Abassese – một chủng tộc không chỉ sở hữu tầm vóc và sức mạnh ấn tượng mà còn có khả năng gắn kết với thế giới siêu nhiên.

Bộ tộc Abassese tôn thờ Mbirimu – một linh hồn được cho là có thể hóa thành con người hoặc động vật. Một ngày nọ, theo truyền thuyết, Mbirimu cảm thấy cô đơn nên ông ta đã hóa thành một người phụ nữ rồi sinh ra một con trăn và một con người.

Hai anh em trăn và người sống trên đảo Bugala, hòn đảo lớn nhất trong số 84 đảo của quần đảo Ssese và con trăn lấy tên là Luwala. Người anh em song sinh sau đó xây dựng cho Luwala một ngôi đền và người tộc Abassese bắt đầu thờ cúng, xin ông lời khuyên.


 

Truyền thuyết kể lại rằng quần đảo Ssese từng là nơi sinh sống của bộ tộc Abassese - một chủng tộc có khả năng gắn kết với thế giới siêu nhiên. Ảnh: BBC
Truyền thuyết kể lại rằng quần đảo Ssese từng là nơi sinh sống của bộ tộc Abassese - một chủng tộc có khả năng gắn kết với thế giới siêu nhiên. Ảnh: BBC



Danh tiếng Luwala vang khắp vùng và ngày càng có nhiều người không quản xa xôi đến nhờ ông giúp đỡ. Ông chính là thầy của những thầy lang truyền thống vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay.

Những thầy lang này được gọi là emandwa, có nghĩa là "thầy lang với một linh hồn ngự trên đầu". Theo quan niệm, emandwa là người được tổ tiên lẫn Luwala lựa chọn và là người duy nhất có khả năng trò chuyện với Luwala, qua đó được ông chỉ bảo. Đổi lại, emandwa phải thờ phụng Luwala suốt đời. Khi emandwa qua đời, một người khác sẽ được lựa chọn thay thế.


 

Đảo Bugala, thuộc quần đảo Ssese, là quê hương của linh hồn Luwala. Ảnh: BBC
Đảo Bugala, thuộc quần đảo Ssese, là quê hương của linh hồn Luwala. Ảnh: BBC



Bị cuốn hút bởi truyền thuyết này, phóng viên Amy Gigi Alexander của BBC đã quyết định đến đảo Bugala để tìm kiếm emandwa.

Theo cô Amy, việc tìm kiếm emandwa không khó nhưng hầu hết du khách đều không được phép. Cô Amy cho biết phải nhận được sự đồng ý của già làng mới được gặp emandwa. Cũng theo cô Amy, emandwa ăn mặc không khác người dân trên đảo: quần dài, áo thun và giày ống. "Lubala Simon" – emandwa tự giới thiệu tên. "Bạn đang ở quê hương của Luwala. Đây là nơi linh hồn ông ta sinh sống" – ông Lubala Simon tiếp tục.

Không khí xung quanh, theo cô Amy mô tả, cũng không quá khác biệt so với những ngôi làng khác. Một ngọn lửa được đốt bên cạnh túp lều lớn cùng không khí yên lặng khiến người ta có cảm giác như đang ở một nơi linh thiêng, đặc biệt.


 

Thầy lang emandwa, ông Lubala Simon, được tin là có khả năng trò chuyện với linh hồn Luwala. Ảnh: BBC
Thầy lang emandwa, ông Lubala Simon, được tin là có khả năng trò chuyện với linh hồn Luwala. Ảnh: BBC



"Khi muốn trò chuyện với tôi, linh hồn Luwala ngự trên đầu tôi và giao tiếp với tôi thông qua cơ thể tôi" – ông Lubala Simon khẳng định. Nhiều giai thoại ly kỳ về thầy lang emandwa – người được tin là có khả năng trò chuyện với linh hồn Luwala, khiến họ trở thành những người được nhắc đến nhiều trong lịch sử Trung Phi và Đông Phi.

Theo một giai thoại, một trong những bộ tộc lớn nhất từng sống tại Uganda – tộc Buganda, đã nhờ emandwa giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại bộ tộc Banyoro. Emandwa đã trao cho tộc Buganda một cây gậy đặc biệt, được gọi là Damula. Nhờ đó, bộ tộc Buganda đã giành chiến thắng.

Gậy Damula hiện vẫn là báu vật được các vị vua Buganda truyền lại cho nhau. Truyền thuyết kể rằng gậy Damula được làm từ một cây linh thiêng trong khu rừng nguyên sinh trên đảo Bugala – rừng Buswa.


 

Khu rừng linh thiêng Buswa trên đảo Bugala được canh giữ nghiêm ngặt. Ảnh: BBC
Khu rừng linh thiêng Buswa trên đảo Bugala được canh giữ nghiêm ngặt. Ảnh: BBC



Được ông Lubala Simon và một nhóm người làng dẫn đường, cô Amy đã tìm đến được cây linh thiêng. Ông Lubala Simon bước đến gần cây, chạm nhẹ và ngước lên nhìn nó với sự tôn kính.

Ở khu vực này, không ai được phép săn bắn động vật hay chặt cây cối. Thậm chí, không ai được phép đến khu vực cây linh thiêng nếu chưa nhận được sự đồng ý và chưa có người hộ tống.

Cô Amy sau đó được ông Lubala Simon dẫn đến đền thờ linh hồn Luwala. Trong đền có một ngọn lửa nằm giữa các tô chứa thuốc lá, chuỗi hạt, vỏ ốc, trái cây khô, xương, hạt cà-phê và tiền giấy.

"Lễ vật, quà, tiền. Người ta cầu xin mọi thứ: con cái, tiền tài, sự che chở. Đôi khi họ muốn điều xấu xa xảy ra. Nếu mong muốn của họ quá khó, họ sẽ nhận được một thử thách. Vượt qua được thử thách này, họ sẽ được linh hồn Luwala cân nhắc thực hiện điều ước" – ông Lubala Simon chia sẻ.


 

Người dân trên đảo Bugala cúng tế linh hồn Luwala với hy vọng rằng điều ước của họ sẽ được thực hiện. Ảnh: BBC
Người dân trên đảo Bugala cúng tế linh hồn Luwala với hy vọng rằng điều ước của họ sẽ được thực hiện. Ảnh: BBC



Với cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ ngày nay không còn mong muốn trở thành emandwa vì họ không muốn bị "chôn chân" trên đảo Bugala. Trong khi đó, niềm tin của họ với linh hồn Luwala cũng suy giảm.

Thiên Chúa giáo và Hồi giáo hiện là 2 tôn giáo chính trên đảo. "Ngày càng có nhiều thứ biến mất: đất đai của chúng tôi, những địa điểm đặc biệt của chúng tôi, chúng tôi… Nhưng linh hồn Luwala sẽ tồn tại mãi mãi. Ông ta đã ở đây trước khi mọi thứ xuất hiện. Chúng tôi nguyện bảo vệ ông ấy mãi mãi"- một già làng khẳng định với cô Amy.

Theo nld/BBC

Có thể bạn quan tâm