Dư địa chí

Công viên Diên Hồng-chuyện xưa kể lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã là dân Phố núi thì hầu như ai cũng đã một lần đặt chân đến Công viên Diên Hồng, bởi đây là nơi giải trí công cộng, lại nằm ngay trung tâm TP. Pleiku. Công viên có diện tích 12,3 ha, trong đó diện tích mặt nước là 2,7 ha với 2 hồ nước. Nơi đây có nhà hàng, khách sạn, có các khu vui chơi, khu thể thao, vườn hoa cây cảnh và chuồng thú, có mặt hồ vui chơi đạp vịt, chèo thuyền, phía trên là chiếc cầu treo bắc ngang tạo điểm nhấn thú vị… Đặc biệt, phần lớn diện tích công viên dành để trồng cây cảnh, cây cổ thụ tạo nên một không gian “sơn thủy hữu tình”.
 

Hồ Diên Hồng nhìn từ trên cao. Ảnh: K.N.B
Hồ Diên Hồng nhìn từ trên cao. Ảnh: K.N.B

Sở dĩ công viên có tên Diên Hồng là bởi lúc có quyết định thành lập (năm 1994) thì Công viên đang thuộc phường Diên Hồng, nhưng kể từ khi chia tách thì lại thuộc địa bàn của phường Ia Kring. Tuy nhiên, hồ Diên Hồng (hay còn gọi là hồ Đức An) đã được xây dựng từ khá lâu trước đó. Mới đây, câu chuyện tình cờ tôi được nghe từ những người trong cuộc tham gia đào hồ đắp đập ngày trước thật cảm động. Ông Tân và ông Gia (trú tại phường Ia Kring) kể lại: Cách đây 40 năm, khi ấy mới giải phóng, các ông là thanh niên thuộc “khối phố 67” (thuộc phường Diên Hồng trước khi chia tách) đã tham gia trực tiếp đắp hồ này. Phía đầu nguồn của hồ Diên Hồng lúc bấy giờ là giọt nước của một làng đồng bào dân tộc Jrai, thường được gọi với cái tên “Giọt nước Ia Kring”.

Nước chảy từ mạch nguồn này cũng tạo thành một con suối nhỏ: suối Ia Kring. Ngày ấy, thị xã đã huy động toàn dân, mà nòng cốt là thanh niên với tinh thần cách mạng tiến công, tham gia đào hồ đắp đập. Hàng ngàn lượt người với hàng vạn ngày công, chỉ toàn đào đắp thủ công song đã tạo nên công trình hồ trên núi, được ví như lá phổi xanh của Pleiku như hôm nay. Nghĩ lại, có thể nói Công viên Diên Hồng được tạo dựng “từ phong trào của toàn dân” với tinh thần cộng sản, không đòi hỏi gì ngoài nhiệt tình của lòng dân. “Ngày ấy chúng tôi ăn cơm độn, không đủ no mà vẫn hào hứng hăng say”-ông Tân nhớ lại.

Được đầu tư công phu để có được diện mạo như hôm nay, tuy vậy, từ nhiều năm nay Công viên đang ngày càng xuống cấp. Hồ nước rêu phong, nhất là hồ 2 (hồ dưới) do cống nước dồn đất đá đổ về, có nguy cơ bị lấp đầy, hoang hóa… Buồn lắm thay khi Công viên Diên Hồng-điểm đến của người dân Pleiku và khách thập phương đang ngày càng “xấu xí”, dù rằng Pleiku đang được đầu tư mạnh mẽ để trở thành đô thị loại I vào năm 2020. Sẽ là có lỗi khi cứ để lá phổi xanh của Pleiku bị mai một…  

Linh Lan

Có thể bạn quan tâm