Dư địa chí

Cộng đồng người Tày-Nùng trên quê hương Anh hùng Núp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ chỗ chỉ có 2 dân tộc tại chỗ là Bahnar và Jrai, kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho biết, trên địa bàn Gia Lai thời điểm đó có đến 38 dân tộc cùng chung sống. Những dân tộc có mặt ở Gia Lai muộn đều có những lý do riêng để chọn vùng đất này làm quê hương thứ hai, trong đó có cộng đồng người Tày và người Nùng ở xã Tơ Tung, huyện Kbang.

Đầu năm 1979, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã buộc 14 hộ người Tày ở xã Quý Quân, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng phải sơ tán về huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên). Ở đây, họ nhập với 3 hộ người Tày khác từ Lạng Sơn xuống hình thành một nhóm dân cư. Trong thời gian tạm trú ở Thái Nguyên, ông Lý Văn Trù đã liên lạc với một số người là con em của huyện Hà Quảng, đi bộ đội trong những năm chống Mỹ cứu nước và ở lại Gia Lai như: ông Trình, ông Vi Văn Xáy... nhờ họ đưa đơn lên Ban Kinh tế mới tỉnh Gia Lai, xin được vào lập nghiệp tại địa phương. Đơn của họ đã được Ban Kinh tế mới của tỉnh chấp thuận và bố trí bà con vào xã Nam, huyện An Khê (nay là xã Tơ Tung, huyện Kbang). Tháng 11-1979, đoàn của ông Lý Văn Trù đi bằng ô tô vào thẳng xã.

 

Đàn tính-nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Tày, Nùng theo chân người đến Tây Nguyên. Ảnh: Phan Lài
Đàn tính-nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Tày, Nùng theo chân người đến Tây Nguyên. Ảnh: Phan Lài

Ngày 20-2-1980, ông Mã Văn Xù-nguyên là bộ đội ở Gia Lai-cũng đưa một đoàn gồm 14 hộ (người Tày) từ Cao Bằng vào thẳng xã Nam. Nhóm này nhập với 17 hộ của nhóm thứ nhất, lập thành đội sản xuất Nam Cao (địa danh này được ghép từ xã Nam với từ đầu của nơi đi là Cao Bằng). Năm 1980, đội sản xuất Nam Cao được gọi là Hợp tác xã Nam Cao.

Trong năm 1980, Hợp tác xã Nam Cao tiếp nhận thêm một số nhóm dân cư mới gồm: một số hộ người Tày và người Nùng từ huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, do ông Nghiêm và ông Hồng dẫn đầu vào xã tháng 5-1980. Cùng thời điểm này, còn có một nhóm khác do ông Lý Văn Nình dẫn đầu từ Lạng Sơn vào. Tổng số hộ của 2 nhóm nhỏ này là 26. Cuối năm 1980, từ Lạng Sơn, ông Sấy đưa thêm 39 hộ vào đây.

Đến cuối năm 1981, 96 hộ dân của Hợp tác xã Nam Cao được chia làm 3 đội sản xuất (đội 1, 2 và 3). Năm 1997, khi Hợp tác xã Nam Cao giải thể, 3 đội sản xuất được lập 3 bản: Đội 1, là nhóm dân Nam Cao gốc (nhóm của ông Trù và ông Xù, vào xã Nam đầu tiên), được gọi là bản 7; Đội 2, chủ yếu là cư dân thuộc nhóm đến từ Thái Nguyên và Lạng Sơn, được gọi là bản 8;  Đội 3, nòng cốt là 39 hộ từ Lạng Sơn vào cùng ông Sấy, được gọi là bản 9.

Trong khu vực xã Tơ Tung, còn có làng Cao Sơn hình thành trên cơ sở 61 hộ người Tày, một số người Nùng và người Kinh từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Thái Nguyên vào lập nghiệp khoảng năm 1985-1986. Năm 1997, nhóm dân này được lập thành bản 12.    

Đến năm 2007, các bản có tên gọi bằng số đếm đều được đổi thành làng, kèm tên riêng gợi lại quê gốc nơi từ đó họ ra đi: bản 7 được gọi là làng Nam Cao (xã Nam và Cao Bằng; bản 8 là làng Cao Lạng (Cao Bằng và Lạng Sơn); bản 9 là làng Thái Sơn (Thái Nguyên và Lạng Sơn); bản 12 được đổi tên thành làng Cao Sơn (Cao Bằng và Lạng Sơn).

Gần 40 năm đã trôi qua, nhóm cư dân Tày-Nùng đến với quê hương Anh hùng Núp đã coi nơi này là quê hương thứ hai và có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng vùng quê mới này.

Kim Vân

Có thể bạn quan tâm