Dư địa chí

Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chư Sê là tên của dãy núi ngăn cách cao nguyên Pleiku với vùng trũng Cheo Reo (Ayun Pa) theo chiều Bắc Nam. Trên thực tế, người ta biết đến địa danh Chư Sê nhiều còn bởi nó cũng là tên của một đường đèo dài 3 km trên quốc lộ 25, cắt ngang dãy núi này.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, Chư Sê là biến âm của từ Chư Axeh mà thành. Axeh trong tiếng Jrai và Bahnar đều có nghĩa là (con) ngựa.

 

Chư Sê hôm nay. Ảnh: internet
Chư Sê hôm nay. Ảnh: internet

Cư dân trong vùng giải thích nguồn gốc của địa danh này bằng 2 cách khác nhau, nhưng đều liên quan đến ngựa:

- Cách giải thích thứ nhất cho rằng: Địa danh này ban đầu là tên của vùng núi thường có ngựa đến ăn cỏ. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi cũng thu thập được nhiều thông tin đáng tin cậy cho biết, khu vực người Jrai và Bahnar ở phía Đông cao nguyên Pleiku, từ thập niên 30 của thế kỷ XX về trước nuôi rất nhiều ngựa. Trong chuyến khảo sát năm 2004, bok Blip (sinh năm 1917), bok Byêk (sinh năm 1920) ở làng Biă Tih, xã A Dơk, huyện Đak Đoa cho chúng tôi biết, các làng A Dơk Kông, Biă Tih đầu thế kỷ XX có khoảng 20% số hộ nuôi ngựa. Ngựa được nuôi chủ yếu để phục vụ cho việc đi săn (bằng hình thức săn vây). Hiện tên tuổi những người giỏi cưỡi ngựa săn bắt trong vùng còn được lưu truyền đến ngày nay như: bok Tu, bok Brơng, bok Piơm... Ngày nay, trong phong tục cổ truyền ở vùng này vẫn còn nghi lễ liên quan đến ngựa, mà đồng bào gọi là Koh sa axeh (lễ ăn ngựa).

- Cách giải thích thứ 2 liên quan đến chính đoạn đèo Chư Sê: Đầu thế kỷ XX, con đường từ Tuy Hòa, qua Cheo Reo lên Pleiku chỉ là một đường đất nhỏ. Những thương nhân người Kinh thường dùng ngựa để chở hàng hóa, nhu yếu phẩm và muối từ đồng bằng lên bán cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao. Đến đoạn đường đèo quanh co này, phần vì mệt, phần vì khát nước và đói cỏ, nhiều con ngựa đã không trụ nổi mà chết tại đây. Thấy nhiều ngựa bị chết trên đoạn đèo này, dân những làng gần đó gọi núi này là Chư Axeh.

Trong cách nói của người Jrai và Bahnar, chữ A đứng đầu câu thường bị “nuốt” mất, nên chỉ còn nghe được từ Xeh, từ đó, những người không thuộc chủ nhân của ngôn ngữ này tiếp nhận và đọc chệch là Sê.

Theo Quyết định số 34-HĐBT ngày 17-8-1981 của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Chư Sê được thành lập trên cơ sở các xã: Ia Tiêm, Bờ Ngoong, Al Bă, Hbông, xã Yun (huyện Mang Yang) và các xã: Ia Glai, Ia Hlốp, Ia Blang, Ia Hrú, Ia Ko, Ia Le và Nhơn Hòa (huyện Chư Prông), có huyện lỵ đóng tại xã Yun.

Sau lần điều chỉnh địa giới hành chính, theo Nghị quyết số 43/NQ-CP, ngày 27-8-2009 của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính xã để thành lập xã thuộc huyện Chư Sê; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Chư Sê để thành lập huyện Chư Pưh thuộc tỉnh Gia Lai, huyện Chư Sê còn lại 64.296,27 ha diện tích tự nhiên, với 15 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: thị trấn Chư Sê và các xã: Ia Blang, Dun, Ayun, Al Bă, Bờ Ngoong, Bar Măih, Ia Tiêm, Chư Pơng, Ia Glai, Ia Hlốp, Ia Ko, Hbông, Ia Pal và Kông Htok.

Như vậy là từ tên của một ngọn núi, một đường đèo, từ năm 1981, Chư Sê còn là địa danh hành chính của một huyện rộng lớn, trù phú ở phía Nam tỉnh Gia Lai. Nếu như trước kia, vùng Chư Sê được biết đến là một vùng có nhiều ngựa, voi, thì hiện nay đồng bào các dân tộc huyện Chư Sê lại rất nổi tiếng với một nghề mới, mạng lại hiệu quả kinh tế cao - nghề trồng hồ tiêu.

Kim Vân

Có thể bạn quan tâm