(GLO)- Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đã có rất nhiều ca khúc cách mạng ra đời, cổ vũ kịp thời lớp lớp thanh niên lên đường đi kháng chiến. Tại Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng trong kháng chiến chống Pháp đã có những bài hát khó quên một thời, trong đó nổi bật là những bài hát của nhạc sĩ Đức Tùng như: “Quân dân thiểu số kháng chiến”, “Tây Nguyên hành khúc”, “Em Yuk” mà cho đến nay đã đi vào sử nhạc của quốc gia.
Ông Đỗ Hằng-một cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa nhớ lại, ngày ấy, các ông là những học sinh ở tỉnh Bình Định, được giác ngộ và tham gia cách mạng rất sớm. Năm 1949, ông lên Gia Lai hoạt động, trong hành trang của những thanh niên “xếp bút nghiên” lên đường đi kháng chiến như các ông luôn có những bài hát cách mạng. Có lần ông tâm sự: “Tây Nguyên hành khúc” là bài hát từng khơi dậy bừng bừng khí thế của những đoàn cán bộ dân-chính-đảng Tây Nam Trung bộ (Liên khu V) lên cao nguyên công tác, trong đó có ông. Nó trở nên quen thuộc với các đơn vị chiến đấu ở Tây Nguyên, đi vào lòng cán bộ, bộ đội, tạo nên sức mạnh, sự thôi thúc đến với chiến trường Tây Nguyên. Những cán bộ, chi đội từ Quảng Ngãi, Bình Định, Hà Tĩnh… đã lên đường theo nhịp của những tráng ca khi ấy.
Ở tuổi 90, ông Đỗ Hằng đã tặng lại cho tôi các bản nhạc của nhạc sĩ Đức Tùng viết từ những năm 1947-1949, được ông lưu giữ lâu nay để tôi lưu giữ tiếp. Cầm bản nhạc trên tay, tôi thật cảm động được ông tin cậy trao cho, rồi ngân nga từng ca từ, như nghe, như thấy những đoàn quân kháng chiến vượt núi đồi đến với đồng bào Tây Nguyên: “Ta mau lên đường nhằm Tây Nguyên ta tiến bước/ Theo tiếng hú thiêng liêng/theo tiếng gió khắp nơi vang rền/Âm u điệu nhạc rừng ngân lên trong đồi núi/Giục ta mau tiến bước sá chi núi rừng khốn nguy/Ôi Tây Nguyên bao la máu quốc thù đang sục sôi trong tim gan ta/Là thân nam nhi xông pha quyết không hề nao núng trước gió núi lạ/Đường xa thanh vắng điểm hồi voi hú vang/Trong rừng u huyền lẩn trốn muôn loại chim/Dù hy sinh ta không nao chung một lòng vượt qua bao nguy nan gian lao/Thề lên Tây Nguyên non cao với đồng bào miền núi chiến đấu đến cùng/ Đoàn quân Tây tiến giữ bờ cho nước Nam/Vòm trời miền núi xua tan dần làn mây ác tham”.
Tìm hiểu thì được biết nhạc sĩ Đức Tùng là người Huế (1926-2003). Đang học năm thứ 2 tú tài ông đã “xếp bút nghiên” tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc, tham gia giành chính quyền ở Huế tháng 8-1945, năm 1946 công tác tại Phân ban thiểu số Tây Nam Trung bộ, sau đó vào quân ngũ ở Bộ Tư lệnh Liên khu V đi chiến đấu ở Việt Bắc, kinh qua nhiều chức vụ trong quân đội với quân hàm Đại tá. Ngoài bài “Tây Nguyên hành khúc”, Đức Tùng còn nhiều bài hát thể hiện dũng khí Tây Nguyên như: “Quân dân thiểu số kháng chiến” viết về Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946; bài “Em Yuk” ca ngợi một em thiếu niên người Xê Đăng ném lựu đạn diệt bọn Pháp đã giết cha em. Các bài “Chu Ro” và “Hận núi rừng” cũng đậm khí phách Tây Nguyên.
Có thể nói, những ca khúc của nhạc sĩ Đức Tùng viết cho Tây Nguyên trong kháng chiến chống Pháp là hiện vật cần được tiếp tục sưu tầm và lưu giữ, bởi đây là những hiện vật hiếm hoi về văn hóa-văn nghệ trong kháng chiến chống Pháp ở Tây Nguyên.
Quốc Ninh