Dư địa chí

Sản vật Gia Lai có gì, còn mất?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sản vật Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng có thể nói là rất nhiều, cả xưa và nay. Nhưng trong phạm vi bài viết này chỉ xin nói về sản vật tự nhiên của Gia Lai. Những sản vật này là gì và nay còn gì?

Nhiều sách đã viết về sản vật của Gia Lai, nhưng tựu trung đều ca ngợi rằng nào là sông suối, rừng cây, muông thú, thực vật, khoáng sản… rất chi là “rừng vàng, sông bạc”. Sách Địa chí Gia Lai (NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 1999) từng liệt kê nào là: voi, bò rừng, nai, hoẵng, heo rừng, thỏ, khỉ… Rồi thì các loài bò sát, gặm nhấm như kỳ đà, trăn, rắn, tê tê, dúi, cheo, cầy hương, nhím, chồn… Dưới suối thì có 50 loài cá, cua quý hiếm; trên trời đầy các chim muông, nào là công, trĩ, gà lôi, vẹt... Về thực vật thì kể mãi không hết: trên dưới 4.000 loài thực vật bậc cao: trắc, mun, táu, hương, huỳnh đàn… Là người Gia Lai, chúng ta thử nghiêm túc đặt ra câu hỏi: Sản vật ấy bây giờ còn mất những gì? Câu trả lời đầy đủ hẳn là chưa có. Tuy nhiên, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, nhất là ngành Nông nghiệp và PTNT Gia Lai có lẽ đã đánh giá sơ bộ được rồi, còn-mất bao nhiêu.

 

Hái nấm linh chi rừng Kbang. Ảnh: K.N.B
Hái nấm linh chi rừng Kbang. Ảnh: K.N.B

Nhiều người trong chúng ta đều biết (ít nhất là từ thông báo của cơ quan chức năng, hay từ thông tin đại chúng và ngay cách tận hưởng sản vật địa phương của mỗi chúng ta) rằng nhiều sản vật đã bị tận diệt, như: gỗ trắc, huỳnh đàn, dó bầu… “Lâm tặc” đã đào đến tận gốc rễ theo đúng nghĩa đen của nó, đất rừng bị tàn phá làm rẫy, làm đồn điền. Những đàn voi, hổ, báo, gấu… bị săn bắn không còn; hươu, nai cũng dần mất bóng. Dưới sông suối, các loài như ba ba, cua đinh, rùa… đang cạn kiệt. Nghĩ mà buồn. Tuy vậy, sản vật địa phương còn mất cũng là chuyện xưa nay. Nhưng lo là lo chuyện con người ta hành xử với sản vật. Vì nhiều lý do như phong tục, tập quán, văn hóa (ăn cao xương, uống mật động vật, uống rượu ngâm các bộ phận hoặc nội tạng động vật quý hiếm…) mà nhiều sản vật không còn. Bởi thế, vấn đề đặt ra ở đây là: Sản vật tự nhiên rất cần được giữ gìn, bảo tồn nuôi dưỡng và phát triển. Đã bao nhiêu năm rồi chúng ta say mê với việc “ăn tài nguyên, sống hy vọng vào tiềm năng” mà không nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển, nên nhiều sản vật đã biến mất vĩnh viễn!

Chưa bao giờ là muộn nếu các cấp chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh nhận thức nghiêm túc về vấn đề này, như cần củng cố và xây dựng trung tâm và ngân hàng bảo tồn gen sản vật của Gia Lai. Cứ nhìn ra các địa phương khác sẽ thấy: Sâm Ngọc Linh được Kon Tum và Quảng Nam bảo tồn, trồng và đang phát triển. Lâm Đồng thì bảo tồn phát triển các loài hoa… Ở Gia Lai, những sản vật tự nhiên còn sót lại và mới phát hiện còn không ít, như: nấm cổ linh chi rừng, sâm dây, tắc kè đá, bum si ke (cây khỏe), mật nhân, hay như cua đinh (sông Ba)… Tất cả đều có thể nuôi trồng để bảo tồn và phát triển thành hàng hóa. Đây chính là cái lợi lâu dài cho Gia Lai.  Xin được mượn một từ khóa đang hot để kết bài: “Hãy giải cứu sản vật của Gia Lai” khi còn cơ hội.

Linh Lan

Có thể bạn quan tâm