Dư địa chí

Nhìn lại trận công đồn Tú Thủy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Gia Lai nói chung, của An Khê nói riêng có một trận đánh được Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai ghi nhận: trận công đồn Tú Thủy (thuộc huyện An Khê) tháng 3-1947. Đây là trận phản công quy mô lớn đầu tiên trên chiến trường Gia Lai kể từ khi quân Pháp tái chiếm Tây Nguyên năm 1946.

Nhìn lại lịch sử giai đoạn này có thể thấy, tháng 6-1946, Pleiku thất thủ, quân Pháp chiếm đóng hầu hết các vị trí chiến lược ở Gia Lai. Đầu năm 1947, chúng xây dựng nhiều đồn bốt ở vị trí chiến lược đầu cầu An Khê, nơi tiếp giáp với Bình Định. Trong đó, đồn Tú Thủy được xây kiên cố, án ngữ và kiểm soát vùng cửa ngõ An Khê đi Đình Quang, Vĩnh Thạnh (Bình Định) là vùng căn cứ của ta. Tú Thủy nằm ở phía Đông Bắc, có vị trí hiểm yếu, cách biệt với dân cư. Đồn còn được bảo vệ bởi thành cao, hào sâu và có vũ khí hiện đại. Quân Pháp thường vỗ ngực: Bao giờ nước sông Ba chảy ngược lên non thì Việt Minh mới dám đụng đến đồn Tú Thủy.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính vì thế, tháng 2-1947, Ban Chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên quyết định tấn công trên toàn mặt trận An Khê, chọn công đồn Tú Thủy làm điểm quyết chiến. Trung đoàn 95 từ Phú Yên được điều về mặt trận An Khê. Trong hồi ký của bà Trần Thị Tú (tức Trần Thị Nguyên), là nữ Tỉnh ủy viên đầu tiên của Đảng bộ Gia Lai năm 1947, được Tỉnh ủy phân công lên chiến khu Xóm Ké (Song An, An Khê) chỉ đạo kháng chiến, có đoạn: “Phong trào quần chúng lên cao, tôi đã tổ chức đội nữ tự vệ gồm 30 người, dẫn đường cho bộ đội chủ lực của Trung đoàn 95 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Vi Dân đánh đồn Tú Thủy”.

Còn Lịch sử Đảng bộ thị xã An Khê có đoạn: “Sau một tháng bao vây uy hiếp địch, đêm 14-3-1947, phối hợp cùng bộ đội chủ lực, toàn bộ lực lượng dân quân, du kích trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu cùng nổ súng tấn công vào đồn Tú Thủy” (trang 133-NXB Chính trị Quốc gia năm 2010). Trận này còn có hơn 300 dân quân, du kích của các làng Cửu Đạo, An Xuân, Tân Lập tham gia, bao vây hỗ trợ. Tuy nhiên, trận tấn công bị thất bại vì hỏa lực địch quá mạnh, địch phản kích dữ dội. Về phía ta do nôn nóng chưa nắm chắc lực lượng địch, lại bị lộ nên tổn thất lớn, Trung đoàn trưởng Vi Dân hy sinh. Địch cũng điên cuồng càn quét và bắt được đồng chí Đỗ Trạc-Bí thư của huyện An Khê… Bộ đội ta phải rút về vùng tự do để củng cố lực lượng.

Mặc dù không hạ được đồn địch, nhưng trận Tú Thủy đã thể hiện cách đánh gan dạ, lòng quả cảm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”  của quân ta, làm cho giặc Pháp phải run sợ. Từ trận Tú Thủy giúp ta rút được bài học kinh nghiệm quý giá trong cách đánh công đồn; kinh nghiệm về kết hợp vừa nổi dậy bao vây, vừa tấn công địch hình thành nhận thức về sức mạnh tổng hợp trong chiến đấu. Đồng thời trận công đồn cũng có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện ý chí quyết tâm đánh Pháp của quân và dân các dân tộc Gia Lai trong cuộc kháng chiến trường kỳ.

Linh Lan

Có thể bạn quan tâm