Dư địa chí

Hà Đông, Hà Tây: Cái tên rất Việt giữa cộng đồng Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đến Gia Lai, nhiều người thường đặt câu hỏi “tại sao” khi thấy 2 địa danh rất Việt là Hà Đông, Hà Tây lại nằm trong một khu vực hầu như chỉ có người Bahnar sinh sống.

Xã Hà Đông (nay thuộc huyện Đak Đoa) là địa bàn cư trú từ lâu đời của 5 làng Bahnar sống trong vùng núi trùng điệp của dãy Kông Kah King (còn theo các văn bản hành chính hiện nay là Kon Ka Kinh), dọc theo các thung lũng ven đak Pơkei. Các làng đó là: Kon Sơnglôk; Kon Mơhar; Kon Rơng Pơdram, Kon Rơng Nak và Kon Jôt. Còn xã Hà Tây (nay thuộc huyện Chư Pah) có 9 làng đồng bào Bahnar là: Kon Sơlăng (tư liệu của các nhà truyền giáo ghi là Kơlăng), Kon Sơlăl, Kon Măh, Kon Băh, Kon Pơnang, Kon Kơmò, Kon Sơbai, Kon Hơng Leh và Kon Chang. Ngày nay, 2 xã này thuộc 2 huyện khác nhau, nhưng đó là vùng đất có quan hệ mật thiết với nhau trong lịch sử, nơi các linh mục thừa sai người Pháp bám trụ và truyền giáo đầu tiên vào vùng đất Tây Nguyên.

 

Trung tâm xã Hà Đông. Ảnh: Lê Anh
Trung tâm xã Hà Đông. Ảnh: Lê Anh

Về phía chính quyền thực dân, trong suốt thời Pháp thuộc và trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp (trước năm 1954), toàn bộ vùng đất nay là 2 xã Hà Đông và Hà Tây thuộc tổng Kon Mơhar (tỉnh Kon Tum).

Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, theo Nghị định số 348-BNV/HC/NĐ, ngày 27-6-1958 của Bộ trưởng Nội vụ, xã Kon Mơhar thuộc tổng Mơ Nây, quận Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Về phía cách mạng, từ địa danh gốc là Kon Mơhar, 2 cái tên Hà Đông và Hà Tây đã hình thành khá sớm.

Khoảng cuối năm 1949, Đội Vũ trang Tuyên truyền 102 (thuộc Trung đoàn 120) từ khu Bơnâm (nay thuộc xã Krong, huyện Kbang) đã tiến lên, bám trụ được tại làng Kon Jôt (nay thuộc xã Hà Đông) để xây dựng cơ sở vùng Kon Mơhar làm bàn đạp tiến về phía Tây tỉnh Gia Lai.

Tháng 10-1950, Đảng bộ khu Plei Kon (còn gọi là khu Trung-vùng đất nằm giữa thị xã Pleiku và thị xã Kon Tum, bao gồm cả Kon Mơhar) được thành lập, do đồng chí Nguyễn Tuấn Tài (Trần Kiên) làm Bí thư.

Sau khi thành lập Đảng bộ, khu Plei Kon chia xã và lập các chi bộ: Labà, Hà Đông, Hà Tây, Đak Đoa. Trong đó, xã Hà Đông là phần đất phía Đông xã Kon Mơhar, còn Hà Tây là vùng đất phía Tây xã này. Ở đây, Hà là biến âm từ Har (trong Kon Mơhar); còn Đông và Tây là vị trí của xã trong tương quan với tổng Kon Mơhar cũ. Theo ông Lê Tam-nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai-thì cái tên Hà Đông và Hà Tây xuất phát từ gợi ý của Bí thư khu Trung lúc đó: ông Nguyễn Tuấn Tài.

Kim Vân

Có thể bạn quan tâm