Dư địa chí

Ý nghĩa chiến thắng Chư Bồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những ngày gần đến kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2017), nhiều cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 phấn khởi nhắc đến trận đánh căn cứ Chư Bồ năm 1973.

Vui bởi vì, Tỉnh ủy Gia Lai và Ban Liên lạc Đại đoàn Đồng bằng-Sư đoàn 320 đã thống nhất việc xây dựng Bia Di tích lịch sử trận tấn công cụm căn cứ Chư Bồ-Đức Cơ (vị trí tại thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) vào cuối năm 2017. Để bạn đọc hiểu thêm ý nghĩa của trận Chư Bồ ngày 18-1-1973, chúng tôi xin được cung cấp thêm một số tư liệu về trận đánh này.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Theo các tư liệu lịch sử của Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320, vào những năm 70 của thế kỷ XX, để án ngữ đường 19 Tây nhằm ngăn chặn hoạt động của quân ta tại tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, địch đã cho xây nhiều căn cứ quân sự; trong đó, xác định đoạn từ Thanh An (Chư Prông) đi Đức Cơ sẽ là trọng điểm chiến lược và điều hỏa lực về xây dựng cụm căn cứ Chư Bồ-Đức Cơ. Trong năm 1972, ta và địch giằng co tại vùng trọng điểm này. Sau khi chiếm lại được Chư Bồ- Đức Cơ, địch tập trung 2 trung đoàn 41 và 45 chốt giữ đoạn từ Thanh An đi Đức Cơ. Chủ quan cho rằng Sư đoàn 320 đã bị suy yếu, chúng điều Tiểu đoàn 81 biệt động quân đóng quân ở căn cứ Chư Bồ; Tiểu đoàn 23 biệt động quân đóng ở đồn 30.

Nắm được ý đồ của địch, từ cuối tháng 12-1972, đầu tháng 1-1973, bộ đội của Sư đoàn 320 đã ém sẵn chờ thời cơ tấn công địch trên tuyến đường 14 (Phù Mỹ đi Mỹ Thạch) và đường 19 Tây (Thanh An đi Đức Cơ). Đến giữa tháng 1-1973, thời cơ đã đến. Một phương án tác chiến đã hình thành. 15 giờ ngày 17-1-1973, tại Sở Chỉ huy Sư đoàn 320, lệnh chiếm lĩnh trận địa được phát ra. Đúng 6 giờ 30 phút ngày 18-1, pháo binh quân ta khai hỏa đánh đúng mục tiêu căn cứ Chư Bồ. Trung đoàn 64 được sự tăng cường Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 48) của Sư đoàn 320 tấn công thẳng vào đội hình địch. Địch rối loạn tháo chạy, ta chiếm hoàn toàn trận địa, diệt 220 tên, bắt sống 37 tên, bắn rơi 4 máy bay, thu 91 súng các loại…

Sau trận Chư Bồ, từ ngày 20 đến 21-1-1973, Trung đoàn 64 tiếp tục đánh chiếm hoàn toàn cứ điểm Đức Cơ. Trong thế chủ động, quân ta tiếp tục tấn công trên các cứ điểm của đường 19 Tây và đường 14, đánh thẳng vào Sư đoàn 23 và 22 biệt động quân ngụy. Quân địch bị vỡ trận. Đêm 26 đến ngày 27-1-1973, Trung đoàn 48 đánh chiếm đồn 30 rồi thừa thắng tiến công giải phóng cả vùng rộng lớn giáp biên giới Việt Nam-Campuchia, nối thông, đảm bảo an toàn cho tuyến hành lang biên giới. Về chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ, các sử gia quân sự đánh giá đây là trận đánh có ý nghĩa chiến lược to lớn của mặt trận Tây Gia Lai vào thời điểm trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực từ ngày 27-1-1973, giúp ta giành thêm đất, thêm dân.

Sau hơn 40 năm giải phóng, chiến trường Chư Bồ xưa nay đã đổi thay nhiều, hiện Chư Bồ là một trong những làng có kinh tế-xã hội phát triển, được mệnh danh là làng của những triệu phú, không ít hộ trồng cao su, hồ tiêu có thu nhập tiền tỷ… Việc xây dựng Bia Di tích lịch sử trận tấn công cụm căn cứ Chư Bồ-Đức Cơ là thêm một lần tri ân và ghi công không chỉ các anh hùng liệt sĩ của Sư đoàn 320, mà còn là ghi công của quân và dân Gia Lai trong chiến thắng lịch sử này.    

 

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm