Dư địa chí

Đừng để "Cột mốc Mook Đen" bị lãng quên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Làng Mook Đen, xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) là một làng biên giới giáp với Vương quốc Campuchia. Nơi đây ẩn chứa nhiều “trầm tích” của lịch sử qua các cuộc chiến tranh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Mook Đen nằm trên phòng tuyến Chư Ty-Oyadav, mặt trận Tây Gia Lai năm 1946. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai ghi: “Ngày 21-6-1946, quân Pháp có không quân, pháo binh yểm trợ đồng loạt tiến công ồ ạt vào các mặt trận của ta... Trên hướng Plei Mook Đen, quân Pháp vừa tấn công chính diện, vừa luồn rừng tấn công phía sau quân ta. Bộ Chỉ huy mặt trận khi đi thị sát mặt trận phía Tây bị phục kích, bị tổn thất nặng. Các đồng chí Hữu Thành, Đàm Minh Viễn trong Ban Chỉ huy và một số đồng chí trong đoàn đã hy sinh”.
 

 

Tôi không chỉ được sống tại Gia Lai mà còn được tham gia nhiều cuộc “Đi tìm đồng đội”, trong đó có duyên tham gia tìm hài cốt của liệt sĩ Đàm Minh Viễn-nguyên Phó Tư lệnh mặt trận Nam Trung bộ hy sinh tại mặt trận Tây Gia Lai năm 1946. Rất may là gặp lại các nhân chứng của trận phản phục kích ngày 21-6-1946 ấy. Người thứ nhất là ông Nguyễn Ngọc Thạnh-nguyên Chính trị viên Trung đội Quy Nhơn, Chi đội Phan Đình Phùng-Trung Trung bộ ở chiến trường Tây Gia Lai đầu năm 1946 (ông đã mất năm 2010). Hơn 60 năm mới có cơ hội trở lại chiến trường xưa, ông kể lại rằng: Ngày 21-6-1946, Ban Chỉ huy Đoàn 23 gồm Đoàn trưởng Hữu Thành; Tham mưu phó Nguyễn Văn Trí; Phó Tư lệnh, Chủ nhiệm Tham mưu Ủy ban Kháng chiến miền Nam Trung bộ Đàm Minh Viễn, cùng một cố vấn người Nhật (chúng tôi sẽ đề cập về vị cố vấn này ở một bài khác) và một phiên dịch đi trên một xe Jeep để khảo sát tình hình phòng tuyến Chư Ty-Oyadav. Ông Thạnh và ông Hải ở đơn vị đóng quân tại Mook Đen được giao đi bảo vệ. Hôm ấy xe đến Mook Đen thì bị địch phục kích. Đoàn trưởng Hữu Thành đã trực tiếp chỉ huy đánh trả, nhưng địch quá đông nên tất cả có 5 người hy sinh (cả cố vấn người Nhật). Ông Thạnh, ông Hải và lái xe thoát vào rừng. Tối hôm đó trời mưa lớn, ông gặp đồng chí Nguyễn Đảnh, là cán bộ của Tiểu đoàn Thanh Quyết-Quảng Nam đưa lực lượng ra ứng cứu nhưng không thành, ngược lại còn bị thương rất nặng. Sáng 23-6-1946, khi quân ta trở lại thì không tìm thấy xác của cán bộ chiến sĩ ta, đến giờ cũng không xác định những ai là người đã chôn cất họ.

Năm 2012, khi chúng tôi đi tìm hài cốt của đồng chí Đàm Minh Viễn thì gặp nhân chứng thứ 2 là già làng Siu Thô hiện sống ở Mook Đen. Ông đưa chúng tôi đến sườn đồi Chư Ty (một bên thuộc làng Mook Đen, xã Ia Dom, một bên thuộc làng Bi, xã Ia Nan), nơi năm 1946 xảy ra trận chiến. Ông kể: “Năm đó tôi mới 14 tuổi, buổi chiều dân làng nghe tiếng súng, biết là có đánh nhau giữa bộ đội Việt Minh với quân Pháp. Chiều hôm sau, tôi cùng người bác ruột đi bẫy thú thì thấy 5 thi hài bộ đội bị địch bắn chết nằm bên một gốc cây. Ngày hôm sau, tôi trở lại thì không còn nữa, ai đó đã chôn cất các anh”.

Ngược dòng lịch sử về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có thể thấy mặt trận Tây Gia Lai là một mặt trận đầy gian khổ và ác liệt. Qua nhân chứng, tài liệu, chúng ta được biết thêm còn nhiều cán bộ, chiến sĩ của Chi đội Tây Sơn, Đại đoàn 23 đã hy sinh khi trấn giữ phòng tuyến. Máu và thân xác họ đã nhuộm đỏ mảnh đất này nhưng trong hơn 70 năm qua hài cốt các anh vẫn nằm đây song chưa có một dòng bia mộ. Cần lắm việc tiếp tục tìm kiếm cất bốc hài cốt các liệt sĩ trận Mook Đen năm 1946 để đưa các anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Và, hãy dựng ở đây một tấm bia tưởng niệm các anh, đừng để cột mốc Mook Đen bị lãng quên trong lòng người.

Linh Lan

Có thể bạn quan tâm