Dư địa chí

Kon Chư Răng - Mâu thuẫn từ cái tên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nơi chúng tôi muốn nói đến là vùng đất ở phía Đông Bắc xã Sơn Lang, huyện Kbang. Gần đây, chốn xa xôi cách trở này rất “hút” người và trở thành một địa danh “hot” bởi có nhiều thác-rừng hùng vĩ, một điểm đến tiềm năng của du lịch Gia Lai. Thế nhưng trên thực tế, việc đọc và viết địa danh này như thế nào hẳn đã từng làm không ít người lúng túng.

 

Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Hiện nay, có ít nhất 3 cách đọc/viết khác nhau về địa danh này. Đó là: Kon Chư Răng, Kon Cha Răng và Kon Jrăng. Để tìm đến với cách viết chính thống, chúng tôi vào trang thông tin điện tử http://konchưrăng.vn của chủ sở hữu khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) này. Tên gọi danh chính ngôn thuận được xác định ở đây là Kon Chư Răng. Tuy nhiên, trong nhiều bài viết thể hiện trên trang, nhất là phần viết về lịch sử của khu bảo tồn, các tác giả lại viết là Kon Cha Răng, hoặc đoạn trên là Kon Cha Răng, còn đoạn dưới lại Kon Chư Răng.

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng có tên trong Quyết định số 194/CT, ngày 9-8-1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Năm 1999, Viện Điều tra Quy hoạch Rừng xây dựng dự án đầu tư cho khu bảo tồn này. Ngày 21-6-2000, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt dự án đầu tư cho KBTTN Kon Chư Răng theo Công văn số 857/CV-UB. Như vậy, Kon Chư Răng là cách viết đã được xác định trên các văn bản hành chính, nhưng đó cũng là cách viết còn bất ổn. Bởi ta thấy trong cụm từ chỉ địa danh này, có từ Chư-nghĩa là núi, một từ xuất phát từ ngôn ngữ Jrai và chỉ xuất hiện trong các địa danh ở khu vực cư trú của người Jrai, lại lọt vào giữa cụm từ chỉ một địa danh ở khu vực chỉ có cộng đồng Bahnar sinh sống! Ngoài ra, các địa danh truyền thống ở vùng đất này cũng thường có nguồn gốc từ ngôn ngữ Bahnar.

Theo khảo sát của chúng tôi, trước năm 1945, trong bán kính từ 30 km đến 40 km quanh làng Hơnưng, xã Sơn Lang hiện nay, chỉ có các làng Bahnar: Đe Klanh, Đe Sơlam; Kon Jrăng và Kon Trut. Trong số đó, Kon Jrăng là một làng ở trong KBTTN Kon Chư Răng hiện nay. Những người dân ở xã Sơn Lang giải thích, làng Kon Jrăng mang tên này là vì, trong khu vực lập làng ban đầu có rất nhiều cây Jrăng-một loại cây mà đồng bào gọi là chôm chôm rừng hoặc nhãn rừng. Còn kon là một danh từ chung để chỉ làng của người Bahnar ở khu vực này. Như vậy, cái tên có ý nghĩa nhất và phù hợp nhất của địa danh này phải là Kon Jrăng. Còn Kon Cha Răng là biến âm của từ gốc Jrăng.

Gần đây, KBTTN này ngày càng được nhiều người quan tâm. Bởi bên cạnh thác 50 (có độ cao cột nước 50 mét) đã được nhiều người biết đến, nơi đây còn có nhiều thác nước tuyệt vời vừa được các nhà địa chất khám phá, công bố như: thác Tóc Tiên, thác Sương Mù, thác Trại Dầm... len lỏi giữa những cánh rừng đại ngàn, chảy qua vùng đất mang nhiều bí ẩn về địa mạo, địa chất...

Thiết nghĩ, gọi đúng địa danh Kon Jrăng-trước khi nơi này thật sự trở thành một điểm đến có tên trên bản đồ du lịch quốc gia-cũng là một hoạt động có ý nghĩa mang tính định hướng trong quá trình phát triển du lịch Gia Lai.

 Kim Vân

Có thể bạn quan tâm