(GLO)- Trận truy kích địch trên đường 7-Cheo Reo diễn ra từ tối 16-3-1975 đến chiều 24-3-1975 của Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) đã đi vào lịch sử chiến tranh Việt Nam. Đại tướng Văn Tiến Dũng-Tư lệnh chiến trường miền Nam, đã giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 320 trước thềm trận chiến bằng một câu ngắn gọn: “Băng rừng, cắt đường giao thông và chặn đánh, buộc địch ùn lại ở phía Đông-Tây”. Trận đánh đã được các chuyên gia đánh giá là nâng tầm nghệ thuật quân sự Việt Nam. Tuy nhiên, chuyện về những chiến sĩ trực tiếp “đánh chặn” địch tại Cheo Reo ngày 17-3-1975 là ai, hẳn vẫn còn nhiều người muốn biết.
Cuộc tháo chạy hỗn loạn trên đường 7 năm xưa. Ảnh: tư liệu |
Thật may, tôi đã được gặp một nhân chứng sống từng trực tiếp tham gia trận “đánh chặn” lịch sử ngày 17-3-1975. Ông là Đại tá Khuất Duy Hoan-nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 3, người trực tiếp quản lý và di dời hàng ngàn xe quân sự “tù binh” ngày ấy vào rừng để thông đường cho quân ta truy kích. Ông cho biết: Khi ấy ông là Tiểu đội phó thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư 320, đơn vị ém quân ở Thuần Mẫn (Đak Lak). Ngày 16-3, đơn vị ông nhận được lệnh phải hành quân cấp tốc trên đường 7B (Thuần Mẫn đi Cheo Reo) đánh chặn đường rút lui của địch. Đêm ấy, bằng đôi chân chạy bộ cắt rừng của người lính giải phóng, chỉ sau một đêm, toàn đơn vị đã đến nơi tập kết tại Nam Cheo Reo, kịp thời đánh chặn địch trên đường số 7…
Về hình ảnh chiến trận đã in đậm trong tâm trí, ông nhớ lại: Đúng 13 giờ ngày 17-3-1975, đơn vị ông đã triển khai đội hình dọc đường 7. Tổ phục kích tiền tiêu là tiểu đội của Nguyễn Vi Hợi, thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 đã áp sát đón địch. Sau khi để một số xe dân sự đi qua, thấy tốp xe thiết giáp và xe tăng M48, M113 dẫn đầu chạy tới, Tiểu đội trưởng Nguyễn Vi Hợi đã chỉ huy đồng đội bình tĩnh, với hỏa lực B40 và B41, ngay loạt đầu đã bắn cháy những chiếc đi đầu. Đúng ý đồ của ta: Chúng trở thành vật cản khiến xe sau không thể chạy tiếp vì đây là đoạn đường hẹp nhất. Đoàn xe của địch bắt đầu ùn tắc. Sau phát đạn khai hỏa diệt tốp xe bọc thép, trên đoạn đường khoảng 2 km, quân ta đồng loạt nổ súng vào xe tăng địch, lửa bốc ngút trời… Đường rút lui hoàn toàn tắc nghẽn. Địch hỗn loạn tràn sang 2 bên đường tháo thân. Nhiều xe tiếp tục bị bắn cháy, nhiều tên địch đã bị bắt sống… Sau này, khi được hỏi về trận chốt chặn ở Cheo Reo năm 1975, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Vi Hợi đã trả lời: “Đó là trận đánh thú vị nhất trong cuộc đời chiến đấu của tôi”.
Đến ngày 19-3-1975, ta đã giải phóng hoàn toàn Cheo Reo-Phú Bổn, Sư đoàn 320 tiếp tục truy kích địch xuống Tuy Hòa-Phú Yên. Điều bất ngờ với ông Hoan là: Tiểu đội phó Khuất Duy Hoan được cấp trên chọn và giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng tổ thu gom và bảo vệ “bãi xe tù binh” gồm hàng ngàn chiếc xe quân sự các loại tại Cheo Reo. Cũng may khi ấy ông tìm được một người biết lái xe và đã thuyết phục người tài xế làm “thầy dạy lái xe” bất đắc dĩ. Lớp “lái xe cấp tốc” được mở. Vậy mà, chỉ vài giờ sau, cả tổ đã vừa học vừa lái, các xe (còn chạy được) đã được cất giấu vào rừng chờ các đơn vị tiếp quản sử dụng trong chiến đấu…
Sau 40 năm, ông Hoan vẫn còn nhớ cảm giác lo lắng khi học lái xe chỉ trong… 30 phút. Vậy mà nhiệm vụ phải thông đường đã hoàn thành, cất giấu xe đảm bảo. Đúng là, trong chiến trận điều gì cũng có thể xảy ra. Những chiến sĩ “đánh chặn” trên đường 7 ngày ấy (quốc lộ 25 hiện nay) giờ người mất, người còn, nhưng hình ảnh chạy bộ xuyên rừng và cách “đánh chặn” của họ mãi là bài học trong sử vàng quân sự nước nhà.
Quốc Ninh