Dư địa chí

Sông Ba và những cái tên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những câu, từ trong bài hát Ca ngợi anh hùng Núp của nhạc sĩ Trần Quý: “Đây bất khuất Tây Nguyên cao cao/Núi mây điệp trùng gió ào ào/Đây sóng nước sông Ba dâng trào/Người Bahnar như đàn chim chơ rao” đã làm cho nhiều người biết đến sông Ba, yêu mến con sông huyền thoại này, dù họ chưa một lần đặt chân đến sườn Đông Trường Sơn-quê hương Anh hùng Núp, nơi có dòng sông Ba miệt mài chảy qua, đưa nước xuống vùng duyên hải Phú Yên. Tuy nhiên, khi chảy qua mỗi vùng miền, đi qua mỗi tộc người, sông Ba lại được gọi bằng những cái tên khác nhau hẳn là điều vẫn chưa nhiều người biết.

Bắt nguồn từ núi Ngok Rô ở độ cao 1.549 m, trên dãy Ngok Linh (thuộc tỉnh Kon Tum), sông Ba chảy theo sườn phía Đông của dãy Trường Sơn, qua các tỉnh Gia Lai, Phú Yên để đổ về Biển Đông.

 

Một góc sông Ba. Ảnh: internet
Một góc sông Ba. Ảnh: internet

Sông có lưu vực rộng hơn 13.900 km2 và là lưu vực sông rộng lớn nhất Tây Nguyên. Các nhánh chính của sông Ba là: Ayun, Ia Krông, Krông Năng và sông Hinh đều nằm ở phía hữu ngạn. Từ nguồn về xuôi, sông chảy theo hướng Bắc-Nam, chuyển dần theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Ở phần thượng lưu của sông Ba, núi vây sát các thung lũng, chỗ rộng, chỗ hẹp. Xuống đến Nam huyện Kbang, núi đồi lùi xa về 2 bên nhường chỗ cho những đồng bằng khá rộng kéo dài dọc sông.

Trước khi bị chặn dòng, đổ một phần nước về sông Kôn (khi xây dựng Thủy điện An Khê-Ka Nak), do nằm ở vùng trung gian, chịu ảnh hưởng của cả 2 khối không khí Đông và Tây Trường Sơn nên phân bố dòng chảy trong năm của con sông này khá điều hòa. Tuy nhiên, lưu lượng nước giữa mùa mưa và mùa khô trên sông vẫn có sự khác biệt. Mùa mưa, nước sông Ba dâng cao, lưu lượng rất mạnh, còn về mùa khô lòng sông ở nhiều nơi bị cạn. Phù sa của dòng sông này đã tạo nên một vùng trũng Ayun Pa màu mỡ và nhiều cánh đồng nhỏ dọc theo sông ở các huyện An Khê, Ia Pa, Krông Pa.

Với chiều dài hơn 300 km, sông Ba là con sông dài nhất chảy trên sườn Đông Trường Sơn của Tây Nguyên. Khi len lỏi qua các vùng đất có các tộc người khác nhau sinh sống, dòng sông được cư dân địa phương gọi bằng những cái tên khác nhau như: người Bahnar gọi nó là Đak Krong (sông Lớn) hay Krong Bar; người Jrai gọi là Krông Pa (sông Lớn) hoặc Ia Pa (sông Pa); người Việt (Kinh) ở tỉnh Gia Lai gọi nó là sông Ba (có lẽ là do viết hóa danh từ Pa của các tộc người trong vùng); còn Đà Rằng là cái tên mà người Việt ở Phú Yên dành gọi dòng sông này.

Về nghĩa của địa danh theo cách gọi của cư dân tại chỗ nơi đây, dù đã đi khắp vùng người Bahnar và người Jrai, nhưng hầu như chúng tôi không tìm được lời giải thích thỏa đáng. Đến tận đầu nguồn sông ở xã Krong (huyện Kbang), chúng tôi gặp bok Đinh Byưh và có được lời giải thích duy nhất: Sông này người Bahnar ở đây gọi là Krong Bar/Phar. Bar trong tiếng Bahnar có nghĩa là số 2 (số đếm), vì trước đây, mùa mưa về thường có 1-2 người bị chết đuối trên sông. Dân làng nói đó là những người bị thần nước lấy.

Chúng tôi cho rằng cách giải thích trên chưa thật sự thuyết phục. Nhưng với cách lý giải nào thì cư dân các dân tộc tỉnh Gia Lai, nơi có sông Ba chảy qua, vẫn có cách hiểu chung tên gọi của sông Ba là dòng sông lớn.

Kim Vân

Có thể bạn quan tâm