Dư địa chí

"Chợ" vùng biên thời chống Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi vừa ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973), đơn vị chúng tôi xuất phát từ Thanh Hóa đến Lộc Ninh, Bình Long (thuộc tỉnh Bình Phước bây giờ) với thời gian ròng rã gần 3 tháng trời qua các tỉnh: Quảng Trị, Savanakhet (Lào), Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak… Khi ấy, bộ đội ta hành quân chủ yếu là đi bộ, nhưng từ năm 1973, nhiều cung đường được hành quân bằng ô tô Gat 63, do Liên Xô chế tạo. Trường Sơn Tây khi ấy có cung đường phải đi qua Lào và Campuchia. Chuyến đi ấy tôi có những kỷ niệm thật khó quên, nhất là về “chợ vùng biên” Việt-Lào, một hình thái “chợ” có một không hai trong những năm 60-70 của thế kỷ trước.

Vào một đêm, sau khi dừng chân ở Binh trạm Ba Đồn (Quảng Bình), đơn vị chúng tôi nhận lệnh vượt bến phà Long Đại, tiếp đó vượt sông Ba Lòng và ngược đường 9 trên đất Quảng Trị sang Lào. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như chúng tôi không gặp các “chợ” trao đổi hàng hóa giữa đồng bào các dân tộc Việt, Lào ở vùng biên giới.

 

Người dân tộc thiểu số bản địa tại chợ vùng biên thời chống Mỹ. Ảnh: intenet
Người dân tộc thiểu số bản địa tại chợ vùng biên thời chống Mỹ. Ảnh: intenet

Chuyện là, khi ấy trên đường đi, chúng tôi chủ yếu ăn đồ hộp, cơm sấy. Cái sự thèm rau, thèm thịt heo, thèm cá… đến vô cùng, chỉ những ai đã trải qua mới thấu hiểu. May mà, không biết tự bao giờ, dọc đường Trường Sơn, cứ ở gần binh trạm của Quân Giải phóng thì lại có những cái “chợ” tự phát rất hay của đồng bào dân tộc Lào, dân tộc Tà Ôi, Xê Đăng, Jrai (trên đất Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak): Chợ trao đổi bằng vật phẩm. Đó là những cô gái ngực trần chân đất gùi rau, bí đỏ, bí xanh và đôi khi có cả thịt heo…

Họ gọi chúng tôi bằng tiếng Việt lơ lớ: “Bộ đội ơi có đỏi (đổi) không?”. Ban đầu, tôi không hiểu. Tuy nhiên, người ở binh trạm đón tiếp giải thích rằng: Người đồng bào dân tộc gần trục đường Trường Sơn Tây thường mang thực phẩm ra đổi cho bộ đội lấy các vật dụng cá nhân (đèn pin, bật lửa, gương soi, quần áo...). Nói là đổi nhưng “rẻ như cho”. Đúng vậy. Tôi chỉ đổi cho các cô gái một cái thìa nhôm mà nhận lại cả một gùi bí đỏ. Còn bạn tôi thì cho họ một cái gương soi nhỏ hình chữ nhật chỉ nhích hơn hộp diêm mà nhận cả một con gà… Khi ấy, chúng tôi cứ ngỡ làng của đồng bào gần đây nhưng không phải vậy. Các anh bộ đội giao liên của “đường dây 559” (bộ đội đi B thường gọi như vậy) nói rằng làng bản của họ rất xa, thường phải đi vài ba ngày đường mới đến được các binh trạm. Đêm họ quây lại ngủ ngoài rừng…

Ở mỗi đầu binh trạm dọc Trường Sơn đã có những cái “chợ” độc đáo như thế. Nhờ vậy, với bộ đội chủ lực như chúng tôi, nhiều khi “bữa ăn tươi” không phải là thịt, cá mà chính là được một bữa… rau xanh! Ai đã từng hàng tháng trời không được ăn rau xanh, ăn canh (cải, mồng tơi, rau muống…) thì sẽ hiểu. Cứ thế dọc đường Trường Sơn Tây, mỗi chặng đường hành quân trong đêm, mỗi lần đặt ba lô xuống binh trạm dừng chân, sáng ra, chúng tôi lại tìm đến nơi mà binh trạm chỉ dẫn. Nơi ấy có thực phẩm tươi sống của đồng bào các dân tộc vùng biên Việt-Lào đang đón đợi bộ đội trên đường đi đánh Mỹ…

Chiến tranh kết thúc, có dịp trở lại ngã ba Đông Dương (Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y Kon Tum) hay đi trên đường vành đai biên giới từ Ia O (huyện Ia Grai) đến Ia Nan, Ia Pnôn (huyện Đức Cơ)…, kỷ niệm về những cái “chợ” Trường Sơn thường hiện về trong tôi. Chợt nhận ra rằng, tình đoàn kết quân dân đơn sơ mà thấm đẫm luôn ở trong trái tim của những cựu chiến binh khi cả Đông Dương chung một chiến hào chống Mỹ.

Mối tình hữu nghị Việt-Lào, đoàn kết Kinh-Thượng vẫn còn nguyên vẹn, bền vững trong lòng các thế hệ hôm qua và hẳn nhiên sẽ phát triển bền vững với thế hệ hôm nay và mai sau.

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm