Dư địa chí

"Mối tình" ngày ấy…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ấy là tôi muốn nhắc lại “mối tình” đoàn kết gắn bó của Đảng bộ, quân và dân 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Pháp.

Khi thực dân Pháp bội ước Hiệp định sơ bộ (ký ngày 6-3-1946) và Tạm ước ký ngày 14-9-1946, chúng tái xâm lược Việt Nam và Đông Dương, những đất nước vừa mới giành được độc lập từ tay Nhật. Tại Tây Nguyên, chúng tấn công từ nhiều hướng, chọc thủng phòng tuyến Tây Gia Lai (Chư Ty-Oyadav); ngày 25-6-1946, Pleiku thất thủ, Gia Lai rơi vào tay quân Pháp. Quân và dân Gia Lai buộc phải rút quân về phía Đông của tỉnh. Tỉnh ủy và các cơ quan lãnh đạo của Gia Lai rút về Vĩnh Thạnh, Bình Định củng cố lại lực lượng.

 

Ảnh internet
Đèo An Khê. Ảnh minh họa

Đầu năm 1947, Tỉnh ủy Gia Lai quyết định trở lại xây dựng chiến khu Xóm Ké (An Khê) chỉ đạo kháng chiến, giành đất và giải phóng đồng bào dưới ách thực dân Pháp. Trong những năm tháng khó khăn ấy, Gia Lai được sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu V cũng như được Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Định giúp đỡ toàn diện cả vật chất và tinh thần; từ đó luyện quân, bổ sung đội ngũ lãnh đạo, quân sự cho mặt trận Gia Lai.

Thời điểm này, công tác tuyên truyền luôn được chú trọng, các báo được in phát hành ở Bình Định. Những năm 1947-1954, Xứ ủy Trung Trung bộ, sau là Quân khu V giao cho Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo các ngành việc in ấn những chuyên đề về Gia Lai trên các ấn phẩm của báo chí Bình Định. Tờ Thông tin Bình Định năm 1946 đã ra Tập san “Mối tình Gia Lai” (Bản gốc lưu giữ tại Bảo tàng Bình Định). Trong đó, nội dung đăng tải là “100 câu ca dao” động viên cán bộ, chiến sĩ các tỉnh đồng bằng hãy lên Gia Lai cùng quân dân Gia Lai kháng chiến chống Pháp, với các tiêu điểm: “Đỡ đầu mọi mặt cho Gia Lai” như giúp về cán bộ, lực lượng, vũ khí, tiền bạc…

Giờ đây, đọc lại những câu ca dao được in trong “Mối tình Gia Lai” cách đây gần 70 năm, trong ta vẫn nguyên niềm xúc động: “Em về bán nửa vườn trầu/Bán bông hoa lý, bán cau nửa buồng/Lấy tiền mua súng mua gươm/Để anh lên đó (Gia Lai) đón đường thằng Tây” hay “Miền Gia Lai truông dài núi rộng/Đứng dưới đồng kẻ ngóng người trông/Nhớ ai như nhớ tiếng cồng/Thương ai giết giặc lập công cho mình”; và “Gia Lai cách trở mấy tầng/Thương người miền núi quá chừng mẹ ơi/Giặc về đốt rẫy phá đồi/Giặc đi buôn núi tả tời lắm phen/Lửa khuya không đủ ngọn đèn/Mài tên, vuốt ná anh nguyền đánh Tây”; “Lên đây mà giết giặc Tây/Mà nhìn máu giặc nhuộm cây đỏ rừng”… Tác giả những câu ca dao này, đều khuyết danh, được in trong Tập san “Mối tình Gia Lại” do Ban ấn loát, thuộc Ty Thông tin Bình Định phát hành nhân hưởng ứng Tuần lễ Đỡ đầu Gia Lai. Những câu ca dao mộc mạc như thế đã vượt núi, vượt rừng đến với quân và dân 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai, động viên tinh thần kháng chiến chống Pháp.  

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong kháng chiến chống Pháp, tại Bình Định có các ấn phẩm: Thông tin, Tin tức; Dân chúng. Các ấn phẩm này thường xuyên có bài viết về chiến sự, tin tức ở Gia Lai, như: “Ý chí quật cường của đồng bào miền núi Gia Lai” (đăng ngày 18-8-1946), ca ngợi quân và dân Gia Lai đã chiến thắng giòn giã trên đường 19; bài “Quân ta đại thắng vận động chiến trên đường 19 An Khê-Pleiku” (đăng ngày 15-1-1949); đăng Thông báo của Bộ Tổng tham mưu về tình hình chiến sự (số 181 ngày 27-11-1947); nêu các thủ đoạn của thực dân Pháp và tay sai; thông báo về tình hình thế giới…

Có thể nói “Mối tình” giữa Đảng bộ, quân và dân 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai được hun đúc, tô thắm trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã thành truyền thống. “Mối tình” này cần được các thế hệ tiếp theo gìn giữ, vun đắp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm