Dư địa chí

Những điều lý thú về địa danh Bàu Cạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm trong khu vực cư trú của người Jrai Hdrung, vùng đất Bàu Cạn ngày nay vốn được gọi là Ia Puch-tên một con suối lớn trong vùng.  

Năm 1923, Công ty Nông nghiệp chè và cà phê tỉnh Kon Tum-An Nam (Compagnie Agricole Des Thés et cafés de Kon Tum-Annam, viết tắt là CATECKA) được thành lập. Nhân dân trong vùng gọi là đồn điền Ia Púch vì ở bên dòng Ia Puch-theo cách gọi của người Jrai, hay còn gọi là đồn điền Bàu Cạn-theo cách gọi của người Việt ở miền Nam Trung bộ. Lâu dần, Bàu Cạn trở thành cái tên không chỉ gắn với đồn điền chè, mà còn là địa danh chỉ cả vùng đất quanh đó.

 

Thác Bàu Cạn. Ảnh: Mai Hùng
Thác Bàu Cạn. Ảnh: Mai Hùng

Sở dĩ có tên Bàu Cạn là vì trong khu vực đất đai mà các nhà thực dân bao chiếm có một chỗ trũng, đọng nước vào mùa mưa, có diện tích mặt nước khoảng 3 ha (nằm cách phía Tây Công ty Chè Bàu Cạn hiện nay hơn 1 km), được thể hiện trên bản đồ của đồn điền là marais à sec. Khi người Pháp lập đồn điền, khu nhà tạm của quản lý và công nhân được cất ở gần đây. Trước năm 1960, bàu luôn có nước. Khoảng tháng 1 hoặc tháng 2 hàng năm thì nước trong bàu cạn dần nhưng không khô hẳn, người dân địa phương thường đến đây để bắt ếch, nhái… Sau năm 1960 bàu bắt đầu cạn khô hàng năm. Khoảng thời gian từ năm 1960 đến 1963 thì bàu khô hẳn, không còn nước nên chết tên “Bàu Cạn”.

Năm 1929, ngoài chủ đồn điền và bộ máy giúp việc, đồn điền Bàu Cạn được chủ chia làm 3 phân khu mà công nhân quen gọi là “sở”: phân khu 1 (còn gọi là sở số 1 hay Bàu Cạn); phân khu 2 (còn gọi là sở số 2 hay Thông Phương), phân khu 3 (còn gọi là sở số 3-Nước Đổ). Đồn điền Bàu Cạn được chủ người Pháp khai thác đến ngày giải phóng.

Sau ngày Gia Lai giải phóng (tháng 3-1975), Ty Nông nghiệp tịch thu đồn điền chè Bàu Cạn để xây dựng thành nông trường quốc doanh và vẫn tiếp tục sản xuất kinh doanh cây chè. Ngày 1-10-1975, Nông trường quốc doanh Chè Bàu Cạn được thành lập trên cơ sở đồn điền Bàu Cạn cũ. Hầu hết diện tích của nông trường nằm trên địa bàn xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông và một phần thuộc xã Gào (thuộc thị xã Pleiku).

Theo Quyết định số 783/QĐ-UB, ngày 26-7-1996, về việc đổi tên doanh nghiệp nhà nước, Nông trường Chè Bàu Cạn được đổi tên thành Xí nghiệp Nông-Công nghiệp Chè Bàu Cạn.

Ngày 21-8-1998 theo Nghị định số 65/1998/NĐ-CP của Chính phủ, xã Bàu Cạn được tái lập trên cơ sở điều chỉnh 1.300 ha diện tích tự nhiên và 2.900 nhân khẩu của xã Ia Phìn; 1.400 ha diện tích tự nhiên và 900 nhân khẩu của xã Thăng Hưng. Xí nghiệp Nông-Công nghiệp Chè Bàu Cạn thuộc xã cùng tên.

Ngày 26-5-2006, theo đề án sắp xếp, đổi mới nông-lâm trường quốc doanh thuộc UBND tỉnh Gia Lai, Xí nghiệp Nông-Công nghiệp Chè Bàu Cạn được chuyển đổi thành Công ty Chè Bàu Cạn.

Theo quyết định ngày 23-8-2010 của UBND tỉnh, Công ty Chè Bàu Cạn được chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên Chè Bàu Cạn. Năm 2016, Công ty này được cổ phần hóa thành Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn. Toàn bộ diện tích đất đai của Công ty thuộc địa bàn xã Bàu Cạn. Trụ sở Công ty đặt tại thôn Đoàn Kết, Km 188, quốc lộ 19, cách trung tâm TP. Pleiku 18 km.

Ngày nay, địa danh Bàu Cạn với thương hiệu trà CATECKA nổi tiếng vẫn là một địa chỉ được nhiều người quan tâm. 

Kim Vân

Có thể bạn quan tâm