Dư địa chí

Chuyện ít biết về cố vấn Nhật hy sinh tại Mook Đen năm 1946

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong sử liệu về cách mạng Việt Nam có nhắc đến vai trò của các “Chiến sĩ quốc tế-Việt Nam mới” trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954). Đó là những người châu Âu, châu Á, châu Phi, từng là sĩ quan, binh lính viễn chinh xâm lược Việt Nam, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tình nguyện gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia huấn luyện, chiến đấu chống Pháp, được Bác Hồ gọi là người “Việt Nam mới”. Trong đó, có người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc Việt Nam. Lịch sử của Gia Lai cũng ghi nhận có một cố vấn người Nhật đã hy sinh tại Mook Đen (nay thuộc xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) năm 1946. Vậy người cố vấn Nhật này là ai?
 

Ảnh minh họa

Một nhân chứng là ông Nguyễn Ngọc Thạnh-nguyên Chính trị viên Trung đội Quy Nhơn, Chi đội Phan Đình Phùng-Trung Trung bộ ở chiến trường Tây Gia Lai đầu năm 1946 (ông mất năm 2010 tại Lâm Đồng) đã cung cấp thông tin cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai về vị cố vấn Nhật hy sinh cùng với ông Đàm Minh Viễn, Hữu Thành, Minh Trí… trong trận phản phục kích tại Mook Đen mặt trận Tây Gia Lai, ngày 21-6-1946 mà ông là người cùng có mặt khi ấy. Đó là viên tướng Nhật (có tài liệu nói là đại tá) tên I-ka-oa (Ikawa), Tư lệnh Binh đoàn I-ku 34 của quân đội Thiên hoàng Nhật đóng từ Huế vào Đà Nẵng từ trước năm 1945, một người “Việt Nam mới”.

Còn theo tác giả Minh Tuấn trong bài: “Tướng Thiên hoàng tình nguyện làm chiến sĩ Việt Minh” dẫn lời của Đại úy Mit-su-no-bu, tên Việt là Minh Ngọc-nguyên là Tham mưu trưởng kiêm phiên dịch cho I-ka-oa, theo Việt Minh tham gia trong 9 năm kháng chiến (sau này là Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật-Việt), đã xác nhận thông tin quan trọng: Viên tướng Nhật I-ka-oa dẫn bộ tham mưu của Binh đoàn (trong đó có mình) theo Việt Minh đáp lời kêu gọi của Thiếu tướng Nguyễn Sơn, khi ấy là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Trung bộ. Từ đây, I-ka-oa trở thành người “Việt Nam mới” tham gia kháng chiến chống Pháp.

Tháng 6-1946, đoàn cán bộ do ông Đàm Minh Viễn-Đặc phái viên của Trung ương, cùng với Trung đoàn trưởng Hữu Thành, đơn vị đóng tại Gia Lai đi thị sát mặt trận Tây Gia Lai. Ông I-ka-oa được Thiếu tướng Nguyễn Sơn cử làm cố vấn tham gia cùng đoàn, nhưng bị phục kích và hy sinh ở Tây Nguyên (Mit-su-no-bu lại nhớ bị trúng mìn ở đèo Mang Yang(?)). Còn theo nhà văn Thái Vũ-người có nhiều bài viết về các “Chiến sĩ Việt Nam mới”, đã ghi lại lời kể của Đêbutsi (thư ký cho I-ka-oa); theo đó, họ đều có người yêu là nữ sinh Đồng Khánh-Huế. Người yêu của I-ka-oa tên là Hải Đường. Bà Hải Đường sau này sống ở TP. Hồ Chí Minh, nhớ lại: “Khi ông (I-ka-oa) ra đi trao cho tôi một lá cờ đỏ sao vàng, 1 kimono và 1 chiếc nhẫn, 1 cái ảnh của ông” và xác định: “ông I-ka-oa đã hy sinh tại Tây Nguyên, Pleiku năm 1946”.

Tìm lại các tư liệu lịch sử, chúng tôi nhận định: Tháng 6-1946, quân Pháp chưa chiếm được đèo Mang Yang nên đoàn của ông Đàm Minh Viễn không thể bị phục kích ở đây. Trong khi đó, tư liệu về các đồng chí Đàm Minh Viễn, Hữu Thành, Minh Trí và viên cố vấn người Nhật hy sinh là ở Mook Đen ngày 21- 6-1946 đã được Lịch sử Đảng bộ Gia Lai xác định. Vây nên, viên cố vấn Nhật đi cùng có thể xác định chính là I-ka-oa (tức Ikawa), hy sinh tại Mook Đen, mặt trận Tây Gia Lai ngày 21-6-1946. Đây có thể là câu trả lời cho các sử gia cả Việt Nam và Nhật Bản, những người đang tìm lời giải cho câu hỏi I-ka-oa hy sinh thời gian nào, ở đâu?

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm