Cô giáo đam mê "vẽ tranh" lên bánh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bằng niềm đam mê sáng tạo, cô giáo Từ Thị Thanh Thủy (Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã vẽ nên những bức tranh sinh động cả lên bề mặt lẫn bên trong mỗi chiếc bánh rau câu. Sản phẩm do cô tạo ra không khác gì một tác phẩm nghệ thuật.
Cuộc “dạo chơi” nghiêm túc
Rau câu 3D có nguồn gốc từ Nhật Bản, đất nước nổi tiếng với những món ăn được chế biến vô cùng cầu kỳ, tinh tế và độc đáo. Món ăn ngọt, mát này gần đây đã du nhập vào Việt Nam. Nguyên cớ đầu tiên đưa cô Thủy đến với “nghề tay trái” này là tình cờ thấy chị gái làm trong lần về quê cách đây hơn 1 năm. “Lúc đó, thấy những bông hoa tinh xảo màu sắc vô cùng sinh động nằm gọn trong cái bánh trông như thật được ngâm trong nước, tôi vô cùng ấn tượng. Tôi cũng muốn làm ra được một cái bánh độc đáo như vậy nên nhờ chị dạy những bước cơ bản. Sau đó, tôi vào những clip dạy làm rau câu 3D trên Youtube để học theo”-cô Thủy chia sẻ. 
Rau câu để làm bánh 3D gồm 2 loại: rau cau dẻo và rau câu giòn. Đây là loại nguyên liệu dễ kiếm, bán khá nhiều trên thị trường, song cô Thủy phải thử nghiệm nhiều loại và nhiều lần để chọn ra loại rau câu không chỉ đảm bảo an toàn, chất lượng cho người dùng mà còn phù hợp nhất để có thể tạo nên những hình ảnh đẹp. Song song với việc chọn nguyên liệu là nghiên cứu cách tạo màu. Ban đầu, không biết cách lấy màu sao cho đẹp nên cô Thủy dùng màu từ những loại trái cây như màu tím từ hoa đậu biếc, màu hồng từ quả thanh long, màu đỏ từ củ dền, màu xanh lá từ lá dứa… Tuy nhiên, các màu sắc cơ bản cho ra từ những loại rau củ này không đáp ứng được yêu cầu về độ tinh tế và đa dạng cần có của từng chi tiết hình ảnh đưa vào “tranh”. Vậy là cô Thủy lại mày mò nghiên cứu cách pha màu sao cho đảm bảo được các yếu tố: đẹp và không phá vị. 
Cô giáo Từ Thị Thanh Thủy đang làm bánh rau câu 3D. Ảnh: Khang Nghi
Cô giáo Từ Thị Thanh Thủy đang làm bánh rau câu 3D. Ảnh: Khang Nghi
Thực sự, “trò chơi” màu sắc này hoàn toàn không làm khó một giáo viên nhạc họa. Sau vài lần thử nghiệm, cô đã có được màu xanh dương từ việc pha trộn giữa màu hoa đậu biếc, hạt dành dành và lá dứa; màu xanh lá được lấy từ bột matcha, lá dứa, lá rau ngót; màu đỏ, cam, vàng được chiết xuất từ quả gấc, củ nghệ, củ dền, hạt điều, quả dành dành; màu nâu được chiết xuất từ cà phê, ca cao hoặc đường tinh luyện; màu trắng được làm từ sữa, sữa chua, nước cốt dừa…; nhiều màu khác cũng có được từ sự pha trộn các nguyên liệu với những liều lượng thích hợp. 
Nghiên cứu màu xong, cô lại tiếp tục tìm cách đưa màu vào bánh sao cho đúng hình ảnh mong muốn, màu không bị tràn ra ngoài, không bị loang. Cô Thủy cho hay, thông thường, màu bị chảy tràn ra ngoài là do hỗn hợp làm hoa quá loãng, lỡ rơi vào trường hợp này, cách “chữa cháy” là cho thêm chút nước rau câu hoặc sữa đặc, bột cốt dừa vào hỗn hợp màu. Khi hỗn hợp làm hoa quá nguội khi bơm hoặc bơm không đầy màu vào trong cánh sẽ khiến cánh hoa bị rỗ. Thông thường, màu dùng từ rau, củ, quả thường hay bị biến đổi màu sắc do tác động của nhiệt, nhất là màu từ thanh long, củ dền, nên để tránh sự biến đổi này phải bơm hoa nhanh hơn và tránh đun màu quá nóng, quá lâu… 
Đó là những kinh nghiệm quý mà phải trải qua một khóa học thực sự bài bản và trải nghiệm nhiều lần, bạn mới đúc rút ra được. Với cô Thủy, đây không chỉ là sở thích làm bánh mà đã trở thành đam mê, một cuộc “dạo chơi” đầy tính nghệ thuật và nghiêm túc.
Đảm bảo tiêu chí “kép”
Làm bánh rau câu thì dễ, nhưng làm bánh rau câu 3D đòi hỏi phải có trí tưởng tượng phong phú như vẽ một tác phẩm nghệ thuật, nhưng là vẽ ngược. Cô Thủy kể: “Tôi nhớ lần đầu tiên được đặt làm chiếc bánh có hình ông già Noel, vì chưa có kinh nghiệm nên ông già Noel hơi... xấu. Nhìn ánh mắt có chút thất vọng của cậu khách nhỏ khi ấy, tôi tự nhủ mình phải cố gắng, phải rèn luyện nhiều hơn nữa”. 
Và cái sự tự nhủ khi ấy đã làm nên thương hiệu bánh-cô-Thủy bây giờ. Chị Trần Minh Thư-một khách thường xuyên của cô Thủy-cho biết: “Người làm bánh thì nhiều nhưng làm bánh đạt tiêu chí “kép” vừa ngon vừa đẹp, bánh vừa hợp khẩu vị lại vừa được ngắm tranh trên bánh thì không nhiều. Tôi nhiều lần đặt bánh chỗ cô Thủy vì các con của tôi rất thích vị bánh thanh ngọt, hơn nữa, những loại hoa hoặc tranh cô đưa vào bánh rất phong phú, lạ mắt và rất sinh động, có hồn”.
Sở dĩ bánh-cô-Thủy “có hồn” chính là vì cô không dùng loại kim làm bánh theo khuôn có sẵn, mà dùng kim tiêm y tế. “Với các loại kim có sẵn bán trên thị trường, việc làm cánh hoa rất dễ, nhưng những “cái khuôn” này sẽ cho ra những bông hoa khô cứng, trong khi đó, với cây kim tiêm y tế được uốn cong thích hợp, những bông hoa làm ra mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, không bị gò bó trong tạo hình, nhất là những hình ảnh đòi hỏi sự tỉ mỉ như hoa bồ công anh, hình cô gái, hình em bé, hình thú cưng...”-cô Thủy lý giải. 
 
 
 
 
Một số tác phẩm của cô giáo Từ Thị Thanh Thủy. Ảnh: Khang Nghi
Một số tác phẩm của cô giáo Từ Thị Thanh Thủy. Ảnh: Khang Nghi
Không chỉ chăm chút cho vẻ bề ngoài của chiếc bánh mà với sự tinh tế của người phụ nữ, màu sắc cô dùng với bánh dành cho người lớn có những khác biệt nhất định so với bánh làm cho trẻ em. Nếu dùng bột matcha tạo màu sẽ đẹp nhưng vị lại đắng, mà trẻ em thường không ăn được đắng, nên cô dùng màu từ lá dứa với liều lượng hợp lý để thay thế. Cà phê cũng cho màu rất đẹp, nhưng cà phê lại không phù hợp với trẻ em. Với cô, làm bánh cho trẻ em, ngoài việc ngon, đẹp thì cần phải đảm bảo an toàn sức khỏe. 
Cuộc “dạo chơi” đầy nghiêm túc của cô Thủy đối với bánh rau câu 3D đã tạo nên thương hiệu bánh-cô-Thủy được ưa chuộng đến tận Pleiku, An Khê, Chư Sê... Cô tâm sự: “Hiện nay, nhiều khách thích bánh 4D, tức là bánh có hoa văn nổi. Làm bánh 4D quan trọng nhất phải biết bố cục, phối màu. Nhưng tôi vẫn thích làm rau câu 3D, vì khi làm bánh cũng giống như ta đang tự vẽ một bức tranh cho mình, nó giúp đánh thức trí tưởng tượng. Làm bánh cũng giúp tăng cường sự tập trung cũng như luyện kỹ năng cho đôi tay khéo léo. Với tôi, làm bánh bây giờ không chỉ giúp tăng thu nhập mà quan trọng hơn, nó giúp tôi có niềm vui, đồng thời đem đến sự thích thú cho những khách hàng của mình. Tôi tin những ai đã từng làm món bánh này chắc chắn sẽ không ngừng đam mê và sáng tạo”. 
KHANG NGHI

Có thể bạn quan tâm