Chào xuân mới 2022

Dấu ấn Việt trên cao nguyên Boloven

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Attapeu-một trong những tỉnh thuộc cao nguyên Boloven nằm ở phía Đông Nam của Lào được đánh giá là giàu tiềm năng về đất đai, khoáng sản, thủy điện, lại có mối quan hệ gắn bó đặc biệt, thủy chung với Gia Lai. Nơi đây đã, đang và sẽ là miền đất lành cho những cánh chim bằng sải cánh, biến ước mơ, hoài bão thành các chương trình, dự án hợp tác đầy ấn tượng, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân bản địa, phát triển vững mạnh doanh nghiệp, vun đắp tình hữu nghị sắt son Việt-Lào.

Chị Nhamkhai Xixamon-Phó Giám đốc Sở Tài chính Attapeu nhớ như in những kỷ niệm của hơn 30 năm trước khi cùng bạn bè được cử sang Gia Lai học tiếng Việt, rồi học lên đại học. Chị cho biết: “Hồi đó còn nghèo, nhưng tỉnh Gia Lai-Kon Tum vẫn dành những gì tốt nhất cho lưu học sinh Lào chúng tôi. Giờ trưởng thành, chúng tôi không bao giờ quên công ơn của thầy cô, không bao giờ quên những người bạn ở Gia Lai”.

Sắt son tình nghĩa Việt-Lào

Chị Nhamkhai chỉ là một trong số rất nhiều lưu học sinh Lào được sang Gia Lai học tập theo diện học bổng địa phương. Quan hệ hợp tác giữa 2 tỉnh Gia Lai và Attapeu đã có từ những năm 80 của thế kỷ trước khi nhiều đoàn chuyên gia của Gia Lai sang giúp Attapeu thực hiện các dự án hỗ trợ về giáo dục, y tế, nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cụm bản… để cải thiện cuộc sống người dân địa phương. Nhiều lưu học sinh, sinh viên của Attapeu sang Gia Lai học tiếng Việt, rồi học lên cao đẳng, đại học, trở về phục vụ quê hương.

Attapeu giàu tài nguyên đất đai, khoáng sản, lâm nghiệp, có đồng bằng hơn 71.000 ha, nhưng dân số chưa tới 14 vạn, 80% lại sống ở nông thôn, miền núi với mật độ thưa thớt chừng 20-25 người/km2 nên việc biến những cánh rừng thưa mênh mông kia thành trang trại sản xuất quả là rất khó. Cho nên kêu gọi đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp là giải pháp được ưu tiên hàng đầu của Attapeu. Mà Hoàng Anh Gia Lai là cái tên tỉnh này nghĩ đến đầu tiên.

Trang trại chuối của Công ty nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu. Ảnh: Nguyễn Vân Thiêng


Từ Tây Nguyên nắng gió, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức đã vươn sang Lào, chinh phục vùng đất đầy tiềm năng của cao nguyên Boloven bằng thế mạnh của nguồn vốn, nhân lực và kỹ thuật canh tác hiện đại. Sau khi thoái vốn khỏi các dự án thủy điện, mía đường và khoáng sản, ông Đức đang tập trung nguồn lực cho lĩnh vực nông nghiệp với tổng diện tích hơn 80.000 ha. Hiện cao su đã đi vào khai thác; một số diện tích cọ dầu, cao su kém hiệu quả được chuyển sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là chuối, chanh dây, thanh long, mít, bưởi, cam… với hơn 20.000 ha. Trái cây của Công ty nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu đã xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... với khoảng 20 container mỗi ngày, mang lại cho tập đoàn cả tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Không chỉ chú trọng lợi ích kinh tế, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai còn làm tốt các hoạt động xã hội. Đó là các dự án đầu tư về hạ tầng giao thông đô thị, xây dựng làng bản, nhà ở, trường học, bệnh viện, điện và nhiều dự án lớn như: Làng vận động viên ở Vientiane, Sân bay Attapeu, Sân bay Noongkhan ở tỉnh Houaphanh… Nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Choummaly Xaynhaxone nhiều lần khẳng định: “Những dấu ấn mà Attapeu có được hôm nay có sự đóng góp đáng kể của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai”. Nhưng nói như ông Soulichanh Phonekeo-Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Attapeu thì: “Cái được lớn nhất mà các nhà đầu tư Việt Nam mang lại cho Attapeu không chỉ là số tiền nộp ngân sách, tạo được bao nhiêu việc làm cho dân mà quan trọng hơn là đã làm thay đổi mạnh mẽ tư duy của người Lào về vấn đề tổ chức sản xuất, lao động, khai thác tài nguyên một cách hiệu quả nhất”.

 Dấu ấn Việt trên đất Lào còn được dệt nên bởi những người lính làm kinh tế của Binh đoàn 15. Từ năm 2018 đến nay, Binh đoàn kết nghĩa với Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển chính trị cơ sở 3 trọng điểm ở tỉnh Xaysomboun, giúp xây dựng các dự án hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn người dân Lào làm lúa nước và các loại cây nông sản có giá trị cao, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân gặp thiên tai bão lũ; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn người, giúp chính quyền các tỉnh của Lào xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, xây dựng đường biên giới Việt-Lào hữu nghị, hòa bình.

Trung tướng Vongkham Phommakone-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển chính trị cơ sở 3 trọng điểm tỉnh Xaysomboun-cho rằng: “Thành công bước đầu tại 3 trọng điểm tỉnh Xaysomboun có được một phần nhờ vận dụng kinh nghiệm, cách làm và sự hỗ trợ của Binh đoàn 15. Kết quả này là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, hợp tác toàn diện giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước và Quân đội, Nhân dân 2 nước Việt-Lào”.

Ghi nhận những đóng góp của Công ty trong việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương, Bí thư, Tỉnh trưởng Attapeu-ông Letxay Yaphone-cho rằng: “Hàng trăm héc ta cao su trưởng thành, cho khai thác là tài sản quý giá giúp người dân địa phương có thêm việc làm, thu nhập ổn định. An ninh chính trị được giữ vững, bản làng bình yên là cơ sở để đầu tư phát triển kinh tế. Hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ sáng mãi trong lòng nhân dân các dân tộc Lào, góp phần vun đắp mối quan hệ truyền thống Việt-Lào ngày càng bền chặt”.

Rừng xanh núi thẳm Boloven mời gọi       

Những vết đứt gãy từ hàng triệu năm của vỏ trái đất đã tạo cho Attapeu nhiều ngọn thác kỳ vĩ. Đó là thác Sepha trên dòng sông Vangngao, một nhánh của dòng sông Xepian trong Khu Bảo tồn quốc gia Dong Huasao tại huyện Sanamxay (nơi từng xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xenamnoy hồi tháng 7-2018). Thác rộng 120 m, cao 23 m. Những ngày nắng đẹp, dòng thác như nghiêng trời đổ nước từ trên cao xuống tận thung sâu, tung bọt trắng xóa cả một vùng mây núi mênh mông.   

Xuôi dòng Xepian khoảng 8 km về hạ lưu, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thác Seponglay và cũng không khó để có được những tấm ảnh kỷ niệm ấn tượng khi cầu vồng xuất hiện nhờ những tia nắng cuối ngày xuyên qua dòng thác. Attapeu còn nhiều lắm những thác nước đẹp như Samongphak nằm giữa sông Samong và sông Xepaine, thác Phok và thác Phaphong trên sông Sesou...

Du khách cũng có thể ghé thăm thác Tad Feak, nằm ngay vùng giáp ranh giữa tỉnh Attapeu với tỉnh Sekong của Lào. Đây cũng là con thác khá nổi tiếng ở Nam Lào khi dòng nước tung bọt trắng xóa vào không trung, khiến nhiều du khách đến đây không khỏi ngỡ ngàng.

Đi du lịch Attapeu, du khách chắc chắn sẽ thích thú với hành trình khám phá 2 khu bảo tồn quốc gia, đặc biệt là Khu Bảo tồn đa dạng sinh học Dong Ampham, giáp với tỉnh Sekong về phía Bắc. Đây là một trong những vùng đất trũng và rừng nhiệt đới còn sót lại của khu vực Đông Nam Á với nhiều loài động-thực vật quý hiếm sinh sống trong điều kiện đặc biệt như hổ, báo gấm, đại bàng, kền kền đầu đỏ, kền kền đuôi trắng...

Thác Sepha. Ảnh: Nguyễn Vân Thiêng


Ngược dòng Sekaman trong Khu Bảo tồn Dong Ampham, du khách sẽ gặp hồ địa chất Nỏng Phạ (hồ nước Trời), còn được gọi là hồ Thiên đường. Hồ hình thành từ miệng núi lửa cách đây hàng triệu năm. Giữa bạt ngàn núi rừng, mặt hồ trong xanh không một gợn sóng trông như chiếc gương khổng lồ mà các tiên nữ mê mải vui chơi để quên lại chốn trần gian. Nằm sâu trong rừng, chưa bị tác động nhiều bởi con người, hồ Nỏng Phạ là điểm tham quan khá hấp dẫn với những ai thích khám phá thiên nhiên. Không chỉ có núi rừng, suối sông, thác nước, Attapeu còn có những ngôi chùa rất đẹp và linh thiêng. Mảnh đất này từng ghi dấu chiến công cùng sự hy sinh oanh liệt của Vua Setthathirat, vị vua anh hùng của Lào, người đã quyết định dời kinh đô từ Luang Prabang về Vientiane, có công chấn hưng đạo Phật, xây dựng Wat Xiengthong và trùng tu Thạt Luổng vào thế kỷ XVI. Người Lào đã dựng tượng ông trước Thạt Luổng để ghi ơn vị vua anh minh này.     

Từ Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên, du khách có thể đi bằng đường bộ qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y của Kon Tum để được khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ của Attapeu, quá bước tham quan Champasak-một vùng đất trù phú trên cao nguyên Boloven của Lào, giáp với Thái Lan và Campuchia-nơi có di sản văn hóa thế giới đền Wat Phou và thắng cảnh nổi tiếng Xiphandone (4 ngàn đảo), nối tuyến qua Cửa khẩu Vang-tao, tham quan tỉnh Ubon Ratchathani và vùng Đông Bắc Thái Lan… để có một hành trình trải nghiệm thú vị xuyên 3 nước. Mảnh đất đầy tiềm năng này đang gọi mời các nhà đầu tư du lịch xanh của Việt Nam khai phá.

 

NGUYỄN VÂN THIÊNG

Có thể bạn quan tâm