Dư địa chí

Đi tìm tác giả một bài thơ kháng chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê hiện đang lưu giữ một bài thơ viết về người Bí thư chi bộ đầu tiên của An Khê: Liệt sĩ Đỗ Trạc, hy sinh ngày 7-3-1947. Trước đó, ông bị thực dân Pháp bắt, tra tấn 7 ngày 7 đêm. Không khuất phục được ông, chúng đã hèn hạ xử bắn ông tại sân vận động An Khê rồi chặt thành 3 khúc. Cảm động trước khí tiết của ông, một tác giả có tên Huỳnh Trung Tín đã có bài thơ “Đầu sóng hiên ngang”:
 

Ảnh minh họa

“Biết được anh qua chứng nhân lịch sử/Qua chân dung vàng úa nét thời gian/Đỗ Trạc-anh sống giữa đời thường/Tấm áo sờn vai, năm tháng rau khoai lớn lên cùng hương đồng gió nội/Như dân lành, giàu nhân nghĩa đất Cửu An/Đau đáu quê hương tăm tối lầm than/Tuổi thanh xuân anh đi tìm cách mạng/Huế, Bình Định, Phú Yên, ngược xuôi đất Quảng/Như cánh chim không mỏi cuối trời mây/Da diết An Khê, anh bám trụ đất này/Nhóm ngọn lửa thiêng, thổi bùng lên phong trào cách mạng/Mùa đông một chín bốn lăm An Khê có Đảng/Chi bộ đầu tiên anh chèo lái con thuyền/Những tháng ngày sóng gió nghiêng nghiêng/Bao xuân rồi không một phút bình yên/Sôi sục lòng dân trút oán căm vào Việt gian và quân cướp nước/Như con thoi, anh xuôi ngược vận động nhân dân diệt ác trừ gian-vận thế hội tề.../Rong những nhiêu khê lòng dân hội tụ/Thăng trầm lịch sử/Một ngày tháng Giêng đất bằng nổi lên sóng dữ/Giặc vây bắt anh người Bí thư chi bộ đầu tiên/Nhục kế, đòn roi không khuất phục người cộng sản trung kiên/Chúng hành quyết, khép đời anh giữa nỗi tái tê của lòng dân xứ sở/Anh ra đi!/Ngọn lửa anh nhen càng thêm rực đỏ/Lớp lớp nhân lên thành biển lửa/Thiêu rụi ngục tù giành lấy tự do/Như một dấu son đi vào trang sử/An Khê tự hào về anh, một thời quá khứ/Giữa bão giông đầu sóng hiên ngang/Đất nước sang trang! Bắc Nam một dải lồng lộng trời xanh/An Khê quê anh xanh, xanh màu ước vọng/ Anh yên nghỉ cùng nụ cười tất thắng/Anh sống giữa lòng dân đượm “Gừng cay muối mặn”/Như khúc nhạc trần ngân mãi đất quê hương”.

Tuy nhiên, câu hỏi tác giả bài thơ hiện ở đâu thì đến giờ vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo. Chúng tôi đã từng đi tìm gặp những người đương thời với đồng chí Đỗ Trạc, trong đó có cụ Nguyễn Khoa-cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Chính trị viên Đội vũ trang tuyên truyền thuộc Chi đội Tây Sơn năm 1947. Sinh thời, cụ Nguyễn Khoa cho biết bài thơ viết về liệt sĩ Đỗ Trạc đã được cụ lưu giữ từ năm 1947, đến khi tìm được mộ liệt sĩ Đỗ Trạc thì cụ đã bàn giao lại cho Huyện ủy An Khê (nay là Thị ủy An Khê).

Còn về tác giả có tên Huỳnh Trung Tín, theo sự giới thiệu của cụ Nguyễn Khoa, chúng tôi cũng đã lần đến tận nhà riêng của một người có tên là Huỳnh Trung Tín ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, đã nghỉ hưu. Ông Tín nguyên là Bí thư xã Vĩnh Thạnh (Bình Định) năm 1947, người đã dẫn đoàn cán bộ của Tỉnh ủy Gia Lai từ Vĩnh Thạnh xuyên rừng lên chiến khu Xóm Ké (An Khê), đồng thời có mặt khi giặc Pháp hành hình đồng chí Đỗ Trạc. Nhưng rất tiếc, cụ Tín đã mất nên không biết cụ có phải là tác giả bài thơ hay không.

Vậy nên việc xác định tác giả bài thơ “Đầu sóng hiên ngang” vẫn rất cần được làm sáng rõ.

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm