Giáo dục Gia Lai “cất cánh” cùng đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Xác định đổi mới, sáng tạo là tiền đề để “cất cánh”, những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai luôn chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển bền vững.

Riêng năm 2023, ngành đã tạo được những dấu ấn nhất định khi hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu được giao, góp phần cùng với tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra.

“Trái ngọt trên đất cằn”

Gia Lai là một tỉnh nghèo, vì vậy, ngành Giáo dục tỉnh cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Ngoài thiếu biên chế giáo viên, cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học chưa đồng bộ thì việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 còn khá nhiều bất cập, đặc biệt ở những điểm trường lẻ, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước thực tế đó, năm 2023, ngành Giáo dục tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm tiếp tục phát triển toàn diện, tạo bước đột phá về nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Theo đó, ở lĩnh vực giáo dục mũi nhọn, năm học 2022-2023, tỉnh đạt 23 giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT (1 giải nhất, 4 giải nhì, 11 giải ba, 7 giải khuyến khích); có 332 học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh (12 giải nhất, 45 giải nhì, 92 giải ba và 183 giải khuyến khích); có 1 trong 2 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học đạt giải nhì; 1 dự án tham gia và đạt giải nhì tại cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp và Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V-2023.

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 153 học sinh giỏi THPT cấp tỉnh bảng A (9 giải nhất, 23 giải nhì, 44 giải ba và 77 giải khuyến khích); 416 học sinh giỏi THPT cấp tỉnh bảng B (17 giải nhất, 63 giải nhì, 129 giải ba và 207 giải khuyến khích) và có 90 học sinh xuất sắc tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT.

Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024, tỉnh Gia Lai có 90 học sinh dự thi. Ảnh: Mộc Trà

Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024, tỉnh Gia Lai có 90 học sinh dự thi. Ảnh: Mộc Trà

Giáo dục đại trà cũng có nhiều khởi sắc với tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT đạt 97,79%; toàn tỉnh có 14 trường THPT có 100% học sinh lớp 12 đậu tốt nghiệp. Ngành cũng hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu do UBND tỉnh giao trong năm 2023.

Cụ thể: tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 93,25% (vượt 0,25% kế hoạch); tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường bậc tiểu học đạt 99,9% (bằng 100% kế hoạch), bậc THCS đạt 96,5% (vượt 1,8%), bậc THPT đạt 58,7% (vượt 0,6%); tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 63,4% (bằng 100% kế hoạch).

Ngoài ra, tham gia Giải Thể thao học sinh phổ thông toàn quốc năm 2023, đoàn vận động viên của tỉnh đã mang về 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 8 huy chương đồng ở các môn bơi, điền kinh và cầu lông. Ngành cũng vừa tổ chức thành công Hội thao giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT toàn tỉnh lần thứ II (năm học 2023-2024); Hội khỏe Phù Đổng lần thứ XI…

Đồng lòng đổi mới, sáng tạo

Có thể nói, những kết quả trên là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo của toàn ngành. Trong đó, giáo dục mầm non đã thực hiện đổi mới đồng bộ về quan điểm, nội dung và phương pháp giáo dục; áp dụng đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục mầm non vào thực tiễn có hiệu quả, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục ở từng địa bàn.

Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) cho trẻ trải nghiệm "Chúng em với an toàn giao thông". Ảnh: Mộc Trà

Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) cho trẻ trải nghiệm "Chúng em với an toàn giao thông". Ảnh: Mộc Trà

Tương tự, giáo dục tiểu học đã triển khai, thực hiện đồng bộ Chương trình GDPT 2018 cho học sinh các lớp 1, 2, 3 và 4. Riêng lớp 5, mặc dù đang thực hiện theo Chương trình GDPT 2006 nhưng cũng đã bước đầu tiếp cận theo chương trình mới. Các cơ sở giáo dục đều thay đổi căn bản cách tiếp cận “theo nội dung” sang “phát triển năng lực và phẩm chất”, dạy học “tích hợp”, dạy phân hóa…

Giáo dục trung học tiếp tục triển khai, thực hiện đồng bộ Chương trình GDPT 2018 cho học sinh các lớp 6, 7, 8, 10 và 11. Kết quả, học sinh hình thành, phát triển tốt phẩm chất, năng lực bản thân; tiếp cận kiến thức một cách chủ động; sáng tạo, hứng thú hơn trong học tập và mạnh dạn, tự tin trong các hoạt động.

Nhiều đơn vị trường học đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Ảnh: Mộc Trà

Nhiều đơn vị trường học đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Ảnh: Mộc Trà

Không nằm ngoài mục tiêu chung, giáo dục dân tộc cũng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Bên cạnh tích hợp, lồng ghép, tinh giản nội dung dạy học trong chương trình GDPT hiện hành, các cơ sở giáo dục còn đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 phù hợp với đối tượng học sinh người dân tộc thiểu số.

Không ít mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả như: sử dụng phần mềm Kidsmart cho trẻ vui chơi, học tập; dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”, theo mô hình trường học mới (VNEN) hay dạy mỹ thuật theo phương pháp mới của Đan Mạch…

Mặt khác, các trường còn đổi mới tổ chức dạy học theo hướng đa dạng hình thức học tập, chú trọng các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học.

Năm mới Giáp Thìn “gõ cửa” từng nhà cũng là thời điểm toàn ngành Giáo dục tỉnh triển khai các nhiệm vụ của học kỳ II năm học 2023-2024 với quyết tâm chính trị cao; phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu liên quan theo Quyết định số 762/QĐ-UBND ngày 16-12-2023 của UBND tỉnh.

Đó là: tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 94%; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường bậc tiểu học đạt 99,9%, bậc THCS đạt 96,8% và bậc THPT là 59%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 68,03%.

Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương nghiên cứu khoa học kỹ thuật tại phòng thí nghiệm của trường. Ảnh: Đ.T

Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương nghiên cứu khoa học kỹ thuật tại phòng thí nghiệm của trường. Ảnh: Đ.T

Một số giải pháp đặt ra là tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh tự chủ, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên.

Song song với đó, chú trọng nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; thu hút và ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và bảo đảm thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình GDPT 2018; đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ đổi mới giáo dục.

Ngoài ra, ngành cũng sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Là năm học thứ tư triển khai Chương trình GDPT 2018 cùng với cả nước theo lộ trình, ngành Giáo dục tỉnh kỳ vọng sẽ tạo nên bước phát triển đột phá, đổi mới căn bản và toàn diện GDPT trên địa bàn; vững tin “cất cánh” cùng sự phát triển của địa phương, đất nước.

Có thể bạn quan tâm