Tỉnh đã từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển KH-CN và ĐMST, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KH-CN.
Năm qua, ngành KH-CN tỉnh nhà đã chủ động, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo chuyển biến tích cực. Ngành tiếp tục phối hợp quản lý 2 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia thuộc chương trình quỹ gen, 1 nhiệm vụ cấp thiết địa phương cấp quốc gia, 1 nhiệm vụ thuộc chương trình sở hữu trí tuệ, 10 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi, theo dõi và quản lý 24 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh, nghiệm thu 12 nhiệm vụ...
Cùng với đó, các dự án đầu tư đều có ý kiến về công nghệ, việc thẩm định công nghệ cho các dự án đầu tư được thực hiện đúng theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đón nhận văn bằng bảo hộ cho sản phẩm “Mật ong hoa cà phê Gia Lai” và “Thuốc lá lá Krông Pa-Gia Lai”. Ảnh: T.D |
Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh cũng được đẩy mạnh thông qua các cuộc thi khởi nghiệp ĐMST nhằm khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của những ý tưởng khởi nghiệp mang tính ĐMST.
Cùng với đó, Sở KH-CN cũng đã triển khai hồ sơ, thủ tục xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025.
Đặc biệt, tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn công tác tham dự diễn đàn “Kết nối công nghệ, khởi nghiệp và ĐMST Việt Nam-Lào năm 2023” nhằm đẩy mạnh hợp tác liên kết ứng dụng, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp và ĐMST; tổ chức chuỗi sự kiện khởi nghiệp, ĐMST tỉnh Gia Lai 2023...
Công tác sở hữu trí tuệ được chú trọng triển khai thực hiện thường xuyên với việc hướng dẫn hơn 400 tổ chức, cá nhân về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; tổ chức lễ công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong hoa cà phê Gia Lai” và “Thuốc lá lá Krông Pa-Gia Lai”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 600 nhãn hiệu thông thường, 11 nhãn hiệu chứng nhận, 3 chỉ dẫn địa lý, 6 sáng chế/giải pháp hữu ích, 20 kiểu dáng công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức khóa đào tạo thực tiễn Chiến lược xây dựng thương hiệu và tiếp thị cho các nhà sản xuất cà phê mang chỉ dẫn địa lý “Gia Lai”.
Cùng với đó, hoạt động dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp KH-CN công lập được đẩy mạnh với các nhiệm vụ như: Thực hiện đánh giá lần đầu chứng nhận VietGAP và đánh giá giám sát lần 1 với tổng diện tích 212,5 ha; đánh giá chứng nhận hữu cơ và đánh giá giám sát cho 4 đơn vị; nhân giống và nuôi trồng phục vụ sản xuất kinh doanh với hơn 13.000 phôi nấm đông trùng hạ thảo, 400 chồi các loại lan rừng… Kiểm định, hiệu chuẩn hơn 11.000 phương tiện đo với 21 chủng loại; phân tích thử nghiệm 1.600 mẫu thực phẩm, phân bón, môi trường với hơn 10.900 chỉ tiêu.
Hoạt động KH-CN và ĐMST đã tạo nền tảng tốt, khơi dậy tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong mọi tầng lớp nhân dân. Ảnh: Trần Dung |
Để đạt được những kết quả khả quan đó, phải kể đến hiệu quả của công tác tuyên truyền về KH-CN và ĐMST được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, Sở cũng đã triển khai nhiệm vụ xây dựng Hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh nhằm sẵn sàng cho việc kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia; hoạt động dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp KH-CN công lập trực thuộc và thuộc Sở được đẩy mạnh.
Nhằm đưa KH-CN và ĐMST vào thực hiện sát với tình hình thực tế của tỉnh, thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai các nhiệm vụ KH-CN tạo ra các sản phẩm nghiên cứu KH-CN có tính ứng dụng cao. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu triển khai các nhiệm vụ KH-CN phục vụ phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Cùng với đó, triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”; tập trung phát triển, khai thác hiệu quả các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ; các đơn vị sự nghiệp KH-CN của Sở đẩy mạnh hoạt động, mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực KH-CN.
Có thể nói, hoạt động KH-CN và ĐMST đã tạo nền tảng tốt, khơi dậy tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học; góp phần nâng cao nhận thức về khởi nghiệp ĐMST trong các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Để KH-CN và ĐMST thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh, bên cạnh sự nỗ lực lớn của đội ngũ cán bộ, công chức ngành KH-CN thì rất cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp sẻ chia của các cấp, các ngành, sự ủng hộ, chung tay của toàn xã hội, từ đó tạo ra nhiều thành quả thiết thực, mang lại lợi ích cho tỉnh.