Lễ cúng tạ ơn Thần Rừng đầu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Khi mai rừng đua nở cũng là lúc người Jrai tổ chức lễ cúng tạ ơn Thần Rừng đã che chở, bảo vệ dân làng. Vui xuân nhưng mọi người vẫn luôn nhắc nhở mình không được quên việc phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ rừng.
Rừng là vàng
Những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ vậy, toàn tỉnh hiện có hơn 723.255 ha đất lâm nghiệp, chiếm 46,62% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh, trong đó có trên 82.208 ha đất rừng đặc dụng, trên 150.374 ha rừng phòng hộ và trên 490.673 ha rừng sản xuất. Đặc biệt, Gia Lai có Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng với tổng diện tích hơn 413.511 ha vừa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Sau khi được công nhận, Gia Lai đã cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của UNESCO về quản lý, phát triển bền vững đa dạng sinh học với việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa các dân tộc.
Nghi lễ cúng Thần Rừng được tổ chức vào mùa xuân hàng năm. Ảnh: Hoàng Ngọc
Nghi lễ cúng Thần Rừng được tổ chức vào mùa xuân hàng năm. Ảnh: Hoàng Ngọc
Cúng rừng là nghi lễ đặc biệt thể hiện tinh thần đoàn kết và lời thề giữ rừng giữa cộng đồng người Jrai với lực lượng chức năng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Cúng rừng là nghi lễ đặc biệt thể hiện tinh thần đoàn kết và lời thề giữ rừng giữa cộng đồng người Jrai với lực lượng chức năng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Từ năm 2016 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã chi hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ người dân trồng được hơn 33.000 ha rừng, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng lên 46,7% (tính cả cây cao su và các loại cây khác). Đây là kết quả của việc huy động các nguồn lực thực hiện Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ và việc quyết tâm trồng mới 8.000 ha rừng mỗi năm theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. “Phát huy những kết quả đã đạt được, các đơn vị chức năng của tỉnh tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật để bảo vệ và phát triển rừng, không ngừng nâng cao tỷ lệ độ che phủ của rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững”-ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết.
Vui xuân mới không quên bảo vệ rừng
Với bà con các làng đồng bào Jrai ở xã Ia Kênh (TP. Pleiku) và xã Ia Pếch (huyện Ia Grai), bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ, là nét đẹp văn hóa truyền thống được thể hiện trong cuộc sống cộng đồng và các nghi lễ cúng tạ ơn Thần Rừng, được ghi rõ trong quy ước, hương ước của mỗi làng.
Với triết lý đa thần nhân văn sâu sắc của dân cư nông nghiệp sống dựa vào rừng, người Jrai thường chuẩn bị lễ vật cúng tạ ơn Thần Rừng vào cuối tháng 1 hoặc tháng 2 hàng năm. Đây là thời điểm cây rừng chuẩn bị đâm chồi nảy lộc, hoa mai nở rộ, nước giọt trong khe suối chảy ra trong vắt. Lễ vật cúng thường là con heo quay, gà nướng, ghè rượu cần, hoa quả, chiếc nỏ, bó tên… Già làng Siu Dơih (làng O Gang, xã Ia Pếch) bộc bạch: “Mình được bà con bầu chọn làm chủ lễ cúng tạ ơn Thần Rừng hơn 10 năm nay. Năm nào cũng cúng tạ ơn Thần Rừng đã chở che cho dân làng. Bà con hứa sẽ bảo vệ rừng, nguồn nước, con ong, con thú”.
Chuẩn bị các món ăn để thực hiện nghi lễ cúng Thần Rừng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chuẩn bị các món ăn để thực hiện nghi lễ cúng Thần Rừng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ẩm thực trong nghi lễ cúng thần rừng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ẩm thực trong nghi lễ cúng Thần Rừng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Theo hướng dẫn của những người có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi đi bộ lên đỉnh núi Chư Kraih. Trên đường đi, anh Hà Văn Luân-công chức Địa chính-Xây dựng xã Ia Pếch-thông tin: “Qua rà soát vào tháng 3-2021 thì xã Ia Pếch còn hơn 582 ha rừng và hơn 755 ha đất chưa có rừng. Diện tích này phần lớn nằm ở núi Chư Kraih.” Lên đến đỉnh núi Chư Kraih, sau khi nghỉ ngơi để tận hưởng không khí trong lành, chúng tôi luân phiên nhau trèo lên cây to, cao dùng ống nhòm nhìn về hướng xã Gào (TP. Pleiku), Bình Giáo (Chư Prông), Ia Din (Đức Cơ)… Nhìn về hướng nào, chúng tôi đều mãn nhãn với màu xanh của núi rừng, sự thanh bình và trù phú của buôn làng.
Dù chủ rừng và người nhận khoán bảo vệ rừng thông ba lá ở xã Ia Kênh (TP. Pleiku) đã chủ động phát dọn, đốt thực bì, tăng cường lực lượng bảo vệ, nhưng các cánh rừng thông này vẫn rất dễ cháy. Theo lời già làng Puih Buih (làng Thong Yó, xã Ia Kênh): “Năm nào cũng vậy, vui xuân mới, bà con các làng trong xã cũng lo cúng rừng, bảo vệ rừng. Dân làng nhận khoán rừng không cho du khách đi vào rừng thông nấu nướng”. Ông Nguyễn Tất Thành-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (TP. Pleiku) cho biết: Ban có 13 người nhưng quản lý, bảo vệ hơn 9.100 ha rừng phòng hộ ở 18 xã, phường thuộc TP. Pleiku và các huyện Chư Păh, Ia Grai. Dịp Tết có rất nhiều người đi vào rừng thông ở xã Ia Kênh và xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) vui chơi nên đơn vị phải huy động mọi nguồn lực để trực gác, sẵn sàng ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng.
HOÀNG MINH

Có thể bạn quan tâm