Mùa xuân kể chuyện sinh vật cảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hội Sinh vật cảnh thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 120 hội viên, biên chế thành 6 chi hội. Trong đó, thị xã An Khê có 4 chi hội, số chi hội còn lại ở huyện Đak Pơ và Kbang.
Cây bonsai mini hội tụ các yếu tố cổ-kỳ-mỹ. Ảnh: A.P

Cây bonsai mini hội tụ các yếu tố cổ-kỳ-mỹ. Ảnh: A.P

Những năm qua, các hội viên không ngừng sưu tầm, phát triển cây bonsai, cây cảnh độc đáo. Đến nay, Hội có 6 nhà vườn được Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận Nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu.

"Nghề chơi" cũng lắm công phu

Vườn cây cảnh của ông Phạm Thái Thuận (thôn An Thuận, xã Cư An, huyện Đak Pơ) nằm sâu trong con ngõ nhỏ. Khu vườn có hơn 1.000 cây cảnh. Mỗi cây được ông Thuận cắt tỉa công phu phô dáng thế bắt mắt và trồng trong chậu đúc chắc chắn, kê trên từng chiếc đôn phù hợp. Theo ông Thuận, để có vườn cây cảnh đẹp, quý, ông đã rong ruổi khắp các nhà vườn trong và ngoài tỉnh. “Tìm được cây ưng ý đã khó, để cây có dáng thế thì càng nhọc công tốn sức hơn. Không những vậy, trong quá trình chăm sóc, người chơi phải có kiến thức, hiểu biết đặc tính từng loại cây và phải có óc thẩm mỹ, kỹ thuật uốn cành, tạo tán để biến cây bụi mọc hoang, cây phôi không dáng thế thành tác phẩm nghệ thuật”-ông Thuận cho biết.

Tâm huyết và gắn bó với nghề hơn 30 năm nên không lạ khi ông Thuận thuộc nằm lòng tuổi đời, nguồn gốc của từng cây cảnh. Ông Thuận say sưa giới thiệu: “Cây túc, nguyệt quế, tùng la hán, si búp đỏ do tôi mua từ các nhà vườn tại tỉnh Bến Tre, Long An. Cây vạn liên tùng hơn 100 tuổi, tôi mua ở tỉnh Bình Định và chăm sóc hơn 10 năm nay. Cây sung nhìn vậy mà gần 80 tuổi. Còn cây me cổ thụ tôi mua năm 2019 tại huyện Kông Chro”.

Nhớ lại quá trình mua cây me cổ thụ, ông Thuận kể: Lần đó, ông đến thăm một người bạn ở huyện Kông Chro. Nghe tin người dân làng Hra (xã Kông Yang) muốn bán cây me khoảng 300 năm tuổi để lấy mặt bằng làm nhà rông, ông liền tìm đến nơi. Sau khi thống nhất giá cả và được chính quyền địa phương cho phép, ông đã cắt hạ độ cao của cây từ 30 m xuống còn hơn 3 m, đồng thời thuê 4 lao động địa phương cuốc đất bứng cây. “Khi đưa cây me về vườn, tôi trồng ngay vào chậu cảnh. Sau 1 tuần tích cực chăm sóc, cây dần hồi phục, nảy mầm xanh tốt. Đến nay, cây me cơ bản nên hình nên dáng. Thấy cây me đẹp đã có khách hàng trả giá 500 triệu đồng nhưng tôi không bán. Tôi muốn tạo tác cây thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tạo điểm nhấn cho khu vườn”-ông Thuận chia sẻ.

Anh Trần Thọ (thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đak Pơ) chăm sóc cây sam núi. Ảnh: A.P

Anh Trần Thọ (thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đak Pơ) chăm sóc cây sam núi. Ảnh: A.P

Cách đây hơn 10 năm, anh Trần Thọ (thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đak Pơ) trong một lần đi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cảnh tại tỉnh Đak Lak, thấy cây sam núi (linh sam) dáng trực cổ, cành nhánh xù xì rất đẹp, anh đã thuyết phục chủ vườn nhượng lại cho mình với giá 130 triệu đồng. “Sam núi có hoa màu tím, quả đẹp. Cây chậm lớn, được giới chơi cây cảnh ưa chuộng trồng làm cây bonsai, cây phong thủy. Cây sam núi của tôi có tuổi thọ hơn 100 năm. Nhiều bạn bè, chủ doanh nghiệp ngỏ ý hỏi mua với giá cao nhưng tôi không bán”-anh Thọ cho hay.

Sau nhiều năm bền bỉ sưu tầm, đến nay, anh Thọ đã gầy dựng 2 khu vườn với hơn 1.400 cây bonsai, cây cảnh các loại như: tùng, sanh, lộc vừng, duối, mai chiếu thủy, phi lao, hoa giấy, bồ đề, khế, bồ ngót rừng, mai, tùng lá kim. Trong đó, cây có tuổi đời thấp nhất là 15 năm và cao nhất hơn 200 năm. Mỗi cây được anh tạo nhiều kiểu dáng độc đáo: trực, nghiêng, xiên, thác đổ, dáng tự nhiên độc, lạ và mang triết lý sâu xa, ý nghĩa như: phụ tử, mẫu tử, phu thê, quân tử, sum vầy...

“Để vườn cây luôn xanh tốt, giữ dáng thế đẹp, tôi thuê 2 lao động tưới nước, nhổ cỏ và 1 nhân viên kỹ thuật chuyên bảo dưỡng, chăm sóc cây. Tổng chi phí gần 40 triệu đồng/tháng. Ước tổng giá trị cây cảnh trong vườn khoảng 20 tỷ đồng”-anh Thọ bộc bạch.

Gia đình anh Trần Thọ (thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đak Pơ) đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hòn non bộ, bể nuôi cá cảnh và xây nhà chòi sân vườn làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn. Ảnh: A.P

Gia đình anh Trần Thọ (thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đak Pơ) đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hòn non bộ, bể nuôi cá cảnh và xây nhà chòi sân vườn làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn. Ảnh: A.P

Ngoài quan tâm sưu tầm cây cảnh, năm 2017, anh Thọ còn đầu tư hơn 700 triệu đồng xây dựng hòn non bộ, tạo hồ nước nuôi cá cảnh và xây nhà chòi sân vườn làm nơi nghỉ ngơi, ngắm cảnh, giao lưu bạn bè. “Cuối năm 2019, Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận vườn cây của gia đình tôi là Nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu. Nhà vườn không chỉ mang lại không gian sống thoáng đãng, xanh mát mà còn tạo sân chơi, thu hút bạn bè yêu thích cây đến giao lưu, chiêm ngưỡng. Từ đó, tạo thuận lợi trong việc chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi buôn bán, nâng tầm giá trị cây cảnh”-anh Thọ vui vẻ nói.

Nâng tầm giá trị cây cảnh

Theo các nghệ nhân, chơi cây cảnh là 1 trong 4 thú vui tao nhã có từ xưa: nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng. Ngày nay, thú chơi cây cảnh, cây bonsai càng phát triển, tạo sân chơi bổ ích, thỏa niềm đam mê và có thể phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Nghệ nhân Đoàn Văn Tèo (tổ 2, thị trấn Đak Pơ) tạo dáng cho chậu cây bonsai siêu mini. Ảnh: A.P

Nghệ nhân Đoàn Văn Tèo (tổ 2, thị trấn Đak Pơ) tạo dáng cho chậu cây bonsai siêu mini. Ảnh: A.P

Vừa nhâm nhi chén trà, nghệ nhân sinh vật cảnh Đoàn Văn Tèo (tổ 2, thị trấn Đak Pơ) vừa kể: Ông gắn bó với nghề sinh vật cảnh từ năm 1990. Nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu của ông hiện sở hữu 1.000 cây cảnh từ siêu mini đến cây cảnh tầm đại. Nghề kinh doanh buôn bán cây cảnh mang lại thu nhập cho ông hơn 200 triệu đồng/năm. “Trước đây, mỗi lần cắt cành tạo tán, tôi thường vứt bỏ cành thừa. Từ khi áp dụng kỹ thuật giâm, chiết cành, tôi tận dụng cành nhánh uốn nắn, tạo dáng thành những chậu cây bonsai mini, cây bonsai siêu mini giúp nâng cao thu nhập”-ông Tèo tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Trinh-Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thị xã An Khê-cho hay: “Hội hiện có 23 hội viên được công nhận nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh. Năm 2012, Hội đạt giải nhất tại Hội thi sinh vật cảnh toàn tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; Sở Nông nghiệp và PTNT cũng tặng giấy khen cho Hội vì thành tích xuất sắc trong tham gia triển lãm sinh vật cảnh của tỉnh. Ngoài ra, Hội còn được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tặng bằng chứng nhận vì đã góp phần vào thành công của Hội chợ Thương mại Quốc tế Festival Huế 2014; Bộ Công thương tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức và tham gia “Hội chợ Triển lãm thương mại Quốc tế Quảng Bình năm 2014”. Từ năm 2012 đến 2021, Hội được Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tặng bằng khen; tập thể Hội và nhiều hội viên được thị xã An Khê khen thưởng”.

Ông Nguyễn Ngọc Nguyên-Phó Trưởng ban vận động và xây dựng phong trào gỗ đá lũa (Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam): Những năm qua, Hội Sinh vật cảnh thị xã An Khê đã có nhiều hoạt động đóng góp cho sự lớn mạnh của nghề sinh vật cảnh tỉnh Gia Lai nói riêng và Trung ương Hội nói chung. Bằng tình yêu và niềm đam mê, nhiều hội viên đã tích cực sưu tầm, sáng tạo ra nhiều tác phẩm cây cảnh đặc sắc có giá trị; góp phần đẩy mạnh phong trào sinh vật cảnh của địa phương phát triển, làm giàu cho gia đình và cho quê hương.

Có thể bạn quan tâm