Mùng 3 Tết thầy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong ánh nắng vàng rộm của ngày mùng 3 Tết, nhiều thế hệ học trò trong tỉnh Gia Lai hân hoan đến chúc mừng năm mới và tri ân thầy cô.
Sáng mùng 3 Tết, mang theo tâm trạng háo hức pha lẫn xúc cảm bồi hồi, chị Nguyễn Thị Diễm và Nguyễn Lê Thanh Nga-giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đến chúc Tết cô giáo cũ Võ Thị Sinh Thái. Trong căn nhà nhỏ ở số 62 đường Lê Thánh Tôn (TP. Pleiku) ngập tràn không khí vui tươi ngày xuân, 3 cô trò dành tặng nhau những lời chúc tốt đẹp và nhắc nhớ kỷ niệm thuở nào. 
Chị Nguyễn Thị Diễm (bìa phải) và chị Nguyễn Lê Thanh Nga (bìa trái) đến thăm, chúc Tết cô giáo cũ (ảnh nhân vật cung cấp).
Chị Nguyễn Thị Diễm cho hay: Niên khóa 1996-2000, các chị là học trò của cô Võ Thị Sinh Thái tại Trường THCS Nguyễn Du. Sau này, theo nghề giáo, 2 chị may mắn được giảng dạy tại chính ngôi trường mình từng học và trở thành đồng nghiệp với cô Thái. “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” là một truyền thống tốt đẹp của người Việt. Năm nào cũng vậy, cứ sáng mùng 3 Tết là chúng tôi lại cùng nhau đến thăm, chúc Tết cô Thái và các thầy-cô giáo cũ khác. Đây cũng là dịp để bạn bè chúng tôi cùng ngồi lại với nhau hàn huyên chuyện cũ, lên kế hoạch họp lớp đầu năm mới. Được gặp lại những người từng dạy dỗ mình, thấy thầy cô vẫn khỏe mạnh, chúng tôi rất vui và được tiếp thêm nhiều động lực để tiếp tục cống hiến với sự nghiệp “trồng người” trước yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục và đào tạo”-chị Diễm tâm sự.
Niềm vui nhân đôi với cô giáo Nguyễn Thị Hiền (bìa phải) trong ngày mùng 3 Tết khi đón 2 mẹ con học sinh cũ đến thăm, chúc Tết. (ảnh nhân vật cung cấp).
Trong ngôi nhà nhỏ, chị Nguyễn Thị Hiền-giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Chư Á, TP. Pleiku) cũng rạng rỡ trong tà áo dài vui đón từng nhóm học sinh đến thăm. Chị chia sẻ: Chị từng công tác ở nhiều trường tại nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh. Đặc biệt, có một thời gian dài, chị gắn bó với ngôi trường còn còn nhiều khó khăn, có đông học sinh là người dân tộc thiểu số ở huyện Chư Sê. “Vậy nhưng, năm nào cũng thế, cứ đến dịp Tết, các thế hệ học trò lại rủ nhau đến nhà cô chúc mừng năm mới. Thậm chí, nhiều em là người dân tộc thiểu số ở huyện xa, nay đã thành đạt nhưng vẫn không quên thầy cô, Tết nào cũng ghé thăm. Cũng có một số học sinh nhỏ tuổi người Jrai được bố mẹ chở 30-40 km đến nhà chúc Tết. Đón nhận những tình cảm đó của các em, tôi mừng lắm. Với tôi, đây là món quà đầu xuân ý nghĩa nhất”-chị Hiền bày tỏ.
Em Nguyễn Phan Nguyên (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm với thầy Rơ Mah Ní khi đến chúc mừng năm mới ngày mùng 3 Tết (ảnh nhân vật cung cấp).
3 ngày nay, trong không khí hân hoan của năm mới, niềm vui nhân đôi với thầy Rơ Mah Ní-Phó Hiệu trưởng Trường THPT A Sanh (huyện Ia Grai) khi từng nhóm học sinh lần lượt đến thăm, chúc Tết. Trong sáng mùng 3 Tết, dẫu biết thầy Ní bận việc của trường, một nhóm học sinh lớp 12A2 vẫn đến tận nơi chúc Tết. Bận việc nên thầy trò chỉ kịp uống với nhau ly nước, chụp đôi tấm ảnh lưu niệm. Em Nguyễn Phan Nguyên (xã Ia O, huyện Ia Grai) bộc bạch: “Chúng em được các thầy cô ở trường chỉ dạy rất tận tình nên đạt được nhiều thành tích trong những năm học qua. Hôm nay, em và các bạn đến thăm, chúc Tết thầy cô ở trường. Mong thầy cô có thật nhiều sức khỏe để truyền đạt thêm cho chúng em những kiến thức bổ ích. Chúng em cũng rất vui khi được thầy Ní cũng như các thầy cô trong trường luôn tận tình chỉ bảo, dạy dỗ, khích lệ trong quá trình học tập”.
Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thay vì đến tận nhà chúc Tết thầy cô, nhiều thế hệ học sinh chuyển sang hình thức gọi điện thoại, nhắn tin qua các mạng xã hội. Anh Nguyễn Minh Tuấn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho hay: “Tôi có một người thầy đáng kính hiện đang sinh sống ở huyện Chư Prông. Mọi năm, cứ đến mùng 3 là cả nhà tôi cùng vào chúc Tết gia đình thầy. Thế nhưng dịp Tết này, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tôi đành gọi điện thoại chúc thầy cùng gia đình mọi điều tốt lành trong năm mới”.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm