Ngành Công thương Gia Lai hướng đến những mục tiêu lớn trong năm 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được sự quan tâm của các bộ, ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngành Công thương Gia Lai đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Đây là cơ sở để ngành Công thương hướng đến những mục tiêu lớn trong năm 2024.

Công thương nghiệp duy trì đà tăng trưởng

Gia Lai có diện tích đất sản xuất nông nghiệp rộng lớn, màu mỡ, khí hậu thuận lợi để phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh hiện có khoảng 100.000 ha cà phê, 102.900 ha cao su, 32.000 ha cây ăn quả, 20.000 ha điều, 79.300 ha mì, 76.000 ha lúa nước, 37.000 ha mía, 690 ha chè... Đây là cơ sở để tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Hiện nay, công nghiệp chế biến đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp, tác động lan tỏa đến chất lượng và sự ổn định tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (giá so sánh 2010) năm 2021 đạt 24.800 tỷ đồng, năm 2022 đạt 28.890 tỷ đồng, năm 2023 đạt 31.620 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 so với năm 2020 đạt 11,98%; trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân công nghiệp chế biến đạt 9,13%. Hiện công nghiệp chế biến đang chiếm tỷ trọng 65% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, công nghiệp năng lượng tái tạo cũng là lĩnh vực đang tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với tổng trữ lượng nước khoảng 23 tỷ m3, Gia Lai có thể phát triển các dự án thủy điện với quy mô công suất hơn 3.000 MW.

Đồng thời, Gia Lai có số giờ nắng bình quân 1.900-2.200 giờ/năm, có thể phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời với quy mô công suất khoảng 7.500 MW; có tốc độ gió trung bình khoảng 6-7 m/s, có thể phát triển các dự án điện gió với công suất khoảng 12.000 MW. Ngoài ra, với nguồn phế phẩm nông nghiệp dồi dào, Gia Lai có thể phát triển các dự án điện sinh khối với quy mô công suất khoảng 850 MW.

Đến nay, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 3.101,69 MW (thủy điện 2.251,69 MW, điện mặt trời 61 MW, điện gió 659,4 MW, điện sinh khối 129,6 MW).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 480 MW. Tổng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo đạt khoảng 12 tỷ kWh/năm. Điều này cho thấy, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo đã khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển, phát huy nguồn lực đất đai; góp phần tăng thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội và du lịch, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Gia Lai là tỉnh có nhiều tiềm năng, cơ hội đầu tư phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ảnh: V.T

Gia Lai là tỉnh có nhiều tiềm năng, cơ hội đầu tư phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ảnh: V.T

Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, lĩnh vực thương mại của tỉnh cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng đối với thương mại nội địa và xuất khẩu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 đạt 75.368 tỷ đồng, đạt 89,73% kế hoạch và tăng 4,3% so với năm 2000; năm 2022 đạt 89.643 tỷ đồng, vượt 5,46% kế hoạch và tăng 19,05% so với năm 2021; năm 2023 đạt 108.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 20,48% so với năm 2022.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của tỉnh thực hiện đạt 610 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm và tăng 5,17% so với năm 2000; năm 2022 đạt 660 triệu USD, đạt 100% kế hoạch và tăng 8,2% so với năm 2021; năm 2023 đạt 680 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 3,03% so với năm 2022.

Tỉnh đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo thuận tiện cho việc giao thương, góp phần đảm bảo khả năng liên kết cung cầu hàng hóa. Trên địa bàn tỉnh hiện có 102 chợ, 18 siêu thị, 422 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 465 cửa hàng kinh doanh gas đang hoạt động.

Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể tăng cường liên kết sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, chủ lực của tỉnh.

Đồng thời, chủ trì tổ chức các hội nghị giữa các sở, ngành, địa phương và chủ thể sản xuất kinh doanh để từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Lĩnh vực thương mại cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực, từ việc triển khai chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến “Tuần hàng Việt Nam”, “Điểm bán hàng Việt Nam”; từng bước hỗ trợ các đơn vị, cá nhân sản xuất tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bên cạnh các hoạt động tổ chức thường xuyên thì điểm nhấn trong chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh là hội nghị giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp nước ngoài năm 2023.

Đây là sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế quy mô lớn lần đầu tiên diễn ra tại tỉnh, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ thương mại giữa tỉnh Gia Lai và các địa phương của Lào và Campuchia. Hội nghị đã góp phần quảng bá hình ảnh, giới thiệu cơ hội đầu tư, tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế của Gia Lai đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tiếp đến, hội nghị triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng được tổ chức thành công, giúp UBND tỉnh xây dựng các chính sách phát triển ngành logistics một cách hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của nông sản và các sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

Nhiều giải pháp phát triển bền vững

Những năm qua, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế địa phương và đã đóng góp một phần đáng kể vào kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025).

Tuy nhiên, hiện nay, công nghiệp chế biến vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Một số sản phẩm có tỷ lệ chế biến sâu còn thấp, chưa tận dụng được hết nguồn nguyên liệu trên địa bàn như: tỷ lệ chế biến cà phê bột mới chỉ đạt 23,28%; tỷ lệ chế biến tiêu sọ đạt 13,2%; chế biến mủ cao su chỉ dừng lại ở sản xuất sản phẩm thô.

Đây chính là yếu tố khiến sản phẩm chưa gia tăng được giá trị cũng như làm giảm sức cạnh tranh của hàng nông sản trên thị trường. Một số cụm công nghiệp (CCN) có vị trí địa lý không thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ; số lượng dự án đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong các CCN còn rất hạn chế. Đặc biệt, việc thu hút các dự án công nghiệp chế biến vào các CCN còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Ở lĩnh vực thương mại, việc phát triển hệ thống hạ tầng bán buôn, bán lẻ còn gặp khó khăn; hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phân bố không đều giữa các vùng; hệ thống chợ, siêu thị thiên về chức năng bán lẻ, quy mô nhỏ; việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình xuất khẩu có cải thiện nhưng còn gặp nhiều khó khăn và rào cản, cả về thị trường và quy mô sản phẩm.

Để ngành công nghiệp, thương mại phát triển nhanh, bền vững và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, trong các năm cuối nhiệm kỳ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tăng cường kêu gọi và thu hút các dự án đầu tư công nghiệp chế biến dược liệu, thức ăn chăn nuôi; chế biến rau, củ, quả; chế biến cà phê, hồ tiêu; các sản phẩm tiêu dùng từ cao su, sản xuất cồn sinh học từ mì lát...

Tập trung kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; phấn đấu thành lập, mở rộng, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật CCN và thu hút các dự án đầu tư vào các CCN đã được phê duyệt.

Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, bảo đảm nhanh, bền vững, có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy hoạch kinh tế-xã hội của địa phương và gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Công nghiệp chế biến đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp. Ảnh: Đ.T

Công nghiệp chế biến đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp. Ảnh: Đ.T

Trên lĩnh vực thương mại, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, chương trình bình ổn thị trường, xúc tiến nông sản, OCOP, đưa hàng Việt về nông thôn, các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kết nối tham gia sự kiện, hội nghị do Bộ Công thương và các tỉnh tổ chức; triển khai chương trình hợp tác phát triển giữa Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng.

Thu hút, huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thương mại như chợ đầu mối nông sản, chợ nông thôn, phát triển kinh tế ban đêm, phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh... Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu; chú trọng các quốc gia tham gia hiệp định thương mại tự do: CPTTP, EVFTA, UKVFTA, RCEP...

Nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về các thị trường xuất khẩu trọng điểm, giá cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa. Tập trung triển khai, phối hợp thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án dài hạn thuộc lĩnh vực thương mại đã được UBND tỉnh phê duyệt cho giai đoạn 2021-2025.

Có thể bạn quan tâm