Ngành Nông nghiệp và PTNT Gia Lai "Trụ đỡ" vững chắc của nền kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2021, nhờ chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, ngành Nông nghiệp và PTNT Gia Lai không chỉ đạt và vượt các mục tiêu tăng trưởng mà còn giữ vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, tạo động lực để tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ những năm tiếp theo.  
Những con số ấn tượng
Gia Lai có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững, nhất là các loại cây công nghiệp dài ngày, rau quả, cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Với 845.104,3 ha đất nông nghiệp, đến nay, toàn tỉnh có 98.395 ha cà phê với sản lượng đạt 257.484 tấn; 13.637 ha hồ tiêu, sản lượng 49.470 tấn; 21.370 ha cây ăn quả (quy hoạch trên 100.000 ha); hơn 2.000 ha cây dược liệu (quy hoạch 20.000 ha). Đàn bò đứng thứ 2 cả nước với 434.170 con, hiện có những dự án chăn nuôi trên 32.000 con bò ngoại đang dần thích nghi, sinh sản, tạo thương hiệu riêng của tỉnh. Đàn heo 462.000 con; đàn gia cầm trên 4 triệu con và còn nhiều dư địa phát triển ngành chăn nuôi.
Đặc biệt, Gia Lai nằm trong khu vực kết nối Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, có hệ thống giao thông thuận lợi với các tuyến quốc lộ 14, 14C, 19, 25, đường Hồ Chí Minh và Trường Sơn Đông thuận lợi vận chuyển hàng hóa xuống Cảng biển Quy Nhơn; Cảng Hàng không Pleiku đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng…; là tiền đề kết nối Gia Lai với các tỉnh duyên hải miền Trung-Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan (thứ 3 từ phải sang) thăm Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa). Ảnh: N.D
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan (thứ 3 từ phải sang) thăm Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa). Ảnh: Nguyễn Diệp 
Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá vật tư nông nghiệp tăng cao do chuỗi sản xuất, cung ứng đứt gãy, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của người dân; việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn. Trước thực tế đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng các kịch bản phát triển ngành thích ứng với từng cấp độ dịch. Nhờ đó, hầu hết chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, tiếp tục khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế tỉnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tổng giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010) ước thực hiện 31.986,6 tỷ đồng, đạt 100,33% kế hoạch, tăng 5,97% so với năm 2020 (cao hơn mức trung bình cả nước khoảng 2,85%). Trong đó, nông nghiệp tăng 5,81%; lâm nghiệp tăng 11,63%; thủy sản tăng 17,51%. Sản xuất có sự chuyển biến tích cực. Chất lượng sản phẩm được nâng lên đạt các chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic… gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp. Gia Lai hiện có nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế như: Chuối Lơ Pang, Rau An Khê, Gạo Phú Thiện, Hồ tiêu Chư Sê… Hiện nay, tỉnh đã có 1 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Gạo Ba Chăm Mang Yang và đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cà phê Gia Lai, Chanh dây Gia Lai để được bảo hộ khi tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Năm 2022, ngành Nông nghiệp và PTNT Gia Lai hướng tới mục tiêu đạt trên 33.822,5 tỷ đồng, tăng 5,74% so với năm 2021. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đạt trên 33.027,5 tỷ đồng, tăng 5,55%; lâm nghiệp 449,5 tỷ đồng, tăng 11,14%; thủy sản 300 tỷ đồng, tăng 19,29%.
Đến nay, toàn tỉnh có 32.719,8 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Hiện đã có 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 khu nông nghiệp công nghệ cao và đang xúc tiến thành lập 1 khu lâm nghiệp công nghệ cao. Toàn tỉnh có 227.176,4 ha (chiếm 40,74% tổng diện tích gieo trồng) cây trồng sản xuất hướng theo tiêu chuẩn; khoảng 231.000 ha (chiếm 41,4% tổng diện tích gieo trồng) tham gia liên kết sản xuất; ngoài ra đã có 41 mã vùng trồng, vùng nuôi; 8 cơ sở đóng gói của các doanh nghiệp, hợp tác xã và đang đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp thêm 9 mã vùng trồng, vùng nuôi, 6 cơ sở đóng gói.
Năm 2021, toàn tỉnh trồng được 8.013,24 ha rừng (vượt kế hoạch trồng rừng là 8.000 ha) gồm: 6.194,77 ha rừng sản xuất, 379,16 ha rừng phòng hộ, 1.439.310 cây phân tán, tương đương 1.439,31 ha; nâng độ che phủ rừng của tỉnh lên 47%; Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng đã được UNESCO công nhận ngày 15-9-2021 là cơ sở để bảo tồn, hỗ trợ và phát triển bền vững. Trong năm có 82 sản phẩm OCOP được công nhận, nâng tổng số sản phẩm được công nhận đạt 3-4 sao cấp tỉnh lên 231. Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hút 237 dự án đầu tư, trong đó có 37 dự án trồng trọt, 164 dự án chăn nuôi, 36 dự án lâm nghiệp với quy mô khoảng 50.413 ha, tổng kinh phí đăng ký đầu tư nhiều chục ngàn tỷ đồng.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Ông Lưu Trung Nghĩa. Ảnh: N.D
Ông Lưu Trung Nghĩa. Ảnh: Nguyễn Diệp

Năm 2022, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; các nghị quyết, kế hoạch, đề án đã ban hành. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; kế hoạch xây dựng nông thôn mới từng năm và giai đoạn 2021-2025; hình thành liên kết sản xuất và phát triển mạnh hợp tác xã nông nghiệp, gắn phong trào toàn dân khởi nghiệp xây dựng sản phẩm OCOP, chuyển đổi số trong nông nghiệp; thúc đẩy các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Chủ động rà soát, tham mưu ban hành cơ chế chính sách, hướng dẫn triển khai sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình đầu tư của Nhà nước, thu hút các nguồn lực từ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân để đầu tư vào nông nghiệp.

Cùng với đó, triển khai xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp có doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và vai trò hỗ trợ kiến tạo của cơ quan nhà nước, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển; tập trung phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai; phát triển bền vững dựa vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số và xây dựng các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, theo các tiêu chuẩn cao phục vụ trong nước và xuất khẩu. Tập trung phát triển hạ tầng nông nghiệp, nhất là thủy lợi, giao thông, khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Kêu gọi đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi. Triển khai truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, vùng nuôi, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông-lâm nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh. Tập trung đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, gắn với triển khai Chương trình OCOP. Đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan tâm đến hạ tầng lâm nghiệp, trồng rừng có chứng chỉ FSC, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh gỗ rừng trồng tham gia thị trường gỗ toàn cầu. Đặc biệt, có kế hoạch cụ thể tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển thương mại điện tử tiếp cận thị trường.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra rừng trồng bán ngập tại huyện Chư Păh. Ảnh: Nguyễn Diệp
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra rừng trồng bán ngập tại huyện Chư Păh. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ngoài việc chủ động phát huy tiềm năng, lợi thế, ngành Nông nghiệp và PTNT Gia Lai tiếp tục đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sớm khởi công xây dựng công trình thủy lợi Ia Thul (huyện Ia Pa), xem xét đẩy nhanh và tiếp tục triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Ia Mơr giai đoạn 3. Hỗ trợ tỉnh thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau, hoa, quả từng bước chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Sớm xem xét bố trí đủ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Có cơ chế chính sách hỗ trợ, bố trí kinh phí đúng và kịp thời cho công tác quản lý bảo vệ rừng; phát triển kinh tế rừng và trồng rừng; các dự án đầu tư ổn định đời sống người dân sau tái định cư thủy điện, thủy lợi. Hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực sản xuất giống; thành lập trung tâm logistics cho ngành Nông nghiệp và PTNT, hợp tác xã, doanh nghiệp cấp vùng tại Gia Lai. Đặc biệt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn cho các dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su bị chết để tỉnh Gia Lai cùng các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên này.
LƯU TRUNG NGHĨA-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Có thể bạn quan tâm