Người Pháp gọi đó là tour “Du lịch trên đường cái quan”. Vì lý do chiến tranh, ý tưởng ấy đã không thực hiện được. Nhưng hành trình khám phá, chinh phục những điểm đến nổi tiếng của họ trên dải đất hình chữ S này đã trở thành kinh nghiệm quý báu để “Con đường di sản miền Trung” và bây giờ là “Con đường xanh Tây Nguyên” hình thành, đón những bước chân hăm hở của du khách khám phá đại ngàn Trường Sơn.
“Con đường di sản miền Trung” hình thành từ những năm 2000 được ghi nhận là rất thành công khi đã kết nối được sự chung tay hành động của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch từ Thanh Hóa, Nghệ An vào tận Khánh Hòa, Ninh Thuận… và các trung tâm du lịch lớn trong cả nước, xây dựng nên thương hiệu du lịch di sản độc đáo, đủ sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đến với mảnh đất đầy nắng gió biển khơi và giàu có các di sản văn hóa này.
Đêm hội làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên |
Tổng cục Du lịch khi ấy cũng đã manh nha một con đường du lịch khác, mang những nét đặc trưng của loại hình du lịch sinh thái, văn hóa bản địa độc đáo, lâu đời của cộng đồng các dân tộc sinh sống dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ với một không gian lịch sử, văn hóa phong phú-vùng đất của những trường ca, sử thi, của cồng chiêng và sắc màu thổ cẩm. Đó là “Con đường xanh Tây Nguyên”.
Còn nhớ lần đầu tiên tháp tùng đoàn khảo sát du lịch Tây Nguyên, xe vừa từ Quảng Ngãi theo quốc lộ 24 vượt qua đèo Violak lên đến huyện Kon Plông, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã “chặn xe” ngay giữa đường, bắt cả đoàn phải đi bộ lên đồi thông, rồi mở bia ngay dưới tán rừng, râm ran những dự định về một Đà Lạt thứ 2 ở Bắc Tây Nguyên. Chỗ ấy giờ là Khu du lịch quốc gia Măng Đen nổi tiếng xa gần, là điểm nhấn đầu tiên trên hành trình khám phá đại ngàn Tây Nguyên của du khách.
Sẽ chẳng có gì nếu không có những cách nghĩ, cách làm đi trước mọi người. Một con đường du lịch có thể hình thành từ nhiều sản phẩm du lịch, nhiều điểm đến có những nét tương đồng về điều kiện lịch sử, địa lý, văn hóa… Tuy nhiên, để con đường ấy trở thành một danh xưng, một thương hiệu có tên tuổi cho một vùng đất cần phải có cái bắt tay của những người làm du lịch ở các địa phương.
Đó cũng chính là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ khi phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030, xác định Tây Nguyên là 1 trong 7 vùng du lịch trọng điểm của đất nước, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương và toàn vùng, hình thành chuỗi liên kết du lịch giữa 5 tỉnh Tây Nguyên một cách đồng bộ; xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng bằng thương hiệu riêng có của không gian đại ngàn.
Tây Nguyên bây giờ đã gần hơn với bạn bè nhờ sự phát triển nhanh chóng hệ thống hạ tầng giao thông. Gia Lai với vị trí cửa ngõ của Tây Nguyên khi có Sân bay Pleiku, quốc lộ 19, đường Hồ Chí Minh và nay mai là cao tốc Pleiku-Quy Nhơn. “Con đường xanh Tây Nguyên” sẽ đưa du khách khám phá Gia Lai với vẻ đẹp độc đáo của Biển Hồ cùng những đồi chè xanh mơ màng ven miệng núi lửa triệu năm hay hồ thủy điện Ia Ly, thác Phú Cường…; hòa mình vào lễ hội hoa dã quỳ dưới chân núi lửa Chư Đang Ya, thưởng thức ẩm thực núi rừng; tham quan chùa Minh Thành mang lối kiến trúc Phật giáo Nhật Bản; khám phá Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, chinh phục hệ thống thác nước lớn nhất cả nước với 12 con thác hùng vĩ. Hoặc du khách cũng có thể tham gia tour trekking xuyên rừng để một lần chạm tay vào dòng thác 50 hùng vĩ…
Du khách nườm nượp đổ về núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Văn Ngọc |
Từ Pleiku ngược lên Kon Tum, du khách khám phá một vùng văn hóa, sinh thái độc đáo Bắc Tây Nguyên với những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn ở Chư Mom Ray, Sa Thầy...; nghỉ ngơi, tận hưởng không khí trong lành với Khu du lịch sinh thái Măng Đen; tham quan kiến trúc độc đáo của cầu treo Kon Klor, Nhà thờ gỗ Kon Tum, Tòa Giám mục… để hiểu thêm về hành trình truyền bá đạo Thiên Chúa lên Tây Nguyên.
Xuôi về Nam, “Con đường xanh Tây Nguyên” tiếp tục đưa du khách đến với một vùng văn hóa, sử thi độc đáo của các dân tộc MNông, Ê Đê, Cơ Ho... ở các tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng với hệ thống nhiều thác nước độc đáo như thác Gia Long ầm ầm nước đổ, bọt tung trắng xóa giữa rừng nguyên sinh; hay thác Đray Nur, một trong những thác nước đẹp nhất Tây Nguyên, trông như một bức tường nối liền 2 tỉnh Đak Lak và Đak Nông, rồi thác Đray Sap…; đến với xứ sở ngàn hoa Đà Lạt để được vui chơi, thưởng thức hương vị cà phê Tây Nguyên trong không khí se lạnh và lãng đãng khói sương bên hồ Xuân Hương, thung lũng Tình Yêu. Du khách cũng có thể khám phá, chinh phục vẻ đẹp núi rừng của hồ Tuyền Lâm, leo núi chinh phục đỉnh Lang Biang hùng vĩ…
Tây Nguyên mê hoặc lòng người bằng những dòng sông chảy ngược hướng Tây, những con thác hùng vĩ, những ngọn núi cao như ngỡ chạm tới trời xanh, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn ẩn giấu bao nhiêu trầm tích văn hóa ngàn đời của cư dân bản địa; là những mái nhà rông cao vút như chiếc búa thần ngạo nghễ mà con người muốn thách thức với trời xanh. Tây Nguyên của những mái nhà dài hàng chục sải tay để tiếng chiêng, tiếng cồng của các chàng trai, cô gái M'Nông, Ê Đê… ngân dài hết ngọn núi này đến ngọn núi khác trong mùa lễ hội. Những giá trị vật thể, phi vật thể của không gian văn hóa cồng chiêng nói riêng và không gian văn hóa Tây Nguyên nói chung chính là thứ văn hóa không thể pha trộn, không thể mai một mà chỉ có thể mãi mãi là những viên ngọc quý, những di sản văn hóa nghệ thuật có sức hút mãnh liệt, quyến rũ bước chân du khách.
“Con đường xanh Tây Nguyên” cần một vị nhạc trưởng để điều hành bản hòa tấu du lịch toàn vùng. Các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, lễ hội dân gian, không gian diễn xướng cồng chiêng… cần được tổ chức theo hướng liên vùng để du khách có cơ hội trải nghiệm thú vị với một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo cùng những con người mạnh mẽ mà chân chất, giản dị, mến khách mỗi khi quyết định xách ba lô lên đường, bắt đầu hành trình khám phá đại ngàn.