Nước sạch cho TP. Pleiku: Vẫn là bài toán khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã kêu gọi đầu tư xây dựng 2 nhà máy có công suất lớn cung cấp nước sạch cho người dân toàn thành phố. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch tập trung khá thấp. Đây là bài toán cần được chính quyền thành phố cùng với các doanh nghiệp cộng đồng trách nhiệm giải quyết trong thời gian tới.

Tỷ lệ hộ dân dùng nước máy đạt thấp

Trên địa bàn TP. Pleiku hiện có 2 đơn vị sản xuất nước sạch là Công ty cổ phần Cấp thoát nước Gia Lai và Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn Pleiku. Trong đó, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Gia Lai là đơn vị vừa sản xuất vừa tiêu thụ nước sạch từ Nhà máy nước Sài Gòn Pleiku (thuộc Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn Pleiku). Tổng công suất của 2 nhà máy thuộc 2 công ty này là 50.000 m3/ngày đêm. Cả 2 nhà máy đều lấy nguồn nước đầu vào từ Biển Hồ và được xử lý bằng dây chuyền công nghệ hiện đại. Chất lượng nước của 2 nhà máy sau xử lý đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Thời gian qua, các doanh nghiệp cung cấp nước sạch đã tập trung đẩy mạnh đầu tư nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân thành phố. Tuy nhiên, do tỷ lệ hộ sử dụng nước máy hiện nay vẫn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 30% tổng công suất 2 nhà máy khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

Theo ông Nguyễn Đình Vinh-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Gia Lai: Để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân, những năm qua, Công ty đã đầu tư mở rộng hệ thống mạng lưới cấp nước. Riêng năm 2022, Công ty đầu tư 2,7 tỷ đồng lắp đặt 16.141 m đường ống dẫn nước trên các tuyến đường: Nguyễn Chí Thanh, Lê Quang Định, Võ Duy Dương, Trường Sơn và các hẻm đường Hùng Vương. Tuy nhiên, sau khi thi công xong thì chỉ có 123 khách hàng đăng ký sử dụng nước máy. “Đơn cử như năm 2019, Công ty đầu tư lắp đặt đường ống ở khu thu nhập thấp thuộc phường Thắng Lợi để cung cấp nước sạch cho 448 hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, hiện chỉ có 30% số hộ sử dụng nước máy. Thậm chí, có những tuyến đường thường xuyên thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô nhưng sau khi lắp đặt xong đường ống thì số hộ sử dụng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi giá nước của Công ty hiện là 6.195 đồng/m3 (mức 1), thấp hơn so với các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên”-ông Vinh cho hay. Cũng theo ông Vinh, thành phố có khoảng 29.100 khách hàng lắp đặt đồng hồ nước nhưng chỉ có 24.153 khách hàng sử dụng nước máy, chiếm gần 50% số hộ dân toàn thành phố. Sản lượng nước tiêu thụ hiện tại khoảng 13.500 m3/ngày đêm, trong khi công suất của nhà máy là 20.000 m3/ngày đêm. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Công ty cổ phần Cấp thoát nước Gia Lai nỗ lực hoàn thiện mạng lưới cấp nước trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Nguyễn Quang

Công ty cổ phần Cấp thoát nước Gia Lai nỗ lực hoàn thiện mạng lưới cấp nước trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Nguyễn Quang

Anh Đặng Văn Phát (tổ 3, phường Phù Đổng) cho biết: Trước đây, những hộ sống ở khu vực đầu đường Ngô Gia Khảm mới có nước máy để dùng. Còn ở khu vực gia đình anh đang sống, các hộ đều dùng nước giếng. Cuối năm 2021, Nhà máy đã lắp đặt đường ống dẫn nước nhưng hầu hết các hộ xung quanh đều chưa chuyển sang dùng nước máy. “Gia đình tôi có 3 người, 1 tháng chỉ trả khoảng 80 ngàn đồng tiền nước. Tôi thấy giá cả như vậy là hợp lý, chất lượng nguồn nước đảm bảo, tôi rất yên tâm khi sử dụng”-anh Phát bộc bạch.

Còn tại xã Trà Đa, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tập trung chỉ chiếm gần 6% dân số. Phần lớn các hộ dân trên địa bàn xã sử dụng nước từ giếng đào và giếng khoan. Ông Bùi Văn Phúc-Chủ tịch UBND xã-cho hay: “Mới đây, UBND xã đã tiến hành khảo sát nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn thì có khoảng 80% dân số có nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, mạng lưới cấp nước sinh hoạt tập trung chưa được đầu tư trên địa bàn. Người dân đề xuất, kiến nghị thành phố, doanh nghiệp sớm có phương án đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt”.

Theo ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku: Mặc dù công suất các nhà máy nước đã được đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch cấp nước và nhu cầu sử dụng nước sạch tại địa phương, song tỷ lệ hộ dân và doanh nghiệp sử dụng nước do đơn vị cung cấp nước còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống mạng lưới cấp nước chưa hoàn thiện. Trong khi đó, việc đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước sạch hiện nay chủ yếu do Công ty cổ phần Cấp thoát nước Gia Lai thực hiện nên việc bố trí kinh phí còn nhiều khó khăn. Các công trình cấp nước khi thi công liên quan đến hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng ảnh hưởng đến tiến độ. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân và doanh nghiệp vẫn đang sử dụng kết hợp nước dưới đất (chủ yếu từ các giếng khoan) và nguồn nước máy nên tỷ lệ tiêu thụ nước sinh hoạt tập trung đạt thấp.

Cần cộng đồng trách nhiệm

Nhằm nâng cao tỷ lệ người dân dùng nước sạch trong thời gian tới, chính quyền địa phương, doanh nghiệp cần cộng đồng trách nhiệm trong việc đầu tư nâng cấp mở rộng mạng lưới cấp nước trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe và góp phần bảo vệ môi trường. “Trong năm 2023, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư 7 tỷ đồng để mở rộng mạng lưới đường ống cung cấp nước cho người dân các xã: Trà Đa, Biển Hồ, Chư Á và phường Hội Phú. Ngoài ra, Công ty dự kiến đầu tư thêm hệ thống đường ống dẫn nước theo các dự án chỉnh trang đô thị của TP. Pleiku và các tuyến đường mà người dân có nhu cầu sử dụng nước”-ông Vinh cho biết.

Chủ tịch UBND xã Trà Đa thông tin thêm: Thực tế cho thấy, việc sử dụng nguồn nước từ giếng khoan, giếng đào không những ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trong năm 2022, xã đã lấy 10 mẫu nước ngẫu nhiên trên địa bàn để kiểm nghiệm chất lượng thì có 1 mẫu nước ở thôn 6 có độ pH thấp. Do đó, thời gian tới, nếu được doanh nghiệp đầu tư mạng lưới cấp nước sạch, xã sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người dân đăng ký sử dụng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao cũng như từng bước hoàn thiện các tiêu chí để đưa xã Trà Đa lên phường vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Pleiku lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra.

Người dân cần sử dụng nước đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để bảo vệ sức khỏe và môi trường. Ảnh: Nguyễn Sang

Người dân cần sử dụng nước đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để bảo vệ sức khỏe và môi trường. Ảnh: Nguyễn Sang

Trao đổi với P.V, ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-khẳng định: Thời gian tới, thành phố sẽ huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn. Đồng thời, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức đứng chân trên địa bàn về lợi ích của việc sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung, những tác hại, rủi ro của việc sử dụng nước giếng đào, giếng khoan không kiểm soát, không đảm bảo chất lượng, không hợp vệ sinh đối với sức khỏe và môi trường. Đến năm 2025, thành phố phấn đấu đạt 100% người dân nội thị sử dụng nước sạch tập trung. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hạn chế việc thăm dò, khai thác sử dụng nước dưới đất; tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, thường xuyên chỉ đạo UBND các xã, phường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khoan, đào giếng trái phép. Bên cạnh đó, khi tiến hành đầu tư các dự án trên địa bàn, thành phố sẽ ưu tiên sử dụng nguồn nước lấy từ nguồn cấp nước sạch tập trung. Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung rà soát các đơn vị chưa có nước sạch, chưa có dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước để tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu xây dựng hệ thống cấp nước đồng bộ.

“Qua rà soát, nhu cầu sử dụng nước sạch tập trung trên địa bàn thành phố hiện rất lớn, với khoảng 19.000 hộ dân. Do đó, UBND thành phố đề nghị Công ty cổ phần Cấp thoát nước Gia Lai cần chủ động mở rộng và phát triển hệ thống cấp nước sạch tập trung ra toàn thành phố, chú trọng khai thác khu vực nông thôn. Đầu tư nâng cấp, cải tạo mạng lưới, khảo sát, đề xuất giải pháp lắp đặt bổ sung thiết bị nâng cấp các trạm cấp nước hiện có đảm bảo chất lượng nước theo tiêu chuẩn... Chủ động nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư xây dựng, mở rộng và phát triển hệ thống cấp nước thuộc địa bàn được giao vận hành quản lý, phù hợp các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước thành phố, các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước về đầu tư xây dựng các công trình cấp nước”-Chủ tịch UBND thành phố đề nghị.

Có thể bạn quan tâm