“Phút giây thiêng” của người báo vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”. Nhà thơ Nga Evtushenko đã viết như thế.

Quả thật là nếu không có câu chuyện tình cờ với ông Nguyễn Thái Sơn, người từng đảm trách công tác báo vụ ở chiến khu Krong (huyện Kbang) thì tôi chẳng thể nghĩ một con người với vẻ ngoài bình dị như ông Lê Đăng Tấm lại có hành động khiến bao đồng đội nhớ mãi.

Tôi đến đến nhà ông Lê Đăng Tấm ở số 21 đường Trần Bình Trọng (TP. Pleiku) thì đã trưa. Cũng là bởi đã 3 lần gọi máy mà chẳng thấy ông trả lời. Nghe tôi phân trần về sự đường đột, ông cười xòa: “Anh thông cảm, tôi bị “chúng nó” gọi tới dọa dẫm, toan lừa đảo mấy lần rồi”. Ông đã sắp bước sang cái tuổi 77, bước đi đã thập thững nhưng giọng nói âm sắc vẫn còn trong lắm. Mừng hơn cho ông là trí nhớ vẫn còn rất sáng. Người ta bảo nghề nghiệp cũng góp phần đào luyện trí óc. Nghề báo vụ với những yêu cầu khắt khe phải chăng đã giúp ông có được điều đáng quý này?

Hành trình tới gian khổ

“Thực ra, nghề báo vụ đến với tôi cũng là sự tình cờ anh ạ-ông vào chuyện sau khi đặt vào tay tôi ly nước lọc. Năm 1964, tôi học lớp 8 Trường Phổ thông cấp III Đông Sơn, Thanh Hóa. Một hôm đi học qua chiếc cầu gỗ bắc qua con ngòi, tôi bỗng bắt gặp thông báo chiêu sinh của ngành Bưu điện. Lúc ấy, cả 3 huyện Đông Sơn, Nông Cống, Triệu Sơn chỉ có 1 trường cấp III. Học xong lớp 10 là chắc hẳn tôi sẽ được vào đại học.

Thế nhưng, bấy giờ, sau “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ bắt đầu ném bom ra miền Bắc. Thanh niên cứ vào độ tuổi tôi là đã xin đi bộ đội hoặc thanh niên xung phong. Mà 2 anh trai tôi thì cũng đã đi bộ đội. Cái không khí ấy lại càng làm tôi nhộn nhạo không yên. Vậy là hôm đó tôi về viết ngay một lá đơn. Chẳng phong bì phong bao, tôi cuộn tròn, dùng mấy sợi rơm buộc lại rồi tống vào thùng thư. Ấy vậy mà mấy hôm sau thì nhận được giấy gọi. Trước khi nhập học, họ còn bắt tôi viết lại lá đơn. Để làm gì, đến giờ tôi cũng không hiểu được.

Niềm vui đời thường của vợ chồng ông Lê Đăng Tấm. Ảnh: Phan Lài

Niềm vui đời thường của vợ chồng ông Lê Đăng Tấm. Ảnh: Phan Lài

Trường Bưu điện I bấy giờ đóng ở tỉnh Nam Hà (cũ). Gọi là trường nhưng thực tế sinh viên phải mượn nhà thờ làm giảng đường, còn ký túc xá là nhà dân. Thời gian học 2 năm, trong đó, môn Điện báo phải đào tạo 9 tháng. Có lẽ cũng cần nói thêm chút để thấy cái “hóc búa” của môn này. Bức điện vô tuyến phát đi phải thông qua việc truyền tín hiệu ma níp, gọi nôm na là “gõ tích tè”. Mỗi động tác gõ bàn phím đều tác động đến tín hiệu, thậm chí là không ra được tín hiệu nếu báo vụ gõ tay không chuẩn. Thế nên, thầy truyền dạy là một việc, còn trở thành báo vụ giỏi hay không lại còn phụ thuộc vào năng khiếu từng người. Ấy là mới nói chuyện phát, còn nhận, người báo vụ đòi hỏi phải thính tai, có trí nhớ tốt để lưu nhớ các tần số vô tuyến…

Chúng tôi cứ mỗi người một bàn phím ma níp miệt mài tập gõ. Gõ chuẩn rồi thì chuyển sang thực hành trên máy thật, 2 người một nhóm thay nhau phát, nhận các bức điện giả… Sau khi tốt nghiệp, mỗi người được lựa chọn 1 trong 3 nguyện vọng: sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc đi bất cứ nơi đâu. Tôi và 2 anh cùng lớp là Nguyễn Hữu Tình, Hoàng Minh Hiến chọn nguyện vọng 3. Vậy là danh sách chúng tôi được chuyển lên Ban Thống nhất để đi chiến trường B”.

Ông Tấm dừng lời nhấp một ngụm nước, áng chừng như để cân nhắc những gì nên kể rồi tiếp tục câu chuyện: “Tháng 10-1966, Krong đắm chìm trong những cơn mưa muốn bục cả da trời. Núi rừng tái nhợt, mông lung trong màn sương huyền ảo. Chúng tôi tới đích sau 3 tháng đi bộ xuyên rừng ròng rã. Hình dung lại chặng đường đã qua, tôi cũng tự ngạc nhiên với mình. Ai cũng biết vào chiến trường B là sự sống và cái chết luôn song hành, thế nhưng được lựa chọn, ai cũng xem đó là niềm hãnh diện. Tôi nhớ ở Trường 105 (mật danh của Trường Huấn luyện cán bộ đi B đóng tại Lương Sơn, Hòa Bình), chúng tôi đã hăng hái rèn luyện để lên đường như thế nào: Mỗi người 1 ba lô gạch nặng trĩu vai, tập leo lên những con dốc cao thăm thẳm. Đang non giấc, tiếng còi báo động vang lên như xé rách màn đêm báo động hành quân. Ngày lên đường, có người còn không có dịp từ biệt người thân. Riêng tôi cũng chỉ được về nhà đâu chỉ hơn 1 giờ rồi phải trở lại trường ngay. Thế nhưng cũng như tôi, chẳng ai bịn rịn về điều đó.

Sức mạnh của tuổi trẻ, lý tưởng của một thế hệ-chỉ hành trang ấy mới giúp chúng tôi dấn thân với một niềm tin trong sáng và vô tư như thế… Và như một lương duyên tiền định, tôi và 2 anh Tình, Hiến lại cùng được phân công vào Đài điện báo vô tuyến Tỉnh ủy Gia Lai. Bấy giờ, tại căn cứ Krong chỉ có 2 đài vô tuyến, 1 của Ban An ninh và 1 của Tỉnh ủy. Đài Tỉnh ủy do anh Lê Duy Ngọc phụ trách. Quân số ngoài 3 chúng tôi được bổ sung còn có anh Từ ở Phú Yên và mấy anh em người địa phương giúp việc. Phương tiện là 1 máy vô tuyến 15 W của Trung Quốc, 1 máy phát điện quay tay. Để đề phòng địch oanh tạc, chúng tôi phải ở biệt lập, cách cơ quan Tỉnh ủy chừng 5-6 giờ đi bộ.

Những năm 1965-1968, chiến trường miền Nam vô cùng ác liệt. Ở căn cứ Krong, đấy cũng là quãng thời gian tận cùng gian khổ. Cũng như với tất cả anh chị em ở căn cứ, chúng tôi phải thay nhau xuống Bình Định cõng hàng; sản xuất lương thực để tự nuôi sống mình. Có những quãng ngặt nghèo, khó ai có thể hình dung được bữa cơm “hai nồi” của chúng tôi. Cả 7-8 anh em tiêu chuẩn mỗi bữa chỉ được hơn lon gạo, chủ yếu là thứ gạo để lâu đã mốc, xốp xộp, đổ nước vào cứ nổi lều phều. Thế nhưng, để ai cũng có vị cơm, tiêu chuẩn gạo đó được nấu riêng một nồi. Củ mì nấu riêng thành một nồi, đánh tơi rồi trộn vào. Mà thứ củ mì đó cũng đã nhiễm chất độc hóa học. Để đỡ đắng, chúng tôi phải dùng mũi dao tỉ mẩn gọt đi những chỗ bầm đen. Cả rổ mì to tướng đôi khi gọt lại chỉ còn vài vốc. Còn thức ăn, đó là nước cơm chắt ra, bỏ muối và bột ngọt vào vừa thay canh, vừa thay thức ăn mặn.

Gian khổ về vật chất tuy vậy cũng chưa thấm vào đâu so với sự căng thẳng về mặt tinh thần. Để đề phòng máy bay địch dò theo làn sóng điện oanh tạc, đài phải di chuyển thường xuyên. Đặc biệt là những lần ra tuyến trước. Trên đầu là máy bay địch, xung quanh là biệt kích, thám báo rình rập, chẳng ai có được giấc ngủ trọn vẹn; lúc nào cũng quẩn quanh bên máy thấp thỏm chờ nhận tin. Và trong một lần ra tuyến trước như thế, kỷ niệm đáng nhớ nhất đã đến với cuộc đời tôi”.

Bởi luôn có Bác trong tim

“Tết Mậu Thân 1968 đến với chúng tôi trong một không khí thật đặc biệt-ông Tấm hồi nhớ. Trước đó khoảng 1 tháng, cơ quan đã tiến hành đợt học tập chính trị sâu rộng. Chúng tôi lại còn được thịt cả con heo để liên hoan. Nhiệm vụ cụ thể tuy được giữ bí mật nhưng qua không khí khác thường ấy, ai cũng nghĩ Tết này chắc sẽ đánh lớn. Từ căn cứ, bộ phận điện đài chúng tôi cùng xuyên rừng hành quân ra Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa).

Việc ém quân cách thị xã không xa, lại có Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình theo chỉ đạo càng củng cố thêm nhận định của chúng tôi. Niềm tin “đấu tranh này là trận cuối cùng” khiến ai cũng phấn chấn, nhẹ nhõm. Dường như cũng đánh hơi được cơn bão sắp nổi lên, địch bắt đầu phản ứng. Từ căn cứ, pháo chúng theo tọa độ bắn cầm canh vào nơi ta đóng quân suốt ngày đêm. Hôm đó vào khoảng 6 giờ tối, tôi và 2 anh Ngọc, Từ đang trực máy thì 1 quả pháo địch bắn tới. Đang căng mắt dò tìm làn sóng liên lạc, thốt nhiên tôi như bị ai đập chiếc búa tạ vào đầu. Ý nghĩ “vậy là mình đã hy sinh” vụt qua đầu như một tia chớp, tôi gắng hết sức hô to: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”. Gọi Bác 3 lần như thế rồi tôi gục xuống, không còn biết gì nữa.

Hôm sau tỉnh dậy trong bệnh xá, tôi mới biết mình bị 3 vết thương: một mảnh pháo xuyên qua tay trái, một xuyên vào ngực phải, một vào đầu. Điều trị mất gần 1 tháng, vết thương vừa hồi phục, tôi đã lại trở về vị trí của mình bên máy. Bây giờ thì có thể có người ngạc nhiên, cho đó là hành động phi thường. Thực ra đối với tôi lúc ấy thì hoàn toàn là lẽ tự nhiên. Bao chiến sĩ trước họng súng kẻ thù; bao anh hùng dũng sĩ trước cái chết cận kề đã gọi tên Bác như thế. Đặc biệt là tấm gương Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trước họng súng kẻ thù nơi pháp trường vẫn gọi Bác 3 lần đã lay động bao con tim thế hệ chúng tôi. Từ những trang sách trên ghế nhà trường, trước lúc lên đường chiến đấu, tôi lại có dịp gặp các anh hùng dũng sĩ miền Nam ra, nghe họ kể về niềm tin thiêng liêng của đồng bào miền Nam với Bác… Tất cả những điều đó cứ từng ngày ngấm vào máu thịt. Hình Bác đã khắc ở tim chúng tôi chẳng biết tự bao giờ”.

Ông Tấm ngừng kể, ánh mắt bỗng trở nên xa xăm. Tôi hiểu kỷ niệm xưa trở về lại trĩu nặng trái tim ông. Nắng đã bừng lên, xoay bóng những hàng cây bên mé cửa.

Có thể bạn quan tâm