Bạn ngạc nhiên khi thành phố của tôi cây xanh được trồng thành vùng, dọc theo những con đường, vững chắc trên đồi cao, ở ngay giữa trung tâm thành phố hay san sát, ken dày phía ngoại ô. Tôi khẽ cười cùng bạn: “Tất cả sẽ được hiện thực hóa khi người dân biến tình yêu thành phố để thức tỉnh ý thức, bồi đắp tinh thần trách nhiệm với thiên nhiên, với những giá trị bền vững đang được dựng xây nơi chính mảnh đất mình đang sống”. Tôi cũng chia sẻ với bạn một đôi câu chuyện cũ, ví như hồi trước năm 1975, đường Trịnh Minh Thế (nay là Trần Hưng Đạo), hai bên đường rợp bóng thông và long não, cây giao tán rất đẹp. Nhắc đến hệ thống cây xanh ở Pleiku ngày ấy và bây giờ là nói đến hàng thông xanh-biểu tượng đã in sâu trong tiềm thức người dân Phố núi. Hay cây kơ nia, loài cây bản địa mang đặc trưng của vùng đất cao nguyên, vừa có dáng thế đẹp vừa có nghĩa biểu trưng. Nét đặc trưng này không chỉ tạo nên vẻ đẹp riêng biệt mà đôi khi neo đậu lòng người dân và cả du khách nét duyên dáng, chút luyến thương, khi mà giữa phố có những mảng xanh ngăn ngắt, dịu dàng. Ngày nối ngày, phố nối phố, những miền xanh cứ thế nuôi giữ trong ký ức, trong những bộn bề mưu sinh.
Hàng thông xanh rợp mát trong Công viên Diên Hồng. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm |
Rừng cây trong nội thị hay ngoại vi Pleiku đều có chức năng rất quan trọng trong việc giữ gìn một thành phố nên thơ, xinh đẹp, hài hòa giữa thiên nhiên với con người. Trong nội thị, mảng xanh được chỉnh trang, tôn tạo như vườn hoa, cây xanh xòe tán bóng mát trong Quảng trường Đại Đoàn Kết, Công viên Diên Hồng, hoa viên Nguyễn Viết Xuân, hoa viên Kpă Klơng… đã góp phần tạo cảnh quan đô thị. Được tận hưởng không gian xanh ngay giữa thành phố như mở ra giấc mơ đẹp, kỳ vọng lớn về bài học thực tế từ trải nghiệm thiên nhiên. Sống hòa mình giữa thiên nhiên sẽ giúp tâm hồn thư thái, kết nối con người với tự nhiên và mở ra một thế giới tươi đẹp cùng lối sống trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Với người dân Pleiku, cây xanh như một phần tất yếu, gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt hàng ngày. Ngoài những con đường trồng nhiều cây giao tán, cây che bóng mát thì một số tuyến đường được trồng mặc định theo đặc trưng loài như đường hoa bằng lăng trên phố Đinh Tiên Hoàng, đường hoa điệp vàng dọc phố Hoàng Văn Thụ, đường hoa sữa xung quanh tuyến Hoàng Hoa Thám và Hai Bà Trưng… Chỉ cần một khoảnh trên hè phố, một thảm cỏ nho nhỏ, một chỗ trống trên ban công, người dân có thể gieo một hạt mầm, trồng một cây xanh hay dễ nhất, cũng có thể tự mình là làm một chậu cây nhỏ treo bên khung cửa. Nếu được chính quyền thành phố khuyến khích trồng cây bằng cách cung cấp hoặc hỗ trợ cây giống từ các vườn ươm với tiêu chí: xanh-sạch-đẹp và bảo vệ thiên nhiên bằng cách không dùng thuốc trừ sâu, không dùng phân hóa học thì chắc chắn sẽ là nguồn động lực nhân lên tình yêu và trách nhiệm của công dân với mảnh đất mình đang sinh sống.
Học sinh tham gia trải nghiệm ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai-nơi có nhiều loài cây tỏa bóng mát. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm |
Vậy, trồng cây gì ở phố? Dĩ nhiên là cây trồng có chọn lọc. Cây trồng, ngoài phù hợp về thổ nhưỡng, khí hậu, môi trường, còn cần có sự hài hòa với các giá trị văn hóa, hài hòa giữa cây và người. Theo ý kiến của người viết, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung các loại cây để đảm bảo đa dạng sinh học và phát triển sinh thái bền vững. Nên quy hoạch một số tuyến đường trồng ưu tiên loài cây đặc trưng, để tạo nên khung cảnh đẹp, hấp dẫn, mời gọi du khách gần xa thưởng lãm, chụp ảnh. Và để gìn giữ và phát huy được những rừng cây trong thành phố như thế, cần có sự tham gia của cộng đồng để cái đẹp có sức lan tỏa sâu rộng. Và rõ ràng, người trong phố, ai cũng khao khát được sống giữa một thiên nhiên tươi xanh từ nguồn dưỡng khí và bóng mát, không chỉ nuôi dưỡng thân thể mà nó như mạch nguồn dưỡng chất cho sự sống con người.
Quay lại câu chuyện ở trên, khi chúng tôi ngồi dưới tán cây xà cừ phơn phớt trong nắng tháng ba, khi chúng tôi nương vào cây, cây nương ngả mình cùng những thanh tân mùa sang. Chúng tôi đã đồ rằng, sớm thôi, ở xa kia sẽ xuất hiện tán rừng lá đỏ, dáng cây thân gỗ vươn xa, kiêu hãnh dưới nền trời xanh thăm thẳm. Để ai đó như được trở về với rừng, với bóng mát qua dáng hình của phố thêm gần gụi trong từng hơi thở của thiên nhiên. Cũng bởi, rừng trong thành phố không chỉ có tác dụng lọc nắng, lọc gió, lọc cả ồn ào, khói bụi, mang lại không khí mát lành cho mỗi con đường, góc phố mà còn góp phần tạo nên vẻ đẹp song hành cùng người Phố núi trong suốt dặm dài thời gian.