Sức bật từ hạ tầng giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một năm sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), hàng loạt dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông cùng với việc đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, đường liên huyện đã tạo nên một hệ thống giao thông liên kết chặt chẽ, kỳ vọng đem tới sức bật để Gia Lai bứt phá trong tương lai.

Gia tăng liên kết

Khái quát về điểm nhấn nổi bật trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ thời gian qua, ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) khẳng định: Đó là việc đầu tư hệ thống trục giao thông mang tính kết nối liên vùng, liên khu vực. Đây chính là điểm tựa mạnh mẽ để tạo nên tính liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và gia tăng kết nối với các tỉnh lân cận.

 Công trường thi công Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông. Ảnh: Hải Lê
Công trường thi công Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông. Ảnh: Hải Lê


Về liên kết khu vực, đó là việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hàng loạt các tuyến quốc lộ huyết mạch giữa Gia Lai với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (quốc lộ 25, quốc lộ 19, đường Trường Sơn Đông); kết nối Gia Lai với các tỉnh Tây Nguyên (quốc lộ 14C); Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 668 (Gia Lai) và tỉnh lộ 695 (Đak Lak) để hình thành tuyến quốc lộ giao thông kết nối liên vùng… Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên do Bộ GT-VT làm chủ đầu tư. Dự án được kỳ vọng không chỉ gia tăng kết nối liên kết khu vực mà còn tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy giao thông, giao thương giữa 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia trên trục lộ này. Dự án có tổng mức đầu tư 3.654,4 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), triển khai trên phạm vi tổng chiều dài 143,6 km (đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai chiếm 126,6 km). Theo thiết kế, quốc lộ 19 được cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III-TCVN 4054-05, tốc độ thiết kế 60-80 km/giờ, chiều rộng mặt đường 11-13 m gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Dự án được khởi công từ giữa năm 2021. Bên cạnh đó, trên tuyến quốc lộ 25, cả 2 dự án thành phần thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên tuyến cũng đã hoàn thành các hạng mục thi công trong năm 2021, góp phần hoàn thiện mạch máu giao thông giữa các huyện phía Đông Nam tỉnh, đồng thời gia tăng liên kết giữa Gia Lai và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

Bên cạnh đó, hệ thống các tuyến đường địa phương cũng được đầu tư xây dựng. “Trước đây, chúng ta mới chỉ xây dựng hệ thống tuyến đường hướng tâm giữa các địa phương trong tỉnh kết nối với TP. Pleiku qua các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Trong bối cảnh kinh tế-xã hội phát triển như hiện nay, bên cạnh cải tạo, nâng cấp hệ thống đường hướng tâm, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai đang rất được chú trọng”-ông Hạnh đề cập.

Theo ông Hạnh, hệ thống các đường vành đai 1 của TP. Pleiku như đường Lý Thái Tổ, Nguyễn Chí Thanh, Tôn Đức Thắng; đường vành đai 2 tuyến tránh phía Tây Pleiku, đường tránh phía Đông Nam Pleiku, đường hành lang kinh tế phía Đông Pleiku; hệ thống đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông (đường liên huyện giai đoạn 1) và đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông (đường liên huyện giai đoạn 2). Đặc biệt, trên tuyến biên giới, quốc lộ 14C đang dần hoàn tất bê tông hóa, nhựa hóa những km cuối cùng để chạm đến điểm giao với địa phận tỉnh Đak Lak.

Sức bật từ hạ tầng giao thông

Việc hình thành hệ thống đường vành đai, đường liên huyện đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương. Trước đây, nếu muốn di chuyển từ các xã của huyện Chư Păh về huyện Chư Prông, phương tiện sẽ phải đi theo các trục đường như: tỉnh lộ 661, đường Hồ Chí Minh qua trung tâm Pleiku, sau đó chạy tiếp đến các tuyến tỉnh lộ dẫn về các xã. Hiện nay, chỉ cần di chuyển trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn tránh đô thị Pleiku, các xã xa hơn có thể chọn hệ thống đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông hoặc nếu là các xã biên giới có thể chạy theo quốc lộ 14C… Cự ly di chuyển được rút ngắn hàng chục km; việc kết nối, chuyển hướng sang các tuyến đường cấp thấp hơn để di chuyển vào trung tâm huyện, xã cũng cực kỳ thuận tiện, dễ dàng. “Quy mô thiết kế các tuyến đường vành đai, đường liên huyện hoàn toàn đáp ứng việc vận chuyển của các loại phương tiện tải trọng lớn, giúp hàng hóa lưu thông thuận tiện hơn rất nhiều. Từ đó giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, đồng thời giảm tải áp lực lưu lượng phương tiện dồn về trung tâm Pleiku”-ông Hạnh phân tích.

 Quốc lộ 19-đoạn qua huyện Đak Pơ. Ảnh: Đức Thụy
Quốc lộ 19-đoạn qua huyện Đak Pơ. Ảnh: Đức Thụy


Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT, sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, UBND tỉnh giao các sở, ngành tham mưu dự thảo để ban hành các nghị quyết về phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội một cách đồng bộ, đặc biệt là tập trung cho các vùng kinh tế động lực của tỉnh. Thực hiện yêu cầu này, ngành GT-VT đã nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng các phương án quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông phù hợp với tình hình thực tiễn. Mục tiêu là phải xây dựng được các tuyến đường có tính liên kết cao, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế-xã hội các địa phương, đồng thời tập trung cho các vùng kinh tế động lực của tỉnh theo đúng định hướng phát triển đã được xác định.

Chỉ hơn 1 năm sau khi hoàn thành thi công, đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông kết nối tuyến quốc lộ 14, 19 và các tỉnh lộ 661, 663, 664, 665 đã góp phần tạo nên diện mạo khác hẳn cho các địa phương nằm dọc trên tuyến. Dọc hai bên tuyến, các đoạn qua trung tâm xã hay khu dân cư nay sầm uất hơn. Nhiều ngôi nhà mới nối tiếp nhau mọc lên hai bên đường suốt từ xã Ia Nhin (huyện Chư Păh), Ia Bă, Ia Tôr (huyện Ia Grai), Ia Dơk, Ia Kla, Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) cho đến các xã Ia Púch, Ia Ga, Ia Pia (huyện Chư Prông).

Ông Phùng Văn Việt-Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh-đánh giá: “Đây đều là các vùng đất rất trù phú, mỗi năm sản xuất ra hàng ngàn tấn nông sản. Giao thông thuận lợi đã giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, việc làm ăn cũng có nhiều khởi sắc”. Tiếp nối giai đoạn I, cuối tháng 7-2020, UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông với tổng chiều dài toàn tuyến 32,75 km với tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương; thời gian thực hiện 2020-2022 do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều tuyến tỉnh lộ đang và sắp được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Có thể kể đến dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 665 với tổng mức đầu tư hơn 508 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 666, 664, 662B, 668, 669, 663… “Đối với hệ thống giao thông nông thôn, người dân tự nguyện góp công sức, tiền của để nhựa hóa, bê tông hóa nhiều tuyến đường nội thôn, liên thôn góp phần cùng Nhà nước hoàn thiện từng mạch máu giao thông, tạo diện mạo và sức bật để Gia Lai vươn lên phát triển trong các năm tiếp theo”-ông Lê Văn Hạnh kỳ vọng.


 

 HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm