Thế nhưng với một loạt giải pháp, đặc biệt là quyền được chặn, phong tỏa tài khoản có dấu hiệu lừa đảo của các nhà băng sẽ hỗ trợ được cho người chẳng may bị lừa đảo nhưng có thể không mất tiền.
Thực tế có nhiều tình huống, chủ tài khoản vừa bấm nút chuyển tiền thì nhận ra mình bị lừa đảo, vội vàng báo với ngân hàng (NH) mong ngăn chặn dòng tiền không chuyển đi. Thế nhưng dù rất muốn, các nhà băng cũng không thể chặn lại. Bởi vì trước ngày 1.7 vừa rồi, ngay cả nếu nghi ngờ một tài khoản được dùng vào việc lừa đảo nhưng chưa có kết luận cũng như quyết định chính thức từ cơ quan điều tra thì NH cũng không được phép hạn chế dòng tiền ra, vào tài khoản đó. Vì thế, chỉ cần đầu này chủ tài khoản bấm nút chuyển đi thì trong vài giây sau đó, tiền đã được chuyển liếp qua các tài khoản ma, tài khoản rác và bốc hơi. Còn gì trớ trêu hơn tiền bị lừa đảo chạy lòng vòng qua nhiều tài khoản NH mà chúng ta phải bó tay. Thế nên, quy định NH được quyền phong tỏa, chặn tài khoản liên quan đến lừa đảo được đánh giá là giải pháp mạnh tay để ngăn chặn tình trạng này.
Thế nhưng, chỉ chặn ở NH mình thôi thì không ăn thua. Bởi tiền thường được chuyển đi trong vòng "một nốt nhạc" qua nhiều tài khoản khác nhau hòng xóa dấu vết. Do đó, đa số trường hợp chủ tài khoản gọi được cho NH thì tiền đã rời qua tài khoản khác, ở NH khác rồi. Vì thế, để biện pháp này phát huy tối đa hiệu quả, quan trọng nhất là phối hợp, liên kết giữa các nhà băng cùng chặn, cùng phong tỏa, không để kẻ lừa đảo đánh nhanh rút gọn.
Dù vậy, xung quanh việc chặn, phong tỏa tài khoản vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Ví dụ các trường hợp yêu cầu phong tỏa tài khoản vì chơi xấu nhau; tiêu chí nào NH chặn tài khoản; chặn số tiền nghi ngờ hay chặn luôn cả tài khoản... Nếu không rõ ràng, chi tiết, cụ thể thì có lẽ, chính các NH cũng ngần ngại khi thực hiện việc chặn hay phong tỏa tài khoản nghi ngờ dính dáng đến lừa đảo.
Ở thời điểm này, một số nhà băng cho biết họ đã và đang xây dựng "black list" các tài khoản đáng ngờ để cảnh báo kịp thời. Đây là việc làm hết sức cần thiết, phòng hơn chống. Đã có trường hợp chuyển khoản nhưng nhận được cảnh báo từ NH rằng tài khoản thụ hưởng được xác định là lừa đảo và đề nghị chủ tài khoản không thực hiện giao dịch. Giải pháp này được nhiều người ủng hộ, cũng giống như rà soát SIM rác, SIM ảo, cảnh báo số điện thoại lừa đảo mà các nhà mạng vẫn đang thực hiện.
Phát động chiến dịch 'Nhận diện lừa đảo'
Tổng cục Thuế khuyến cáo người nộp thuế cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo
Cùng với các biện pháp mạnh trên thì việc xác thực bằng khuôn mặt mới được chuyển trên 10 triệu đồng; quét tài khoản ma, tài khoản rác, cuộc chiến giữa an ninh mạng với lừa đảo vẫn đang tiếp tục.
Nhưng quan trọng hơn tất cả là các chủ tài khoản phải cảnh giác và tự bảo vệ mình trước các chiêu lừa đảo mạng ngày càng tinh vi, biến hóa khôn lường. Không có giải pháp bảo mật hiệu quả, hay hàng rào chặn, phong tỏa nào có thể gạt hết những chiêu trò nếu chúng ta cứ tự chuyện chuyển tiền cho kẻ gian.
Vì thế, tăng quyền cho nhà băng, tăng cường các biện pháp bảo vệ chủ tài khoản phải đồng thời với tăng cao cảnh giác thì mới tránh được các bẫy lừa đảo giăng khắp cõi mạng hiện nay.