Tết ấm tình thân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 ngày du xuân cùng bạn bè, nhiều người quyết định dành trọn thời gian bên gia đình trong ngày thứ 3 của năm mới. Với những khoảnh khắc vui chơi đầy thú vị hay đơn giản chỉ là tập trung sửa soạn mâm cơm cúng đưa ông bà..., họ đã cùng nhau khép lại một mùa Tết ấm áp tình thân.
Tết sum vầy
Mùng 3 Tết, tiết trời khắp nơi trong tỉnh vẫn ngập tràn nắng ấm. Trên các cung đường từ phố thị đến làng quê, không khí đón mừng xuân mới đầy phấn khởi, rộn vui. Theo ghi nhận của P.V, nhiều người đã chọn ngày tân niên thứ 3 để quây quần bên gia đình thay vì những chuyến du xuân cùng bè bạn. Có mặt tại khu vực thác Võ (thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ) từ sớm, anh Nguyễn Văn Khang (thôn Tân Sơn, xã Tân An) cùng người thân đã tranh thủ lưu lại những tấm ảnh đẹp làm kỷ niệm trong năm mới. “Trước đây, vào dịp cuối tuần, tôi và bạn bè thường tổ chức ra thác Võ câu cá, nấu nướng, ăn uống. Dịp Tết Nguyên đán này, sau 2 ngày đi chúc Tết, hôm nay, tôi và gia đình dành thời gian đến đây dã ngoại để có những khoảnh khắc đón xuân vui vẻ bên nhau. Mặc dù lượng khách đổ về khá đông nhưng ai cũng có ý thức đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm các quy định phòng-chống dịch Covid-19 của địa phương”-anh Khang chia sẻ.
Khu vực thác Võ (thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ) được nhiều gia đình lựa chọn đến vui chơi trong ngày mùng 3 Tết. Ảnh: Ngọc Minh
Các địa điểm danh lam thắng cảnh, quán cà phê, rạp chiếu phim… ở trung tâm TP. Pleiku cũng thu hút đông đảo gia đình đến tham quan, vui chơi trong ngày mùng 3 Tết. “Mọi năm, cả nhà tôi thường chọn đi biển ở Quy Nhơn, Phú Yên hay Nha Trang để đón năm mới nhưng vì tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên năm nay quyết định ở nhà. Lo sợ các con sẽ buồn, tôi đã đưa bọn trẻ đi Công viên Diên Hồng xem thú, chơi các trò chơi ở Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku rồi đi ăn uống. Các con rất vui vì năm vừa rồi cũng không có nhiều thời gian đi chơi do dịch bệnh”-anh Nguyễn Văn Sơn (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) hồ hởi nói.
Vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều gia đình đã cho các con đến những điểm vui chơi giải trí ở trong tỉnh để du xuân. Ảnh: Văn Ngọc
Nhiều người cho rằng, đại dịch Covid-19 tuy khiến không khí Tết kém phần rộn ràng hơn, song lại như một chất xúc tác “đặc biệt” giúp tình thân thêm gắn kết. Anh Nay Riot (buôn Sô BahLeng, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) tâm sự: “Dịp Tết năm nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhiều vùng không còn bị phong tỏa nữa nên người dân địa phương đã đón xuân vui hơn. Tôi và những người thân trong gia đình đã có chuyến đi chơi thú vị cùng nhau trong năm mới sau những ngày bận bịu lên rẫy. Ai cũng cảm thấy đây là điều rất tuyệt vời và ý nghĩa!”.
Với chị Nguyễn Thị Cẩm Vân (thứ 2 từ phải sang), Tết là dịp sum họp cùng gia đình. Ảnh: Mộc Trà
Tương tự, chị Nguyễn Thị Cẩm Vân (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cũng bày tỏ: “Tôi lấy chồng xa hơn 2 năm. Do con còn nhỏ lại dịch bệnh phức tạp nên tôi không thể thường xuyên về thăm nhà. Vì vậy, năm nay, vợ chồng tôi đã đưa con trai cùng về thị xã An Khê đón Tết cùng mẹ. Với tôi, cái Tết ý nghĩa chính là Tết đoàn viên, sum họp bên gia đình”.
Giữ trọn đạo hiếu ngày xuân
Gác lại mọi hoạt động vui chơi, du xuân, chiều mùng 3 Tết, chị Đặng Thị Mỹ Hằng (thôn 4, xã Thành An, thị xã An Khê) cùng các con đã tập trung về nhà, cùng nhau sửa soạn mâm cơm cúng tiễn đưa tổ tiên, ông bà. Đây là nét đẹp truyền thống trong phong tục của người Việt mà gia đình chị đều giữ gìn vào mỗi dịp đầu xuân. “Mâm cỗ tôi chuẩn bị gồm có hoa quả, cơm trắng, canh khổ qua, thịt kho tàu, bún xào măng, đĩa phay, bánh tráng nướng và bánh rau câu. Tất cả đều là những món ăn mà bà và mẹ tôi ưa thích khi còn sống. Chúng tôi luôn quan niệm rằng, ông bà sống sao thác vậy và vẫn về phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Thông thường, chiều cuối năm, chúng tôi làm mâm cơm cúng mời ông bà về ăn Tết và đưa tiễn họ sau 3 ngày đón xuân cùng gia đình. Đây là việc làm thể hiện tấm lòng thành kính, tưởng nhớ đến tổ tiên; qua đó góp phần giáo dục các con về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc”-chị Hằng chia sẻ.
Chị Đặng Thị Mỹ Hằng (thôn 4, xã Thành An, thị xã An Khê) cùng con gái chuẩn bị mâm cơm cúng đưa ông bà trong chiều mùng 3 Tết. Ảnh: Mộc Trà
Sau khi đi chợ chọn mua những loại thực phẩm, hoa quả tươi ngon nhất, bà Huỳnh Thị Thắm (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã nhanh tay sửa soạn tươm tất mâm cơm cáo lễ tiễn ông bà sau một cái Tết đầm ấm với con gà, đĩa xôi, chén chè và các loại củ quả… Bà Thắm cho hay: “Gia đình tôi thường chọn cúng đưa ông bà vào ngày mùng 3 Tết. Coi như một cái Tết đã qua, mình cũng có mâm cơm mời các cụ chứng giám cho lòng thành, cầu mong ông bà thanh thản, phù hộ độ trì cho con cháu sức khỏe, vạn sự như ý. Lễ cúng cũng chỉ có con cháu trong gia đình sum vầy bên nhau”. 
Không chỉ thể hiện tấm lòng thành kính, tưởng nhớ đến tổ tiên, tục cúng đưa ông bà vào chiều mùng 3 Tết còn góp phần giáo dục con cháu về đạo lý uống nước nhớ nguồn. Ảnh: Mộc Trà

“Năm nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên kế hoạch về quê Bình Định ăn Tết trước đó của gia đình đành phải hủy bỏ. 2 ngày đầu năm mới, tôi dành thời gian đi lễ chùa cầu bình an, viếng mộ ông bà, tổ tiên và cùng gia đình đi du xuân các địa điểm vui chơi trên địa bàn. Hôm nay, tôi cũng tranh thủ đi chợ mua đồ cùng gia đình, người thân làm mâm cơm cúng tiễn đưa ông bà, tổ tiên. Dự định ngày mai, tôi sẽ xuống đồng đi tưới cà phê với mong muốn năm mới vạn sự bình an, mùa màng bội thu, giá cả các mặt hàng nông sản năm nay sẽ ổn định ở mức cao…”-bà Nguyễn Thị Thu (thôn Hồ Nước, thị trấn Chư Sê) vui vẻ cho biết.

Ngày mùng 3 Tết, người dân huyện Chư Sê tranh thủ đi chợ để chuẩn bị mâm cơm cúng đưa ông bà. Ảnh: Quang Tấn
NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm