Tết làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai có 44 dân tộc sinh sống đã tạo nên tính đa dạng mà thống nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tính đa dạng, xét về phương diện văn hóa là sắc thái văn hóa vùng với những đặc điểm riêng được sáng tạo bởi các nhóm dân cư, các thành phần dân tộc trên vùng lãnh thổ. Tính thống nhất văn hóa, đó là ý thức về một quốc gia, là sử dụng ngôn ngữ chung làm công cụ giao tiếp, truyền đạt các văn bản pháp lý trong quản lý nhà nước.
Vùng Trường Sơn-Tây Nguyên gắn liền với kinh tế rừng, kinh tế nông nghiệp lúa rẫy. Cư dân bản địa có hẳn “mùa tết” với hệ thống nghi lễ và hội hè, gọi chung là mùa ning nơng, diễn ra tưng bừng sau Tết Nguyên đán. “Mùa tết” nhằm vào mùa khô, vụ lúa rẫy, cây lương thực khác đã thu hoạch; con thú trong rừng vào mùa giao hoan, sinh trưởng; con người vào thời điểm nông nhàn. Cùng với quan niệm vạn vật hữu linh, lễ hội được tiến hành: mừng lúa mới, pơ thi, cúng các Yàng: Yàng Đak (nước), Yàng cây, Yàng suối, Yàng rừng... tổ chức theo quy mô họ tộc, cộng đồng làng.
Vài thập niên trở lại đây, diễn trình văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, ở Gia Lai nói riêng vận động và định hình theo một diện mạo mới thông qua sự giao thoa, tác động của kinh tế nông nghiệp lúa nước, cây công nghiệp dài ngày, sức ảnh hưởng và lan tỏa của tôn giáo, bởi thành tựu khoa học-công nghệ, của lối sống công nghiệp… mùa ning nơng bị “đứt quãng” cả theo nghĩa không gian và thời gian. Thay vào đó, dân làng ăn Tết cổ truyền-cái Tết của người Việt theo nghĩa quốc gia, dân tộc.
Âm vang hoàng hôn. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh
Âm vang hoàng hôn. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh
Dịp Tết, chính quyền vận động người dân chỉnh trang từ đầu ngõ đến cuối làng, khuôn viên mỗi gia đình. Cờ Tổ quốc được trân trọng treo trước nhà. Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đón Tết bằng gương mặt hoàn toàn mới, rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ. Những gia đình người dân tộc thiểu số làm việc ăn lương nhà nước, có thành viên người nhà nước, người của công ty được nghỉ Tết theo chế độ cùng với khoản tiền lương, tiền thưởng thì tổ chức ăn Tết theo cách riêng của họ. Tuy không chăm chút nơi thờ tự, viếng mộ phần tổ tiên ông bà như người Kinh, nhưng nhà cửa được trang hoàng để đón khách cùng ăn Tết. Từng nhà, hoa được chưng gian phòng khách, bánh mứt được bày biện. Còn chuẩn bị những phong bao mừng tuổi cha mẹ, lì xì con cháu. Những gia đình sống bằng nghề nông, trong ba ngày Tết đồng loạt nghỉ việc ruộng đồng, nương rẫy. Cứ dăm ba hộ chung nhau đốt một con heo, rủ nhau nấu bánh mang về ăn Tết. Ở làng, nhà nào cũng nuôi gà, tự tay làm món gà nướng, cơm lam truyền thống, quây quần bên ghè rượu vít cần chẳng đợi có khách đến nhà như theo lẽ thường.
Nhiều địa phương thuộc các huyện như Ia Grai, Phú Thiện, Kbang, Kông Chro… đã hình thành làng đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc. Vui Tết, chơi xuân cùng với việc tổ chức các nghi lễ thờ cúng theo tín ngưỡng truyền thống, chế biến ẩm thực đặc sản, họ tổ chức diễn xướng các trò chơi dân gian như: tung còn, nhảy sạp, đánh đu, kéo co… thu hút khách tham quan, cư dân trong vùng cùng tham gia; đắm say bởi điệu múa dân gian mềm mượt của những thiếu nữ trong bộ váy áo rực rỡ, lóng lánh sắc màu.
Với lớp người trẻ, du xuân ngày Tết thuộc về nhu cầu. Theo nhóm gia đình, bạn bè bằng những phương tiện khác nhau họ hòa mình vào những danh thắng tự nhiên hoang sơ, danh thắng được bàn tay con người tôn tạo. Niềm vui bên cánh rừng già, suối nước trong veo, bãi cát trắng ngần, hồ nước mênh mông… được nhân lên cùng thức món mang theo hay nấu nướng đơn giản tại chỗ.
Vui chơi trong ngày hội. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Vui chơi trong ngày hội. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Tết là dịp các cá nhân, tổ chức thiện nguyện hướng về làng sâu, làng xa. Những phần quà ngoài nhu yếu phẩm, còn có bánh mứt, áo quần mới. Trẻ con rạng ngời niềm vui trong ánh mắt; người già vui vẻ đón nhận, cảm xúc dâng tràn nói lời cảm ơn. Góp vui ngày Tết, những người bán hàng rong với từng chùm bong bóng bay hình thù các con vật đủ màu sắc ngộ nghĩnh dừng xe ở trung tâm làng gợi sự thèm muốn, thích thú con trẻ.
Tết, làng rộn lên âm thanh ca nhạc. Người làng vốn yêu âm nhạc, có khả năng ca hát nên chỉ cần chiếc đàn guitar; đôi đũa tre, chén bát xoong nồi trước mặt làm nhạc cụ là người trẻ say sưa hát. Bây giờ, cùng với sự góp mặt của karaoke lưu động, chiếc loa “kẹo kéo” ta làm ca sĩ, làm thính khán giả cùng vui hết mình với Tết!
Thế đấy, đắm mình vào Tết ở làng dù chỉ đôi nét cũng đủ cho chúng ta thấm thía vẻ đẹp tươi ngần trong sinh hoạt tinh thần chỉ có ở Tết.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm