Dư địa chí

Thăm bảo tàng cổ vật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lần lữa đôi lần, mới đây tôi cũng đến thăm Bảo tàng Cổ vật (trực thuộc Bảo tàng tỉnh Gia Lai). Thăm rồi lại muốn giới thiệu thêm cho nhiều người biết. Băn khoăn vì, gần trọn buổi sáng hôm ấy mà chỉ có mình tôi với sự nhiệt tình đến du dương của cô thuyết minh viên Nguyễn An. An giải thích rằng, khách đến tham quan phần lớn là đi theo đoàn, cá nhân thì cũng… lai rai. Với tôi, bảo tàng này là độc nhất vô nhị: bảo tàng trong một ngôi chùa và chùa trong bảo tàng, nằm ngay giữa trung tâm TP. Pleiku.
 

 

Theo thuyết minh của Nguyễn An, Bảo tàng Cổ vật Gia Lai được thành lập trên cơ sở cải tạo lại ngôi chùa Hộ Quốc và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5-2013. Hiện Bảo tàng trưng bày và lưu giữ 34 cổ vật có nguồn gốc xuất xứ tại Gia Lai và 72 cổ vật rất quý hiếm thuộc nền Văn hóa Đông Sơn (có niên đại trên dưới 3.000 năm) do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Cổ vật Việt Nam trao tặng tháng 8-2014. Có thể kể đến những cổ vật tiêu biểu và độc đáo như: trống đồng Đông Sơn; trống cái, nhạc khí của đồng bào Jrai, Bahnar và các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên. Ngoài ra còn có các công cụ lao động rất phong phú và đa dạng, cũng như vũ khí trong chiến đấu… của người Việt, Jrai và Bahnar cổ. Chiêm ngưỡng những cổ vật này, ta như được trở về với đời sống sinh động của tổ tiên ngày xửa ngày xưa…

Như trên đã nói, Bảo tàng được trưng bày trong chùa. Bởi thế, ta chẳng những được thắp nén hương thơm trong sự linh thiêng của nơi thờ Phật, mà còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật hội họa độc đáo với 12 bức tranh được vẽ trên tường nói về sự ra đời, tu hành và đắc đạo của Đức Phật. Nếu bức tranh thứ nhất và thứ hai nói về Vương triều và bộ tộc Sakya, quê hương và truyền thuyết về Hoàng hậu sinh ra Đức Phật… thì các bức tranh còn lại mô tả về hành trình tu luyện đi đến đắc đạo của Phật Tổ… Có thể nói, 12 bức tranh là một câu chuyện dài đầy tính hiền triết thể hiện sinh động cuốn sử thi bằng tranh về Ngài.

Chuyện trò với thuyết minh viên Nguyễn An, chị còn cho biết, tới đây Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư, bổ sung hiện vật phong phú hơn, nhất là các cổ vật mới được khai quật ở An Khê với niên đại nhiều vạn năm. Rồi đây Bảo tàng Cổ vật không chỉ là nơi du khách xa gần tham quan, mà chị còn mong ước Bảo tàng sẽ là nơi học tập truyền thống của cha ông cho thế hệ trẻ.

Linh Lan

Có thể bạn quan tâm