Tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm đảo lộn mọi thứ, tác động lớn đến cuộc sống của mỗi người. Trong cơn “cuồng phong” ấy, tình dân tộc, nghĩa đồng bào càng thấm đượm hơn bao giờ hết. Những nghĩa cử cao đẹp, những câu chuyện ấm áp tình người không khỏi làm xúc động về tinh thần “tương thân, tương ái” tốt đẹp của dân tộc.

Gieo mầm yêu thương

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người, khiến nhiều trẻ nhỏ rơi vào cảnh mồ côi, mất đi hơi ấm tình thân. Riêng tại Gia Lai cũng có hàng chục trường hợp mồ côi cha mẹ do dịch, trong đó có em chỉ mới vài tháng tuổi. Các em còn quá nhỏ để biết về nỗi mất mát, đau thương và rồi trong quá trình trưởng thành, những khoảng trống này cũng sẽ khó lấp đầy. Báo Gia Lai đã có bài viết “Khoảng trống dưới những mái nhà” phản ánh về những hoàn cảnh đáng thương này. Và bài viết cũng là “nhịp cầu” để Quỹ thiện nguyện Kết nối yêu thương ở TP. Hồ Chí Minh nhận hỗ trợ các em lâu dài trên con đường học tập.

Chị Đỗ Trần Như Thảo-đại diện Quỹ thiện nguyện Kết nối yêu thương-chia sẻ: “Khi tiếp nhận thông tin về những cháu nhỏ mất cha, mẹ do dịch Covid-19, mình muốn phát tâm, truyền chút hơi ấm đến các gia đình, giúp họ vượt qua nghịch cảnh. Mục tiêu của Quỹ là động viên gia đình tiếp tục cho con cái đến trường để thay đổi cuộc sống sau này”.

Tỉnh Đoàn trao tặng trang-thiết bị y tế phòng-chống dịch Covid-19 cho Sở Y tế. Ảnh: Minh Nhật
Tỉnh Đoàn trao tặng trang-thiết bị y tế phòng-chống dịch Covid-19 cho Sở Y tế. Ảnh: Minh Nhật



Với sự hỗ trợ của Quỹ, hàng năm, mỗi em được hỗ trợ 4,5 triệu đồng, tương ứng với 9 tháng học tập trong năm và sẽ duy trì cho đến khi các em học xong lớp 12. Nhận số tiền 1 triệu đồng do đại diện Quỹ chuyển vào tài khoản ủng hộ 2 cháu Phương Gia Hạo (SN 2013) và Phương Gia Tuệ (SN 2017), chị Phương Thị Giang (thôn Pác Bó, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) bộc bạch: “Từ lúc bố các cháu mất vì dịch Covid-19, mẹ cháu cứ thơ thẩn ra vào, việc làm không có nên cuộc sống chồng chất khó khăn. Anh em giúp nhau là điều tất nhiên nhưng 3 cháu nhà tôi còn nhỏ, kinh tế eo hẹp nên không giúp được gì nhiều. Số tiền 1 triệu đồng mỗi tháng với gia đình lúc này là rất lớn. Chúng tôi sẽ cố gắng động viên các cháu học tập để không phụ sự quan tâm, giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân”.

Quỹ thiện nguyện Kết nối yêu thương do chị Thảo và chị Huỳnh Thị Thúy cũng là cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương thành lập năm 2018. Ngoài giúp đỡ 10 em nhỏ mồ côi do đại dịch Covid-19, Quỹ cũng đang hỗ trợ 30 học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn tỉnh cũng với số tiền 4,5 triệu đồng/năm/em. Từ tháng 10-2021 đến nay, Quỹ tiếp tục nhận hỗ trợ 75 suất ăn lâu dài cho các học sinh Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi (xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) với số tiền 3 triệu đồng/tháng và duy trì 9 tháng trong năm học. “Ngoài nhóm cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, Quỹ còn có sự đồng hành tích cực của anh trai mình. Quỹ cũng đang khảo sát và dự kiến lựa chọn 1 trường học ở vùng khó để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất giúp các em an tâm, vui khỏe khi đến trường. Lan tỏa rộng và tạo ra nhiều năng lượng tích cực là điều mà tất cả các thành viên đều mong muốn”-chị Thảo bộc bạch.

Lòng nhân ái là cách con người trao nhau yêu thương và giúp những người xa lạ xích lại gần nhau. Hai nhóm từ thiện ở Gia Lai và Bình Dương đã kết nối với nhau để giúp đỡ gia đình bà Siu Plinh (làng Hle, xã Ia Pia, huyện Chư Prông). Con gái bà Siu Plinh làm công nhân ở tỉnh Bình Dương và tử vong vì Covid-19. Bà Plinh mong muốn đưa tro cốt con gái về quê nhưng “lực bất tòng tâm”. Hiểu nỗi lòng người mẹ, nhóm từ thiện Thanh niên Chư Prông đã kết nối với nhóm Hoa Hướng Dương (tỉnh Bình Dương) giúp bà thực hiện tâm nguyện. Hai nhóm lại tiếp tục kêu gọi hỗ trợ gia đình 1 con bò trị giá 15 triệu đồng; phối hợp cùng địa phương sửa chữa nhà cho bà Plinh. Anh Nguyễn Đắc Kiên Bình-Trưởng nhóm từ thiện Thanh niên Chư Prông-chia sẻ: “Sự giúp đỡ tuy không lớn nhưng đó là sự sẻ chia, góp sức của nhóm với hy vọng về ngày bình yên sớm trở lại”.

Tình người trong đại dịch

Trong gian khó, tình dân tộc, nghĩa đồng bào càng ngời sáng và thiêng liêng biết bao. Người dưng bỗng hóa gần, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”, trao cho nhau hộp cơm, chiếc bánh mì, hộp khẩu trang, chai nước lọc đến bó rau, con cá… Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhưng vẫn chung tay cùng địa phương và lực lượng tuyến đầu với nhiều hoạt động ý nghĩa. Nhiều em học sinh “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” sẵn sàng đập heo đất, dành hết số tiền tiết kiệm để ủng hộ công tác phòng-chống dịch. “Em đã dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm trong heo đất để mua 100 kg gạo ủng hộ công tác phòng-chống dịch của huyện. Làm được việc có ích, em cảm thấy rất vui”-em Nguyễn Ngọc Bảo Trân (học sinh lớp 7A5, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, thị trấn Kbang) bày tỏ về hành động của mình.

Hội viên phụ nữ phường Hoa Lư (TP. Pleiku) nấu ăn cho lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Minh Nhật
Hội viên phụ nữ phường Hoa Lư (TP. Pleiku) nấu ăn cho lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Minh Nhật

Ông Nguyễn Hữu Hiệp-Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh: “Chúng tôi vô cùng cảm ơn lãnh đạo tỉnh và người dân Gia Lai đã kịp thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ và trao những phần quà ý nghĩa. Không chỉ hỗ trợ nhân lực đồng hành cùng đội ngũ tuyến đầu chống dịch, tỉnh Gia Lai còn hỗ trợ rất nhiều lương thực, thực phẩm chia sẻ khó khăn với người dân trong suốt những ngày thành phố thực hiện giãn cách. Tình cảm đó thật vô cùng đáng quý!”.

Trong đợt dịch này, tổ chức Đoàn-Hội các cấp đã trao tặng hơn 2.000 túi an sinh cho người dân trên địa bàn tỉnh. Bà Đào Thị Nguyệt-Bí thư Chi bộ làng Đê Klanh (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) xúc động nói: “Giữa lúc khó khăn vì đại dịch, những món quà ý nghĩa này giúp bà con dân tộc thiểu số an tâm thực hiện cách ly, chung tay cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh. Món quà đến với bà con thật đúng lúc”.

“Tình dân tộc, nghĩa đồng bào” còn được thể hiện rõ nét trong những ngày TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng-chống dịch. Mỗi địa phương dẫu đang chịu tác động rất lớn bởi dịch Covid-19, song nhiều y-bác sĩ đã viết đơn tình nguyện vào tâm dịch. Những chuyến xe “0 đồng” do MTTQ các cấp, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát động chở hàng trăm tấn nhu yếu phẩm vào “chia lửa” cùng miền Nam ruột thịt. Các bếp ăn thiện nguyện cũng đã hoạt động hết công suất để nấu hàng ngàn suất cơm, hỗ trợ xăng xe, nước suối để “tiếp sức” cho bà con trên đường trở về quê tránh dịch.

Là một tổ chức thiện nguyện uy tín với hơn 11 năm hoạt động, Câu lạc bộ Tấm lòng vàng An Khê đã có nhiều hoạt động kịp thời, ý nghĩa. Ngoài những túi an sinh, trang-thiết bị y tế hỗ trợ người dân, tham gia lực lượng làm công tác phòng-chống dịch trên địa bàn, Câu lạc bộ còn thực hiện chương trình “Gởi chút yêu thương đến Sài Gòn” ủng hộ bánh chưng, rau củ quả... trị giá hơn 300 triệu đồng. Bà Phan Thị Nhung-Chủ nhiệm Câu lạc bộ-chia sẻ: “Những phần quà nhỏ nhằm giúp bà con vơi bớt nhọc nhằn, lo lắng, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch. Người nhận thì thấy hạnh phúc và người cho cũng cảm thấy ấm lòng hơn”.

Ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho biết: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát động chương trình “7 ngày một đợt xe chở hàng” và đã thực hiện 15 chuyến xe chở gần 400 tấn lương thực, thực phẩm (trị giá gần 3 tỷ đồng) hỗ trợ người dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai; hỗ trợ vận chuyển miễn phí hơn 30 tấn hàng hóa thiết yếu do người dân trong tỉnh gửi người thân đang sinh sống, học tập, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã kêu gọi sự ủng hộ của các tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm số tiền gần 29 tỷ đồng và hơn 455 tấn hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng-chống dịch.

Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng tinh thần đoàn kết, san sẻ yêu thương lan tỏa sâu rộng là sức mạnh để cùng với các lực lượng tuyến đầu sớm chiến thắng dịch bệnh.

 

 MINH NHẬT - AN NGUYÊN

 

Có thể bạn quan tâm