(GLO)- Trong chương trình phát triển kinh tế, Gia Lai đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch là điện gió và điện mặt trời. Mục tiêu này được thực hiện bằng các chương trình hành động với đa dạng nguồn lực, trong đó huy động đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân.
Khai thác tiềm năng lợi thế
Gia Lai có tiềm năng dồi dào để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là lĩnh vực điện gió. Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam nên hầu như tất cả các đường dây 500 kV từ Bắc vào Nam đều đi qua địa bàn Gia Lai, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Thời gian qua, thực hiện quan điểm “Phát triển năng lượng phải đi trước một bước, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”, tỉnh rất quan tâm kêu gọi các nhà đầu tư tiến hành khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch và triển khai các dự án năng lượng tái tạo.
Đập tràn Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Hòa Carol |
Hiện nay, Gia Lai có 49 dự án thủy điện đang vận hành với tổng công suất 2.246,15 MW; 3 dự án đang triển khai xây dựng với tổng công suất 25,6 MW; 9 dự án được bổ sung quy hoạch nhưng chưa cấp chủ trương đầu tư, tổng công suất 59,2 MW. Ngoài ra, có 2 dự án nhà máy điện sinh khối từ bã mía đang vận hành với tổng công suất 144,6 MW. Điện mặt trời có 2 dự án đang vận hành, tổng công suất 84 MWp; 2 dự án được bổ sung quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư và đang triển khai các thủ tục, tổng công suất 74 MWp; 5 dự án đã được bổ sung quy hoạch, chưa cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất 654 MWp; 10 dự án đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất là 1.125 MWp; 25 dự án đã được UBND tỉnh cho phép khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất dự kiến là 4.563,5 MWp. Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất 603,822 MWp. Đã có 11 dự án điện gió, tổng công suất 563,4 MW được công nhận vận hành thương mại; 89 dự án đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch, tổng công suất 11.559,2 MW; 9 dự án được UBND tỉnh cho phép khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, tổng công suất dự kiến 1.221,4 MW.
Đối với điện gió, trung bình thu hút 35 tỷ đồng/MW; điện mặt trời nối lưới 25 tỷ đồng/MW; thủy điện 30 tỷ đồng/MW, điện mặt trời mái nhà 15 tỷ đồng/MW. Bên cạnh thu hút nguồn vốn lớn, việc đầu tư vào các dự án năng lượng còn phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai, ít gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường sinh thái, tăng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo việc làm cho người lao động, góp phần tăng nguồn thu ngân sách của địa phương và tạo ra một hình ảnh mới có tác động tích cực cho ngành du lịch của tỉnh.
Tăng sản lượng điện cho quốc gia
Trong kế hoạch phát triển năng lượng sạch, Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió và mặt trời để hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 dự án điện mặt trời nối lưới và 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất hơn 687 MWp. Tính đến hết ngày 31-10-2021, toàn tỉnh có 11 dự án điện gió với tổng công suất 563,4 MW được công nhận vận hành thương mại. Trong đó, 7 dự án được công nhận vận hành thương mại toàn nhà máy với công suất 446,2 MW; 4 dự án được công nhận vận hành thương mại một phần với công suất 117,2 MW.
Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa (xã Chư Gu, huyện Krông Pa). Ảnh: Nam Bình |
Ông Hồ Quý Tri Thức-Phó Giám đốc Công ty cổ phần điện gió Ia Bang-cho biết: Hàng năm, Nhà máy điện gió Ia Bang 1 đóng góp khoảng 163 triệu kW vào lưới điện quốc gia, phục vụ gần 25.000 hộ gia đình, đồng thời góp phần giảm lượng phát thải 141.411 tấn CO2/năm. Doanh thu hàng năm khoảng 319 tỷ đồng. “Sau những nỗ lực của Công ty cũng như được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan, ban ngành của tỉnh, Nhà máy điện gió Ia Bang 1 đã hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia đúng như kế hoạch”-ông Thức phấn khởi nói.
Theo Giám đốc Sở Công thương, 16 dự án điện gió đang thi công trên địa bàn tỉnh đã thu hút nguồn vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng. 16 dự án này có 297 trụ turbine gió (3,3-5 MW/trụ). Các dự án điện gió đã phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn với gần 190 km đường giao thông các loại được hình thành, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các dự án điện gió khi đưa vào vận hành đã góp phần tăng sản lượng điện hàng năm cho lưới điện quốc gia, đóng góp một phần trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. “Trung bình 1 MW điện gió sẽ nộp ngân sách khoảng 550 triệu đồng, như vậy 1.242,4 MW được đưa vào vận hành thương mại thì sẽ góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách khoảng 680 tỷ đồng (chiếm khoảng 13,6% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh). Đồng thời, các dự án điện gió đi vào vận hành sẽ góp phần thu hút du khách đến với Gia Lai tham quan du lịch”-ông Binh nhấn mạnh.
VŨ THẢO