Về Ia Rmok nghe kể khan

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những đêm hát kể sử thi (kể khan) bên ánh lửa nhà rông bập bùng đã trở thành nét văn hóa thấm đẫm trong tâm hồn người Jrai ở huyện Krông Pa. Mặc dù số người biết kể khan còn rất ít nhưng ở xã Ia Rmok vẫn có những người Jrai đang âm thầm gìn giữ, sưu tầm các bài khan với mong muốn truyền đời một nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Một ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm nhà ông Ksor Oi ở buôn Nông Siu, xã Ia Rmok. Ông Oi là người hiếm hoi ở vùng đất ven sông Ba này còn thuộc nhiều bài khan. Dù năm nay đã bước sang tuổi 101 nhưng ông vẫn còn khá khỏe mạnh, minh mẫn. Khi biết chúng tôi đến để nghe kể khan, ông Oi lộ rõ sự hào hứng và liền gọi người cháu nội là anh Nay Siu ở gần nhà để cùng chuyện trò.
Ông Oi kể: Dòng họ ông có nhiều người biết kể khan. Vậy nên từ nhỏ, ông đã được đắm chìm trong những buổi kể khan của người già. Có những bài khan dài đến nỗi phải kể từ đêm này sang đêm khác mới hết. Cũng không ai dạy và chưa bao giờ chú tâm nghĩ rằng phải học thuộc nhưng những bài khan cứ ngấm dần vào ông lúc nào không hay. Năm 15 tuổi, ông gần như thuộc lòng những bài khan mà người già trong buôn thường kể.
Dù đã 101 tuổi nhưng ông Ksor Oi (buôn Nông Siu) vẫn thuộc hơn 20 bài khan của người Jrai. Ảnh: R’Ô HOK
Dù đã 101 tuổi nhưng ông Ksor Oi (buôn Nông Siu) vẫn thuộc hơn 20 bài khan của người Jrai. Ảnh: R’Ô HOK

Nhờ tiếp xúc, trau dồi thường xuyên nên những bài khan trong đầu ông ngày càng nhiều như hạt lúa, hạt bắp trên rẫy. “Năm 1959, theo tiếng gọi của Tổ quốc, mình tham gia bộ đội đánh giặc ở Kon Tum. Tại đơn vị, mình được gặp gỡ rất nhiều đồng đội từ nhiều dân tộc khác nhau. Lúc nghỉ ngơi, mỗi người tự kể khan của dân tộc mình cho mọi người nghe. Chính lời khan đã giúp mọi người vơi đi mỏi mệt, nỗi nhớ nhà và thêm ý chí vượt qua gian khổ, ác liệt của chiến tranh”-ông Oi bộc bạch.

Dù đã ngoài trăm tuổi nhưng ông Oi vẫn thuộc lòng hơn 20 bài khan của người Jrai, trong đó, phải kể đến bài bà Duôn Dung (một số vùng người Jrai gọi là bà Yă Pum), bà tok M’Bok, Ơi Mtao, nàng H’Bia Angin và chàng Rít, chàng Y Prao (con rắn), chàng Ch’hliêr… Nhấp ly trà nóng, bằng chất giọng truyền cảm, ông Oi kể cho chúng tôi bài khan về chàng Y Prao. Chuyện kể rằng: Ở một buôn nọ có một bà cụ tên Duôn Dung nuôi 1 đứa cháu gái tên H’Lúi xinh đẹp, thùy mị, đảm đang. Vì nhà nghèo nên 2 bà cháu phải lên rừng đào củ mài để ăn. Một hôm, trong lúc đi rừng thì gặp trận mưa to nên bà Duôn Dung bị ướt nhèm, trong gùi lại chưa có gì để mang về cho cháu ăn. Vậy là bà tiếp tục đi sâu vào rừng tìm kiếm và phát hiện mảnh rẫy trồng đủ loại cây ăn quả, lúa, mì. Vì đói nên bà ghé vào chòi rẫy để xin. Khi đến gần chòi rẫy, bà chỉ thấy 1 con rắn đang nằm nên rất hoảng sợ. Thấu hiểu hoàn cảnh của bà, con rắn (người Jrai ở Krông Pa gọi là Y Prao) kể cho bà nghe chuyện mình vì mắc tội với thần linh nên bị hóa kiếp làm con rắn. Sau đó, con rắn hái cho bà cả gùi bắp, trái cây… để mang về. Tháng ngày trôi qua, nhờ sự giúp đỡ của Y Prao mà 2 bà cháu vượt qua thời điểm giáp hạt.
Đến một ngày nọ, Y Prao hỏi cưới nàng H’Lúi làm vợ thì bà Duôn Dung đồng ý. Sau khi cưới, Y Prao biến thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú nên nhiều cô gái trong buôn để ý, trong đó có H’Bia-con của Vua Pơtao. Vì đố kỵ nên H’Bia bày mưu giết hại nàng H’Lúi để chiếm lấy chàng Y Prao. Một hôm, trong lúc chàng Y Prao đi làm ăn xa, H’Bia rủ nàng H’Lúi ra tắm sông. Biết ý, nàng H’Lúi mang theo 1 quả trứng gà trong người. Khi đang mải mê chơi, H’Bia đẩy nàng H’Lúi xuống sông và bị con cá to nuốt vào trong bụng. Nghĩ nàng H’Lúi đã chết, H’Bia về ở với chàng Y Prao. Ngày tháng qua đi, trong bụng cá, nàng H’Lúi hạ sinh 1 con trai, quả trứng gà cũng nở ra con gà trống, ngày đêm gáy kêu tên chàng Y Prao khiến con cá phải nhả cả người và gà ngoài bờ. Sau đó, mẹ con nàng H’Lúi trở về sống ở một ngôi làng khác. Ngày nọ, trong lúc đi ngang qua ngôi làng mẹ con nàng H’Lúi sống, chàng Y Prao nghe con gà trống gáy gọi tên mình. Chàng vào làng thì phát hiện ra 2 mẹ con nàng H’Lúi nên ở lại đây luôn. Khi phát hiện sự việc như vậy, H’Bia rất tức giận. H’Bia đòi Vua Pơtao cho mình cưới con mãng xà với ý nghĩ nó sẽ biến hóa thành người đẹp và tài giỏi hơn chàng Y Prao. Tuy nhiên, khi làm lễ cưới thì con mãng xà nuốt chửng H’Bia. Từ đó, gia đình nàng H’Lúi sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.
Với người Jrai, kể khan là một loại hình văn hóa dân gian được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Chủ đề trong những bài khan thường phản ánh rõ nét quá trình hình thành và phát triển của buôn làng, cuộc chiến giữa các bộ lạc, bảo vệ cộng đồng, mùa màng, giữa cái thiện và ác, tình yêu đôi lứa. Trong các bài khan thường xuất hiện hình ảnh những con vật biến hóa thành con người giàu lòng nhân đạo, đẹp đẽ; thân phận của những người nghèo khổ, mồ côi nhưng được thần linh giúp đỡ hay các gã nhà giàu tham lam, khinh người có kết cục không tốt. Một số bài khan thường được liên hệ với các địa danh, sự vật, hiện tượng cụ thể có thật trong thực tế để người nghe có thể mường tượng ra. Trước đây, hầu như buôn làng nào cũng có người già biết kể khan. Những người già thuộc nhiều bài khan được cộng đồng hết sức kính trọng, dân làng hay lui tới nhà để nghe. 
Âm vang đại ngàn. Ảnh: Hòa Carol
Âm vang đại ngàn. Ảnh: Hòa Carol
Anh Nay Siu trải lòng: “Mình rất thích những bài khan của ông nội. Từ năm lớp 10, mỗi buổi tối, mình thường qua nhà ông nội nghe kể khan và thu âm lại bằng điện thoại để lưu giữ lại và kể cho bạn bè nghe. Mình muốn những bài khan sẽ còn mãi với thời gian”.
Anh Nay Chương (buôn Blak, xã Ia Rmok) cũng là người đam mê những bài khan của dân tộc mình. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Khoa Y dược, Trường Đại học Tây Nguyên, anh về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pa. Chứng kiến những nét văn hóa của dân tộc đang dần mai một, anh không thôi trăn trở. Vì vậy, nhiều năm nay, anh thường xuyên tranh thủ lúc rảnh rỗi xuống các buôn làng xa xôi để sưu tầm các bài khan. Bên cạnh đó, nhờ thông thạo cả tiếng Ê Đê, anh đã sưu tầm nhiều bài khan, chuyện cổ độc đáo của dân tộc này.
Hiện nay, anh Chương đã sưu tầm, lưu giữ hơn 10 bài khan của người Jrai và Ê Đê, trong đó có các bài: Sing Ch’ngă, chàng Ch’grí, chàng Y Rít, bà Duôn Dung, chàng Y Thih… “Hồi nhỏ, mình được nghe mẹ kể các bài khan của người Jrai và Ê Đê. Bây giờ, càng dấn thân tìm hiểu, mình càng thích thú. Vào thời gian rảnh rỗi, mình hay viết, chia sẻ thêm về các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc lên mạng xã hội Facebook để bạn bè hiểu biết thêm về văn hóa của dân tộc mình”-anh Chương bày tỏ.
Tại Krông Pa, số người còn nhớ đầy đủ những bài khan chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Anh Ksor Nam-cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện-cho hay: “Phần lớn người biết kể khan đã cao tuổi và đã mất nên công tác sưu tầm, lưu giữ gặp rất nhiều khó khăn. Có người kể nhưng không có người nghe, có người nghe nhưng không có người kể nên loại hình văn hóa này dần dần mai một. Khác với truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, học vài tháng là có thể biết, kể khan phải có không gian riêng, phải cùng sống, cùng ăn ở với người già thì mới có thể nắm bắt được. Xã Ia Rmok còn bảo tồn, lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của người Jrai, trong đó có kể khan. Trường hợp của ông Ksor Oi là rất hiếm gặp”.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm