Vợ chồng “khoa bảng”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Là tôi đang nói đến vợ chồng chị Nguyễn Thị Cẩm Vân và anh Nguyễn Văn Long. Chị là Tiến sĩ chuyên ngành Kế toán, giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Lâm nghiệp-Phân hiệu tại Gia Lai.

Còn anh là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên). Anh đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Deakin (Úc) theo chương trình học bổng toàn phần.

Anh Nguyễn Văn Long và chị Nguyễn Thị Cẩm Vân chơi cùng các con. Ảnh: P.D

Anh Nguyễn Văn Long và chị Nguyễn Thị Cẩm Vân chơi cùng các con. Ảnh: P.D

Ưu tiên để vợ học trước

Đó là lý do đến nay anh Long mới là nghiên cứu sinh, còn chị Vân đã nhận bằng tiến sĩ hồi đầu năm 2022. Anh chị cùng sinh năm 1984, cùng tốt nghiệp Đại học Huế. Anh học Đại học Nông lâm, chị học Đại học Kinh tế và yêu nhau từ thời sinh viên. Ra trường, anh Long đầu quân về Viện Duyên hải Nam Trung Bộ, chị Vân công tác tại Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Chư Sê, rồi Agribank Chư Sê. Hai năm sau, anh quyết định chuyển công tác về Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu (số 322 Trường Chinh, phường Trà Bá, TP. Pleiku). Chị cũng kéo gần khoảng cách địa lý bằng việc nộp hồ sơ thi tuyển và trở thành giảng viên Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên (nay là Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai). Sau khi ổn định công việc, năm 2009, anh chị về chung 1 nhà. Một năm sau đó, chị theo học thạc sĩ chuyên ngành Kế toán tại Trường Đại học Đà Nẵng. Cũng trong khoảng thời gian này, chị học thêm văn bằng 2 Anh văn và sinh con trai đầu lòng.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh: Trường hợp vợ tiến sĩ, chồng đang nghiên cứu sinh như gia đình Tiến sĩ Nguyễn Thị Cẩm Vân là khá hiếm. Tôi cho rằng, biểu dương, tôn vinh những gia đình trí thức có trình độ cao là cần thiết, để lan tỏa hơn nữa tinh thần ham học hỏi trong cộng đồng.

Chị Vân hoàn thành chương trình thạc sĩ cũng là lúc anh Long nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Úc. Để nâng cao trình độ tiếng Anh, chương trình học bổng hỗ trợ anh theo học 1 năm 6 tháng tại Đại học RMIT (Hà Nội). Năm 2014, anh sang Úc đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Khoa học và nông nghiệp tại Trường Đại học New England. Đây cũng được xem là chặng đường giúp vợ chồng anh... thoát nghèo.

“Đại học New England là ngôi trường danh tiếng. Ở đây, mình được trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học tiên tiến. Chính phủ Úc hỗ trợ học bổng ban đầu là 5.000 AUD (tương đương gần 100 triệu đồng) và 2.500 AUD mỗi tháng. Mình chi tiêu tiết kiệm để mua đất, xây nhà”-anh Long cười vui. Chia sẻ về lý do luôn ưu tiên để vợ đi trước một bước trong sự nghiệp, anh Long lý giải: “Hoàn cảnh gia đình không cho phép cả 2 cùng theo học. Vợ mình là giảng viên nên cần sớm hoàn thiện kiến thức cũng như bằng cấp để đáp ứng yêu cầu công việc”.

Anh Nguyễn Văn Long (ở giữa) cùng 2 nghiên cứu sinh trong phòng thí nghiệm của mạng lưới nền tảng công nghệ sinh học vi sinh vật phổ biến tại Hà Nội (ảnh nhân vật cung cấp).

Anh Nguyễn Văn Long (ở giữa) cùng 2 nghiên cứu sinh trong phòng thí nghiệm của mạng lưới nền tảng

công nghệ sinh học vi sinh vật phổ biến tại Hà Nội (ảnh nhân vật cung cấp).

Khi anh Long chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ cũng là lúc chị Vân đã sẵn sàng hành trình nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên thời gian bảo vệ luận án tiến sĩ của chị chậm hơn dự kiến. Đến đầu năm 2022, chị mới nhận bằng tiến sĩ sau khi bảo vệ thành công luận án “Nghiên cứu việc vận dụng chuẩn mực kế toán-Trường hợp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Trao đổi về đề tài luận án, chị Vân cho hay: “Vận dụng chuẩn mực kế toán trong các doanh nghiệp là rất cần thiết. Việc ban hành và vận dụng chuẩn mực kế toán là con đường gắn kết, tăng lòng tin cho người sử dụng báo cáo tài chính, ngăn ngừa nguy cơ gian lận, thiếu minh bạch trong việc lập và công bố thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng sẽ có cơ hội hội nhập với kế toán quốc tế, thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước”.

Cơ hội mới

Không chỉ động viên về tinh thần và làm điểm tựa cho nhau về kinh tế, vợ chồng Tiến sĩ Nguyễn Thị Cẩm Vân còn đồng hành, hỗ trợ nhau về phương pháp, cách tiếp cận vấn đề tháo gỡ nút thắt trong quá trình nghiên cứu. Nhìn lại chặng đường đã qua, anh Long cho rằng: “Mỗi người có lựa chọn, lối đi riêng. Vợ chồng mình đều sinh ra, lớn lên trong gia đình khó khăn. Vì vậy, ngay từ đầu đã xác định, chỉ có nỗ lực học tập mới đem lại tri thức lẫn kinh tế. Vợ chồng mình kiên trì đi theo con đường đã chọn”.

Đồng quan điểm với chồng, chị Vân khẳng định: “Tất cả các ngả đường đều có những khó khăn, thử thách nhất định và để chạm đến mục tiêu thì không thể thiếu sự kiên trì, bản lĩnh. Không ít lần mình có ý định bỏ cuộc, nhưng được động viên, khích lệ nên tiếp tục cố gắng. Gia đình và nhà trường luôn hỗ trợ, tạo điều kiện để bản thân mình tiếp tục nỗ lực”.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân (bìa phải) giảng bài cho sinh viên. Ảnh: P.D

Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân (bìa phải) giảng bài cho sinh viên. Ảnh: P.D

Ông Nguyễn Quốc Khánh-Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính (Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai): Sau khi hoàn thành các chương trình đào tạo trở về, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cẩm Vân có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu, tích cực tham gia các hội thảo do các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức.

Theo chị Vân, lộ trình từ Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên trở thành Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai rất cần những tiến sĩ đầu ngành. Và, chị đã đáp ứng yêu cầu. Điều đó không chỉ tiết kiệm chi phí đào tạo mà còn nâng cao vị thế cạnh tranh cho trường trong việc thu hút, đào tạo đại học, sau đại học cũng như hoạt động liên kết. Dù khá bận rộn, song chị vẫn sắp xếp thời gian để vừa giảng dạy tại trường, vừa là giảng viên thỉnh giảng tại một số trường đại học ở Hà Nội, Đà Nẵng... và tiếp tục nghiên cứu. Chị khẳng định, nghiên cứu để kiến thức không bị mai một và cũng là hành trang cho một lộ trình dài hơn trong tương lai.

Trong khi đó, anh Long đang là nghiên cứu sinh năm thứ 2 tại Trường Đại học Deakin (Úc) và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025. Khoảng thời gian này, anh chủ yếu nghiên cứu, làm việc tại phòng thí nghiệm. Anh Long chia sẻ: “Công nghệ sinh học đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Lĩnh vực mình tập trung nghiên cứu là tìm các giải pháp sinh học, hữu cơ nhằm cải thiện chất đất, kiểm soát sâu bệnh hại để phát triển cây cà phê, hồ tiêu. Đây là lĩnh vực mà ngành Nông nghiệp tỉnh nhà nói riêng và khu vực Tây Nguyên đang rất quan tâm”.

Có thể bạn quan tâm