Xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mỗi khi Tết đến, xuân về, chủ đề phồn vinh, hạnh phúc và các nguồn lực để đạt được mục tiêu đó cho mỗi gia đình, dòng họ, vùng quê hay cả quốc gia, dân tộc thường được nhiều người quan tâm, bàn luận.

Ở tầm thể chế, từ trung ương đến địa phương, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của tiến trình phát triển bền vững vẫn là “gốc của mọi công việc”.

Với tư cách là nhà tư tưởng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, Nhân dân ta những di sản vô giá về cán bộ và công tác cán bộ. Người chỉ rõ: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Trên thực tế, Người luôn đặt công tác cán bộ lên vị trí hàng đầu trong các công tác của Đảng và chính Người đã tạo dựng được những thế hệ cán bộ “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” cùng Đảng, cùng dân lập nên những chiến công hiển hách trong thế kỷ XX. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, Người xác định: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”.

Vì thế, Người đã nêu gương và truyền cảm hứng để đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng phấn đấu trở thành “người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của Nhân dân; để cùng Đảng, cùng dân tộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”.

Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Đ.T

Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Đ.T

Kế thừa di sản của Người, trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn xem việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển nhanh, bền vững là một trong những khâu hợp thành của cải cách hành chính nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Từ sau Đại hội XII đến nay, hướng ưu tiên (quyết tâm chính trị và hành động thực tiễn) của Đảng đó là: Hoàn thiện thể chế đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng được xác định là then chốt. Theo đó, Đảng chỉ rõ: “Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; không dao động trước bất kỳ tình huống nào”.

Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng nhận thấy: “...Tư tưởng trông chờ, thụ động, ỷ lại vào cấp trên, tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, kỷ cương phép nước không nghiêm còn khá phổ biến; chưa tạo được nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp có tính đột phá, đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực cho phát triển”. Từ yêu cầu của tiến trình phát triển nhanh, bền vững của đất nước, thời đại, Đảng ta đã xác định: “...Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”.

Từ đó cho thấy, hình thành một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hội đủ phẩm chất “6 dám” được xem như nội dung hợp thành khâu then chốt của vấn đề then chốt.

“Dám” là nói về dũng khí, là“đảm dục đại” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc khéo Tướng Nguyễn Sơn cách đây 75 năm; là không sợ những cái khó, những việc chưa có tiền lệ, thậm chí chưa được hoạch định bằng chính sách, cơ chế.

“Dám nghĩ” là năng lực tư duy, cái khai mở cho chuỗi hành vi làm thay đổi hiện thực theo hướng phát triển. Dám suy nghĩ là phải “nhìn cho kỹ, suy cho rộng”, để phát hiện bản chất các hiện tượng, xu thế hay logic vận động của các sự vật, hiện tượng ấy, từ đó đưa ra cách thức giải quyết vấn đề một cách hợp lý, hợp lẽ, hợp thời. Các lãnh tụ của Đảng hoàn toàn không hẳn chỉ có “tư duy bậc cao”, mà họ có một “cái đầu” lúc nào cũng đầy ắp câu hỏi, sự trăn trở... Chịu suy tư, quan sát, ham học hỏi, sự đam mê và kiên nhẫn... đã đưa họ đến với những quyết sách mang tính đột phá, tạo nên “những bước ngoặt lịch sử” cho cách mạng, cho dân tộc.

Đó là năng lực phát hiện vấn đề, vạch ra cách thức hành động để giải quyết vấn đề của tổ chức, cộng đồng một cách có hiệu lực, hiệu quả. Vả lại, thực tiễn luôn đổi thay, biến động nên nhân tố lãnh đạo, tổ chức cũng phải thường xuyên điều chỉnh và định hình lại nhận thức, là “dám đổi mới” tư duy ­về những vấn đề liên quan đến mục tiêu và cách thức đạt được mục tiêu của tổ chức mình, cộng đồng mình khi thực tiễn đã “ra phán quyết” chính là thước đo phản ánh bản lĩnh và năng lực sáng tạo của chủ thể lãnh đạo.

“Dám nói” là thể hiện dũng khí, thẳng thắn, công tâm khi nhận định, xem xét, phán quyết một vấn đề, một sự việc nào đó. Không dám nói thực chất là một hình thức tự thủ tiêu tinh thần đấu tranh chân chính, thiếu tính xây dựng, một biểu hiện tinh vi của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, kiểu “ốc lo thân ốc”. Cán bộ, đảng viên phải là con người của hành động: đầu óc nghĩ suy, “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe” mới thu thập và xử lý kịp thời, có hiệu quả các dữ liệu xuất hiện trong thực tế để có những quyết sách hiệu lực, hiệu quả. Hiện tại, bên cạnh thời cơ, vận hội, công cuộc phát triển đất nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức...

Vì thế, cán bộ, đảng viên phải dám làm, tiên phong làm trước, nêu gương và định hướng, tổ chức để quần chúng nhân dân cùng làm. Tất nhiên, khi làm thì phải “dám chịu trách nhiệm”, thể hiện rõ tâm thế của người “đứng mũi chịu sào”, không lùi bước và luôn sẵn sàng đón nhận cả thành công và chưa thành công, thậm chí đối mặt với những rủi ro ngoài ý muốn. Đã là cán bộ của Đảng thì cần phải “chí công vô tư”.

Với đạo đức và nhiệt huyết cách mạng ấy, họ “dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Đây không chỉ là bản lĩnh, đạo đức mà còn là thước đo nghị lực, quyết tâm chính trị, là khả năng giải quyết những vấn đề mới, khó của cuộc sống một cách bình tĩnh, sáng suốt, tỉnh táo có hiệu lực, hiệu quả. Quyết tâm chính trị của toàn Đảng ta lúc này là ý chí thực hiện cho kỳ được khát vọng mà Đảng và Nhân dân ta xác định ở Đại hội XIII, là đổi mới toàn diện, đồng bộ; đưa đổi mới đi vào chiều sâu để xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với những mục tiêu cụ thể và lộ trình xác định.

Lãnh đạo, quản lý hay quản trị xã hội nói chung có đặc điểm nổi bật nhất là tính linh hoạt và đa dạng (do năng lực bản chất người của chủ thể, do đặc điểm của đối tượng; hoàn cảnh-môi trường, tình huống... chi phối). Điều này đòi hỏi chủ thể lãnh đạo phải thường xuyên rèn luyện kỹ năng để có thể đạt đến nghệ thuật: Nghệ thuật vận dụng các khả năng để hành động đạt hiệu quả cao nhất; nghệ thuật lựa chọn đường đi, chiều hướng vận động phù hợp với tình thế để đạt mục tiêu nhanh nhất, cao nhất và ít hao tốn nhất; nghệ thuật nắm, sử dụng và phát huy tốt tình thế và thời cơ theo nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; nghệ thuật điều hòa và cân bằng lợi ích; nghệ thuật sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại...

Dù có cân nhắc, tính toán kỹ càng bao nhiêu thì khi làm vẫn có thể đối mặt với rủi ro, sai lầm. Vì thế, trong Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị đã lưu ý: “Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta, đất nước ta trở thành môi trường văn hóa chính trị lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn vừa là nội dung, vừa là điều kiện để tạo động lực cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực sự dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động và dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của người dân, của đất nước trong bối cảnh thời đại mới hội nhập sâu rộng.

Có thể bạn quan tâm