Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2023, dù đối diện với nhiều khó khăn, thử thách song hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế của tỉnh Gia Lai vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá.

Đây chính là nền tảng để bước vào năm 2024, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh tiếp tục kề vai sát cánh cùng các doanh nghiệp phát huy bản lĩnh, nội lực, sẵn sàng vượt qua các trở ngại để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Giữ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh

Trong năm 2023, nhiều khó khăn, biến động từ các yếu tố bên ngoài lẫn bên trong đã tác động đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Gia Lai nói chung, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các KCN, khu kinh tế nói riêng.

Tuy nhiên, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, sự đồng thuận ủng hộ của doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã chỉ đạo, điều hành triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.

Tại các KCN, khu kinh tế, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Minh chứng cho điều này là những con số “biết nói” trong công tác quản lý đầu tư tại KCN Trà Đa (TP. Pleiku) khi một số doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động.

Trong năm vừa qua, tỉnh đã cấp mới quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án Nhà máy sản xuất bao bì của Công ty TNHH Bao bì Thiên Anh và Dự án Nhà máy cà phê L’amant với tổng vốn đầu tư đăng ký 139,981 tỷ đồng; thực hiện cấp điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án, trong đó có 2 dự án tăng vốn đầu tư thêm 54,7 tỷ đồng.

Một góc Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: H.D

Một góc Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: H.D

Khu Công nghiệp Trà Đa có 63 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.590,8 tỷ đồng; vốn đã thực hiện đầu tư 2.636,7 tỷ đồng, đạt 73,43%. Trong đó, 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 486,043 tỷ đồng, vốn đã thực hiện đầu tư là 450,395 tỷ đồng. Đến nay, 46/63 dự án đầu tư tại KCN Trà Đa đã đi vào hoạt động, 13 dự án đang xây dựng.

Hầu hết các nhà đầu tư vào KCN hướng hoạt động sản xuất kinh doanh vào các ngành nghề phát huy lợi thế về nguồn nguyên liệu thế mạnh sẵn có của địa phương như: sản xuất đá granite, chế biến nông sản, gỗ...

Trong năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.010,9 tỷ đồng (tăng 81,1% so với năm 2022); tổng doanh thu thuần đạt 5.928,8 tỷ đồng (tăng 53,1% so với năm 2022); doanh thu công nghiệp đạt 5.161,7 tỷ đồng (tăng 46,9% so với năm 2022). Các doanh nghiệp thực hiện nộp ngân sách nhà nước 171,2 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022.

Kim ngạch xuất-nhập khẩu của các doanh nghiệp tại KCN Trà Đa đạt 320,4 triệu USD, giảm 7% so với năm 2022 (kim ngạch xuất khẩu đạt 256,6 triệu USD, giảm 2,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 63,8 triệu USD, giảm 23,3%).

Tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, năm 2023, có 3 dự án được cấp điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó, 2 dự án tăng vốn đầu tư thêm 87,278 tỷ đồng; thực hiện cấp 1 giấy phép xây dựng. Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh hiện có 40 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 643,87 tỷ đồng; vốn đã thực hiện đầu tư 266,55 tỷ đồng, đạt 41,4%.

Các doanh nghiệp đầu tư vào Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh vùng biên giới.

Năm 2023, doanh thu thuần của các doanh nghiệp ước đạt 610,023 tỷ đồng (tăng 43% so với năm 2022); kim ngạch xuất-nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đạt 135,47 triệu USD (tăng 4,7% so với năm 2022), trong đó, kim ngạch nhập khẩu 69,55 triệu USD (giảm 9,9%), kim ngạch xuất khẩu 65,92 triệu USD (tăng 26,7%). Thu ngân sách nhà nước do lực lượng Hải quan thực hiện đạt 22,33 tỷ đồng, tăng 41,33% so với năm 2022.

Kết quả trên cho thấy, công tác quản lý nhà nước của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh trên các phương diện, lĩnh vực tại các KCN, khu kinh tế đã bám sát định hướng phát triển, tình hình thực tế cũng như tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp.

Các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch đã được triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thu hút nhà đầu tư

Bước vào năm 2024, dự báo tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục đan xen giữa cơ hội và khó khăn, thử thách. Với tâm thế chủ động và tinh thần tiên phong đổi mới, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh sẽ bám sát định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các mặt công tác quản lý nhà nước tại các KCN, khu kinh tế, dự báo nhu cầu, khả năng tăng trưởng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng công tác quản lý đầu tư, gia tăng hiệu quả đầu tư tại các KCN, khu kinh tế tương xứng với tiềm năng, giá trị sẵn có.

Theo đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, đơn giản hóa, phấn đấu giảm 30-70% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với trước; công khai, minh bạch các thông tin về đầu tư, doanh nghiệp, lao động, đất đai, xây dựng... trên website của đơn vị.

Ông Nguyễn Như Trình-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh. Ảnh: H.D

Ông Nguyễn Như Trình-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh. Ảnh: H.D

Từ đặc thù môi trường hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại KCN, khu kinh tế, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh lên kế hoạch tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại và tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp tại KCN, khu kinh tế.

Thông qua đó, tăng cường hoạt động kết nối, trao đổi thông tin và đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp ở các lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường, pháp luật, thuế, phòng cháy, chữa cháy, chuyển đổi số... nhằm đảm bảo doanh nghiệp hiểu rõ, tuân thủ, thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tiếp tục đồng hành hỗ trợ, xử lý hoặc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp sau khi kiểm tra các dự án tại KCN Trà Đa, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, tổng hợp tình hình, báo cáo cho UBND tỉnh; đề xuất giải pháp chấn chỉnh hoạt động đầu tư các dự án, tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư có năng lực thật sự.

Rà soát theo Quyết định số 33/2023/QĐ-UBND ngày 19-9-2023 của UBND tỉnh, tiến hành thu hồi đối với trường hợp thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng nhằm tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh năm 2024 là theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng KCN Nam Pleiku nhằm đủ điều kiện tiếp nhận dự án của nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào khu công nghiệp.

Tham mưu UBND tỉnh tiến hành khảo sát, triển khai các bước thành lập KCN, lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng để đầu tư xây dựng KCN mới theo Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cũng sẽ hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp nhận, xem xét các hồ sơ dự án của nhà đầu tư đảm bảo năng lực tài chính, có nhu cầu đầu tư vào Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thông qua quy trình đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, phối hợp với UBND huyện Đức Cơ triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở, đất thương mại dịch vụ tại khu trung tâm Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.

Có thể bạn quan tâm