Báo xuân

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với phương châm cải thiện môi trường đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp, năm 2022, Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) tỉnh Gia Lai đã hoàn thành kế hoạch đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Những kết quả khả quan

Với phương châm: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, năm 2022, Ban Quản lý KKT tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm đạt mục tiêu xây dựng và phát triển Khu Công nghiệp Trà Đa, Khu KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Khu Công nghiệp Nam Pleiku thành những khu vực phát triển kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao.

Ông Nguyễn Như Trình-Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh-cho biết: “Xác định lấy doanh nghiệp làm đối tượng quản lý và cũng là đối tượng phục vụ, Ban đã tập trung quán triệt, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện Quyết định số 924/QĐ-UBND ngày 24-12-2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 và Quyết định số 929/QĐ-UBND ngày 28-12-2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2022. Các giải pháp cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, quan tâm chăm sóc, đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư hiện hữu được Ban rất chú trọng. Trong năm, Ban đã thành lập Tổ tư vấn đầu tư làm công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ tối đa các thủ tục cho nhà đầu tư từ khâu tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đầu tư đến thủ tục thành lập doanh nghiệp, thuê đất, xây dựng, các thủ tục theo quy định của pháp luật môi trường. Song song đó, nắm bắt và tháo gỡ nhanh chóng các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy định pháp luật liên quan tới hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị cấp thẩm quyền phương án giải quyết”.

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai và Ban Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Oyadav (Vương quốc Campuchia) ký biên bản ghi nhớ tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác. Ảnh: Kim Linh

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai và Ban Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Oyadav (Vương quốc Campuchia) ký biên bản ghi nhớ tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác. Ảnh: Kim Linh

Trong năm 2022, tại Khu Công nghiệp Trà Đa, Ban Quản lý đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 1 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 119 tỷ đồng; cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án. Hiện Khu Công nghiệp Trà Đa có 55 nhà đầu tư, triển khai đầu tư 61 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.396 tỷ đồng (tăng 3,15% so với năm 2021); tổng vốn đầu tư đã thực hiện 2.525 tỷ đồng (tăng 18,18% so với năm 2021), đạt 74,35% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, có 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (chiếm 8,2% tổng dự án đầu tư vào Khu Công nghiệp), vốn đầu tư đăng ký là 454,5 tỷ đồng và vốn đầu tư thực hiện là 446,512 tỷ đồng. Các ngành, nghề được các nhà đầu tư triển khai tại Khu Công nghiệp Trà Đa chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất đá granite, nông sản, gỗ...

Tính đến cuối năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.318,36 tỷ đồng (tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021); tổng doanh thu thuần đạt 3.539,2 tỷ đồng (tăng 101,3% so với cùng kỳ năm trước); doanh thu công nghiệp đạt 2.213 tỷ đồng (tăng 215,87% so với cùng kỳ năm 2021); nộp ngân sách nhà nước đạt 124,4 tỷ đồng (tăng 82,5% so với cùng kỳ năm ngoái). Kim ngạch xuất-nhập khẩu của các doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Trà Đa ước đạt 213,8 triệu USD, tăng 73,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 133,3 triệu USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch nhập khẩu đạt 80,5 triệu USD, tăng 203,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số lao động đang làm việc tại Khu Công nghiệp Trà Đa là 2.008 người, thu nhập bình quân đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng.

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và UBND huyện Đức Cơ ký kết thỏa thuận phối hợp trong công tác quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Kim Linh

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và UBND huyện Đức Cơ ký kết thỏa thuận phối hợp trong công tác quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Kim Linh

Đối với KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, năm 2022 đã thu hút thêm 1 dự án với tổng vốn đăng ký 6 tỷ đồng. Trong năm, Ban cũng đã cấp điều chỉnh 4 quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án, trong đó có 1 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư tăng thêm là 8,765 tỷ đồng. Hiện KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có 36 nhà đầu tư thực hiện 40 dự án với tổng vốn đăng ký gần 557 tỷ đồng. Đã có 11 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, 20 dự án đang xây dựng và 9 dự án đang làm thủ tục. Các dự án chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi... Đến cuối năm 2022, doanh thu thuần của các doanh nghiệp tại đây đạt hơn 413 tỷ đồng; kim ngạch xuất-nhập khẩu đạt gần 138 triệu USD, tăng 17,26% so với cùng kỳ năm 2021.

Khu Công nghiệp Nam Pleiku có tổng vốn đầu tư đăng ký là 517,5 tỷ đồng trên diện tích 191,55 ha hiện đang triển khai điều chỉnh quy hoạch chi tiết, Ban Quản lý KKT tỉnh đang tích cực đôn đốc nhà đầu tư triển khai các thủ tục liên quan tiếp theo.

Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh cho hay: “Nhằm mục tiêu giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Ban đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và cải cách hành chính; khai thác, vận hành hiệu quả phần mềm quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử; tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng internet... Việc tăng cường tiếp xúc nhằm nắm bắt tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ một cách nhanh gọn, hiệu quả cũng được chúng tôi triển khai, qua đó củng cố niềm tin và mối quan hệ gắn kết với doanh nghiệp”.

Hướng tới các mục tiêu mới

Bước vào năm mới 2023, Ban Quản lý KKT tỉnh tiếp tục nỗ lực hết sức, bền bỉ, kiên trì với quyết tâm cao để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Trước tiên là tăng cường công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động… Nỗ lực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chấp hành quy định của pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, lấy doanh nghiệp làm đối tượng quản lý và cũng là đối tượng phục vụ.

Bên cạnh đó, Ban cũng sẽ sớm tập trung triển khai công tác lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án đất thương mại dịch vụ, triển khai đấu giá quyền sử dụng đất khu dân cư tại khu trung tâm KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; lập kế hoạch sử dụng đất năm 2023; xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023. Đồng thời, tiến hành điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Khu Công nghiệp Trà Đa (điều chỉnh khu dịch vụ phụ trợ Khu Công nghiệp).

Đặc biệt, một số nhiệm vụ quan trọng khác cũng sẽ được Ban chú trọng triển khai như: đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung xây dựng KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đến năm 2045 để gửi Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.

Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Kim Linh

Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Kim Linh

Để nhiệm vụ hoàn thành đúng mục tiêu đề ra, Ban sẽ thực hiện sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy Ban Quản lý sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban Quản lý KKT; tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ trong Ban.

Tin rằng với những nỗ lực vượt bậc, Ban Quản lý KKT tỉnh sẽ đạt được nhiều thành tựu mới trong năm mới, là chỗ dựa tin cậy cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Như ông Hồ Sỹ Sáu-Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Cao Nguyên (Khu Công nghiệp Trà Đa) nhận xét: “Trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời các vấn đề cần thiết liên quan đến thủ tục pháp lý để đầu tư từ phía Ban Quản lý KKT tỉnh, nhờ đó, dự án được triển khai nhanh chóng. Trong quá trình hoạt động, bất cứ vấn đề gì phát sinh, khi chúng tôi phản ánh, Ban đã tiếp nhận và tìm cách giải quyết thấu đáo. Chúng tôi rất hài lòng với sự hỗ trợ, đồng hành của Ban”.

Có thể bạn quan tâm