Nét cọ chạm tâm hồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với khá nhiều sự kiện lần đầu tiên tổ chức trong thời gian gần đây, mỹ thuật Gia Lai đã mang đến cho công chúng yêu hội họa những “cú chạm” đáng giá về cảm xúc.

Phải thừa nhận rằng chưa khi nào mỹ thuật đương đại lại tiếp cận đời sống gần đến thế, nhiều đến thế, phả vào đó những quyến dụ mơ hồ, lãng đãng của một vùng sơn nguyên.

1. Có thể cảm nhận rất rõ cuộc trở mình của hội họa Gia Lai sau khoảng thời gian dài có phần lặng lẽ. Nói lặng lẽ là bởi, mặc dù tại các triển lãm khu vực và toàn quốc, các họa sĩ tỉnh nhà được vinh danh không ít lần nhưng cơ hội giới thiệu rộng rãi tác phẩm đến công chúng chưa nhiều. Sự quan tâm của công chúng dành cho nghệ thuật của sắc màu vì vậy cũng ít nhiều bị thu hẹp.

Tác phẩm “Mùa lá hát” của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu.

Tác phẩm “Mùa lá hát” của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu.

Trong cuộc trở mình này, không thể không kể đến triển lãm “Về miền đất đỏ” diễn ra vào cuối tháng 10-2023. Lần đầu tiên có một cuộc “tập hợp lực lượng” dành cho các cây cọ nữ nên sự kiện được nhiều người đón đợi. Cuộc trưng bày đầy nữ tính với sự mềm mại về đường nét, ấm áp trong cách sử dụng sắc màu đã thu hút đông đảo người thưởng lãm. Mỗi người một phong cách, một chất liệu khác nhau để kể lại câu chuyện của riêng mình, tạo nên buổi hòa sắc thú vị. Dù đã đạt độ chín trong sự nghiệp hay còn chút non tay, những cái tên như: Hồ Thị Xuân Thu, Lê Nguyễn Thảo My, Mai Thị Kim Uyên, Nguyễn Nguyên Bút, Lê Vi Thủy, Châu Thị Ái Vân, Hoàng Phượng… đều mang đến cho người xem nhiều xúc cảm.

Tác phẩm “Ngược gió” của họa sĩ Mai Thị Kim Uyên.

Tác phẩm “Ngược gió” của họa sĩ Mai Thị Kim Uyên.

Để thấy được sự yêu mến rất lớn của công chúng dành cho hội họa, có lẽ cần kể về một nhóm khách tham quan rất đặc biệt đến từ Cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật Kim Yến Cao Nguyên (hẻm 106 Lý Thường Kiệt, thôn 5, xã Trà Đa, TP. Pleiku). Người đưa các em học sinh khiếm thính đến ngắm tranh tại đây là chị Trần Diễm Trinh-Chủ cơ sở và cô giáo Ngô Từ Vy (cũng là một người khiếm thính). Thường xuyên được hướng dẫn cách dùng sắc màu để vẽ lại những điều “lắng nghe” từ cuộc sống, phác thảo ước mơ của riêng mình, các em nhỏ đã vô cùng thích thú khi nhìn ngắm tác phẩm tại triển lãm. Lần đầu tiên các em được đến với một không gian rực rỡ đến vậy, nơi trải ra khung cảnh miền cao nguyên thấm đẫm bản sắc, nơi tỏ bày những góc nhìn về hạnh phúc hay tái hiện cả bầu trời tuổi thơ trong vắt. Dùng đôi tay để biểu đạt suy nghĩ bằng ngôn ngữ ký hiệu, cô giáo Từ Vy chia sẻ: “Tôi dẫn các em đến đây để học hỏi, giúp các em nhận biết các thể loại tranh với nhiều chất liệu khác nhau. Hy vọng quá trình học vẽ sau này của các em sẽ thêm phần tiến bộ, sáng tạo”.

2. Từ khi các triển lãm mỹ thuật thay phiên nhau mở cửa, đời sống đô thị bỗng như thành phố buổi lên đèn, lung linh lạ thường. Sự kiện nào ra mắt cũng đón lượng khách tham quan lớn, trong đó có cuộc tôn vinh cánh chim đầu đàn của mỹ thuật Tây Nguyên-cố họa sĩ Xu Man hồi cuối tháng 8-2023.

Tác phẩm “Bác Hồ với Tây Nguyên” của cố họa sĩ Xu Man (Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong chụp lại).

Tác phẩm “Bác Hồ với Tây Nguyên” của cố họa sĩ Xu Man (Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong chụp lại).

Đây là lần đầu tiên Bảo tàng tỉnh giới thiệu bộ sưu tập tranh gốc của ông gồm 17 tác phẩm, chủ yếu sáng tác giai đoạn sau năm 1975, được đơn vị sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Triển lãm đã giúp công chúng thêm một lần tiếp cận gần hơn với tranh của người nghệ sĩ duy nhất của Tây Nguyên nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật ở lĩnh vực mỹ thuật cho đến nay; đồng thời, giới thiệu ảnh chụp lại một số tác phẩm của họa sĩ Xu Man đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tình yêu quê hương, làng rừng chất chứa, chảy tràn qua từng nét cọ nên phong cảnh, con người vùng đất đỏ bazan luôn ngời ngợi và tươi sáng trong tranh của họa sĩ tài danh này. Chị Trần Thị Kim Thanh (TP. Pleiku) bày tỏ: “Tôi đặc biệt ấn tượng với những bức tranh ông vẽ kho lúa, cảnh được mùa, giã gạo… Đó là cái nhìn rất chân thực về một cuộc sống đơn sơ, bình dị, gắn bó với cộng đồng”.

Song sự kính yêu dành cho vị lãnh tụ của đất nước còn lớn hơn thế trong ông. Vậy nên, hình ảnh Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm của Xu Man, đặc biệt là các bức đại cảnh vẽ lại chính mong ước của đồng bào Tây Nguyên: Cả buôn làng rộn rã đón Bác về thăm. Đó chỉ là số ít tranh còn lại trong di sản của cố họa sĩ Xu Man. Nhiều bức đã hư hại, thất lạc hoặc thuộc về các nhà sưu tập tranh ngoài nước. Song chừng ấy cũng đã giúp người thưởng lãm có cơ hội được chiêm ngắm thật gần để hiểu hơn, yêu hơn một tâm hồn xứ sở.

3. Chưa dừng ở đó, mỹ thuật Gia Lai tiếp tục “ghi điểm” trong lần đầu tiên đưa nghệ thuật về cơ sở. Đó là triển lãm mang chủ đề “Cảm xúc mùa thu” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với UBND thị xã An Khê tổ chức hồi cuối tháng 9-2023.

Tác phẩm “Cuối thu” của họa sĩ Nguyễn Văn Chung.

Tác phẩm “Cuối thu” của họa sĩ Nguyễn Văn Chung.

Lâu nay, các triển lãm mỹ thuật cấp tỉnh vẫn thường được tổ chức tại TP. Pleiku, song lần này, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã có cuộc “thử nghiệm” thành công trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo. 50 tác phẩm hội họa, điêu khắc của 9 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Gia Lai đã được chọn trưng bày; trong số này có nhiều tác phẩm đã đạt giải cao tại các triển lãm khu vực và toàn quốc. Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Xuân Phước nhận định: “Đây là triển lãm lần đầu được tổ chức tại An Khê, quy tụ nhiều họa sĩ tên tuổi của Gia Lai, qua đó đưa các tác phẩm nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân”.

Đông đảo người xem, trong đó có rất nhiều học sinh đã cùng đến với không gian này để được ngắm nhìn vẻ tươi đẹp biết mấy của đất trời, con người Tây Nguyên với sắc thu vàng mật, sóng sánh ngời lên qua từng nét cọ. Rồi chẳng hẹn, cả bốn mùa cùng ùa vào không gian triển lãm, mang đến những rung cảm sâu sắc về mùa, về tình yêu và cả nỗi trầm tư mang dáng dấp của thân phận. Và biết đâu, trong số các bạn trẻ đến với triển lãm hôm ấy có người sau này sẽ trở thành người cầm cọ chuyên nghiệp, vẽ nên những tác phẩm đầy thấu cảm, chạm đến sâu thẳm tâm hồn đất và người Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm